Mâu thuẫn với thực tế, quy hoạch hệ thống cảng cạn Việt Nam sẽ điều chỉnh?
Việc thực hiện quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn theo đúng 13 vị trí xác định trong Quyết định 2223/QĐ-TTG về quy hoạch hệ thống cảng cạn Việt Nam đến 2020 và định hướng 2030 là rất khó triển khai, có phần mâu thuẫn với thực tế phát triển hiện nay, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đánh giá.
Nội dung trên được trình bày trong buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT báo cáo về Dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ảnh minh họa
|
Bộ GTVT cho biết, cảng cạn là được đánh giá một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế. Phát triển cảng cạn nhằm tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn.
Ngày 13/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2223/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cả nước sẽ hình thành và phát triển 13 cảng cạn với quy mô công suất khoảng 6 triệu TEU/năm vào năm 2020 và 14.2 triệu TEU/năm đến năm 2030.
Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị Tư vấn lập Đề án) về hiện trạng phát triển cảng cạn ở Việt Nam, hiện trên toàn quốc có 20 cảng cạn và các cảng thông quan nội địa hoạt động như cảng cạn, tập trung tại miền Bắc và miền Nam (miền Trung chưa có cảng cạn). Trong đó chỉ có 4 cảng cạn được Bộ GTVT công bố theo quy chế hoạt động cảng cạn ban hành theo Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ gồm: Cảng cạn (ICD) Phúc Lộc (tỉnh Ninh Bình), cảng cạn Km3+4 Móng Cái (Quảng Ninh), cảng Tân Cảng Nhơn Trạch và cảng cạn Hải Linh (Phú Thọ). Khu vực miền Bắc có 10 ICD kết nối với cảng biển Hải Phòng, chủ yếu các ICD có kết nối đường bộ, chỉ duy nhất 1 ICD Lào Cai có kết nối đường sắt. Khu vực miền Nam có 10 ICD kết nối với các cảng biển Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh với 7 cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa. Các cảng cạn tại miền Nam được đánh giá là hoạt động hiệu quả cao hơn so với miền Bắc.
Tuy nhiên, qua phân tích nhu cầu và hiện trạng phát triển cảng cạn ở Việt Nam, dự báo nhu cầu vận chuyển container, quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn đến năm 2020, 2030, những khó khăn hiện nay khi thực hiện quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn liên quan đến việc kết nối cảng cạn với các phương thức vận tải, quy mô, diện tích, hiện trạng phát triển, đơn vị Tư vấn đánh giá: Việc thực hiện quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn theo đúng 13 vị trí xác định sơ bộ trong Quyết định 2223 là rất khó triển khai, có phần mâu thuẫn với thực tế phát triển hiện nay.
Cụ thể, hình thành và phát triển 13 vị trí cảng cạn có quy mô diện tích từ 70-400 ha trên phạm vi cả nước là chưa hợp lý, mặc dù có thể đáp ứng về mặt nhu cầu dịch vụ nhưng sẽ không hợp lý ở một số khu vực và hành lang vận tải container chính, đặc biệt khu vực Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất và nhu cầu phát triển hệ thống cảng cạn hỗ trợ cho cảng biển là rất lớn...
Bên cạnh đó, kết hợp làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn 20 tỉnh, thành, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng đã nhận được ý kiến góp ý của các Bộ ngành liên quan trong đó đều góp ý cần hoàn thành thực hiện Quy hoạch điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng cạn theo Quyết định 2223/QĐ-TTg trước khi phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thống nhất mục đích thiết lập hệ thống cảng cạn là để phục vụ hệ thống cảng biển hiệu quả hơn, kết nối tốt với các phương thức khác vận tải khác, lượng hàng hóa tập trung tại đây nhiều hơn và giúp làm thủ tục thông quan tại cảng cạn được nhanh hơn.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch Đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam và đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh nội dung Dự thảo điều chỉnh Quyết định số 2223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, giao đơn vị Tư vấn bổ sung, hoàn thiện nội dung Đề án Quy hoạch chi tiết; chỉnh sửa nội dung Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, việc đầu tư sẽ kêu gọi xã hội hóa từ nguồn lực tư nhân, sẽ không có sự hỗ trợ của nhà nước. Ưu tiên phối hợp với địa phương có cảng cạn được kết nối với ít nhất 2 phương thức vận tải trong đó ưu tiên nhất là đường bộ và đường thủy nội địa. Đối với những trường hợp chỉ có một phương thức vận tải thì phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để tránh sau này gây gánh nặng cho đường bộ, gây ách tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp hoàn chỉnh nội dung 2 dự thảo này trong tháng 8 tới đây./.
|