Khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KHCN
Một số ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất tại dự thảo Quyết định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là một trong những loại hình quỹ được đề cập đầu tiên trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2000. Điều 38, Khoản 2 Luật Khoa học và công nghệ quy định: “Doanh nghiệp được lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ để chủ động đầu tư phát triển khoa học và công nghệ”. Luật Chuyển giao công nghệ 2006, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 tiếp tục bổ sung và đưa ra những quy định cụ thể. Các văn bản pháp lý quy định việc thành lập, tổ chức quản lý và sử dụng quỹ được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện trích lập quỹ.
Tuy nhiên, theo Báo cáo tại Hội thảo về việc triển khai thực hiện quỹ trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày 26/4/2013: “Việc hình thành quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, ít về số lượng (khoảng 15%), lại không đồng đều, như tại Bình Phước có doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế chỉ được khoảng 20 triệu đồng, có doanh nghiệp lại lên đến 189 tỷ đồng”. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến tháng 12/2015 có 7 doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, trong đó có 4 doanh nghiệp thực hiện trích lập và sử dụng quỹ sau khi thành lập với tổng số tiền trích lập quỹ là 115 tỷ đồng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, đến 30/11/2015 có 49 doanh nghiệp đã thực hiện thành lập quỹ, trong đó có 45 doanh nghiệp đã thực hiện trích lập quỹ với tổng số tiền trích lập là 498 tỷ đồng. Trong đó có 18 doanh nghiệp trích lập quỹ với số tiền trích lập dưới 1 tỷ đồng (khoảng 40%), trích thấp nhất là 10 triệu đồng. Tại thành phố Hà Nội, có 45 doanh nghiệp và 2 tổ chức khoa học và công nghệ thành lập quỹ, trong đó có 1 doanh nghiệp đã giải thể quỹ, 10 doanh nghiệp có báo cáo về tình hình trích lập và sử dụng quỹ. Thời gian quỹ được thành lập chỉ 1-3 năm trở lại đây.
Như vậy, cơ chế trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 chưa phát huy hiệu quả, chưa tạo ra được sự đột phá trong việc thúc đẩy được các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ, trước hết cần hoàn thiện quy định pháp lý về việc thành lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ. Đồng thời Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Các chính sách ưu đãi này có đối tượng hỗ trợ chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường nguồn lực để thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ như: Hỗ trợ thực hiện hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới và ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ thương mại hóa các kết quả khoa học và công nghệ hình thành từ việc sử dụng Quỹ.
Bên cạnh đó, theo dự thảo doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc quản lý và sử dụng Quỹ thì được khen thưởng, vinh danh theo các hình thức: Doanh nghiệp trích lập Quỹ với tỷ lệ từ 3% đến 5% thu nhập tính thuế hàng năm và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ trong 3 năm liên tiếp được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen; doanh nghiệp trích lập Quỹ với tỷ lệ từ 7% đến 10% thu nhập tính thuế hàng năm và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ trong 3 năm liên tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
Báo chính phủ
|