Thứ Sáu, 06/05/2016 10:06

Có nhất thiết phải chuyển đổi thẻ ATM?

Trở ngại lớn nhất khi chuyển đổi hàng chục triệu thẻ ATM công nghệ thẻ từ sang thẻ chip là bài toán chi phí.

Theo lãnh đạo phụ trách lĩnh vực thẻ của một số ngân hàng (NH) thương mại, quá trình chuyển đổi toàn bộ thẻ ghi nợ nội địa ATM bằng công nghệ từ tính (thẻ từ) sang công nghệ thẻ chip không đơn giản. Nhiều NH sẽ phải nâng cấp những máy ATM đời cũ vốn chỉ đọc được thẻ từ, tốn kém hàng triệu USD cho chi phí làm thẻ chip…

* Hàng chục triệu thẻ ATM phải chuyển đổi

Lãng phí?

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh trong bài Hàng chục triệu thẻ ATM phải chuyển đổi, NH Nhà nước đã yêu cầu các NH thương mại khẩn trương chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip với toàn bộ thẻ ATM có mặt trên thị trường. Mục tiêu của quá trình này nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận, giả mạo thẻ đang gia tăng và chuẩn hóa thị trường thẻ Việt Nam. Quá trình chuyển đổi phải hoàn tất trong vòng 5 năm, từ nay tới 2020, số lượng lên tới vài chục triệu thẻ.

Chi phí lên tới hàng triệu USD khiến nhiều ngân hàng thương mại không mấy mặn mà với lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip Ảnh: TẤN THẠNH

Theo thống kê mới nhất của NH Nhà nước, toàn thị trường có khoảng 90 triệu thẻ các loại, trong đó khoảng 80 triệu thẻ ATM, còn lại là thẻ tín dụng, thẻ trả trước…

Lãnh đạo phụ trách thẻ của một NH cổ phần quy mô vừa cho rằng quá trình chuyển đổi như trên là quá gấp, sẽ dồn gánh nặng sang cho NH và khách hàng. Vị này ước tính chỉ riêng chi phí phát hành thẻ chip thay cho thẻ từ, NH của ông sẽ tốn khoảng 2 triệu USD (hơn 44 tỉ đồng).

Với các NH có quy mô vài triệu thẻ ATM thì chi phí phát hành thẻ chip thay thế có thể lên tới cả chục triệu USD. Chưa kể, đến nay, ngành NH vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chung về thẻ chip cho thẻ nội địa, nhanh nhất cũng phải đầu năm sau mới có nên thời gian còn lại cho việc chuyển đổi là quá ngắn.

Một trở ngại lớn khác là hiện nay, nhiều NH thương mại sử dụng những máy ATM/POS đời cũ chỉ đọc được thẻ từ, không đọc được thẻ chip nên nếu chuyển đổi sẽ phải nâng cấp toàn bộ hệ thống máy ATM/POS và hệ thống chuyển mạch nội bộ của từng NH. Khi đó, các máy ATM mới có thể kết nối được với nhau trong quá trình chủ thẻ giao dịch và chi phí nâng cấp hệ thống còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí chuyển đổi thẻ.

“NH nào cũng đang chạy đua phát hành thẻ mới để gia tăng khách hàng, chiếm lĩnh thị phần làm phát sinh một lượng rất lớn thẻ “rác” (thẻ không hoạt động). Với thẻ từ, chi phí phát hành chỉ 3.000-4.000 đồng/thẻ nhưng thẻ chip tốn kém gấp nhiều lần cũng là lý do khiến nhiều NH không mặn mà chuyển đổi. Ngay cả khi đã chuyển đổi sang thẻ chip mà số lượng thẻ “rác” vẫn nhiều như hiện nay thì sẽ càng lãng phí hơn nữa” - đại diện một NH có quy mô vài triệu thẻ ATM nhìn nhận.

Chuyển đổi dạng cuốn chiếu

Trái ngược với các ý kiến cho rằng việc chuyển đổi sang thẻ chip chưa cần thiết, lãnh đạo một số NH khác cho rằng đây là xu hướng quốc tế vì tính an toàn, bảo mật của thẻ chip cao hơn rất nhiều so với thẻ từ nên sẽ ngăn ngừa tội phạm công nghệ thẻ.

Đại diện Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết theo lộ trình chuyển đổi thẻ chip do NH Nhà nước ban hành thì đến năm 2020, toàn bộ thẻ ATM do các NH Việt Nam phát hành sẽ là thẻ chip có gắn logo NAPAS. NAPAS cũng xây dựng bộ tiêu chuẩn chung cho toàn thị trường nhằm triển khai nhanh chóng các ứng dụng mang tính thống nhất toàn hệ thống. Quá trình chuyển đổi sẽ theo hình thức cuốn chiếu do số lượng thẻ quá lớn, không thể thực hiện cùng lúc và bản thân từng NH cũng phải nâng cấp, thay đổi và chuẩn hóa mạng lưới ATM/POS để tương thích với thẻ chip.

Thẻ chip theo chuẩn EMV đã được các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng từ lâu. Tại Việt Nam, hiện NH Nhà nước mới giao cho NAPAS xây dựng đề án tiêu chuẩn thẻ chip nội địa. Lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là một phần của quy trình nâng cấp và chuẩn hóa thị trường thẻ Việt Nam. Dự kiến, 5 NH thương mại sẽ thí điểm xây dựng chuẩn thẻ chip nội địa phù hợp với điều kiện thực tế trước khi áp dụng ra toàn hệ thống.

Không phải bây giờ NH Nhà nước mới yêu cầu hệ thống NH chuyển đổi công nghệ thẻ từ sang thẻ chip. Khoảng năm 2009, NH Nhà nước từng xây dựng lộ trình để khuyến khích quá trình chuyển đổi nhưng không nhiều NH mặn mà do bài toán chi phí tốn kém nên chỉ áp dụng cho thẻ tín dụng quốc tế. Đến nay, toàn bộ thẻ tín dụng đã phát hành theo chuẩn EMV (chuẩn thanh toán của 3 liên minh thẻ lớn nhất thế giới xây dựng) nhưng riêng thẻ nội địa vẫn theo công nghệ cũ.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng việc chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip là cần thiết. Bởi lẽ, các đối tượng xấu chỉ mất vài giây để sao chép, đánh cắp thông tin thẻ từ máy ATM bằng các thiết bị nhưng với thẻ chip thì gần như không thể. Nếu tính bài toán chi phí, nhiều NH đang nâng cấp hệ thống NH lõi (core banking) có thể triển khai nâng cấp luôn hệ thống cho thẻ chip để gia tăng bảo mật, an toàn cho chủ thẻ.

“Có NH mỗi tháng phải mất vài trăm triệu đồng bồi thường cho khách hàng liên quan đến đánh cắp thông tin thẻ, chi phí liên quan đến rủi ro về thẻ cũng cả triệu USD mỗi năm… Vì thế, việc chuyển đổi sang thẻ chip để tăng bảo mật là cần thiết. Chưa kể, thẻ chip sẽ hỗ trợ thêm nhiều tính năng, tiện ích trong thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Minh phân tích.

Khách hàng không tốn phí chuyển đổi

Đại diện NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết hiện NH này có gần 4 triệu thẻ ATM và dự kiến trong quý II/2016 sẽ triển khai chuyển đổi sang thẻ chip đối với các thẻ quốc tế, sau đó tiếp tục chuyển đổi với thẻ nội địa. Việc chuyển đổi này giúp tăng tính an toàn và bảo mật hơn cho khách hàng trong việc sử dụng thẻ, không ảnh hưởng đến quá trình sử dụng. Sacombank sẽ không thu bất kỳ khoản phí nào từ khách hàng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Một số NH khác cũng cho biết khách hàng không phải tốn chi phí chuyển đổi hoặc nếu có sẽ rất ít, không ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng thẻ.


Thái Phương

người lao động

Các tin tức khác

>   Vàng SJC tiếp tục giảm, tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng (06/05/2016)

>   Ngân hàng phải có lãi mới được thành lập chi nhánh, phòng giao dịch mới (06/05/2016)

>   Sẽ xử lý nghiêm vi phạm "lách" trần lãi suất tiền gửi bằng USD (05/05/2016)

>   Techcombank: Nợ có khả năng mất vốn tăng 26% trong quý 1 (05/05/2016)

>   Mô hình ngân hàng hai cấp: Một cuộc cách mạng (05/05/2016)

>   HSBC: FDI giúp phục hồi tăng trưởng xuất khẩu hơn 10%, lãi suất OMO sẽ không đổi (05/05/2016)

>   ACB: Lãi ròng quý 1 hơn 310 tỷ, nợ có khả năng mất vốn 1,315 tỷ đồng (05/05/2016)

>   Sacombank hợp tác với Tập đoàn tài chính lớn thứ 4 của Nhật Bản (05/05/2016)

>   SHB: Trích lập dự phòng quý 1 tăng đột biến (05/05/2016)

>   TP.HCM: Ngân hàng điều chuyển nguồn vốn dài hơn (04/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật