Thứ Năm, 26/05/2016 10:26

16 “sứ quân” ví điện tử: Cờ sẽ về tay ai?

Giới đầu tư nhìn thấy ở dịch vụ trung gian thanh toán tiềm năng tăng trưởng đột biến và nhiều hứa hẹn, đặc biệt trong một thị trường như Việt Nam.

Thanh toán điện tử dù mới chiếm 5% trong tổng số 4 tỉ USD của thương mại điện tử nhưng đang hứa hẹn tạo nên một thị trường có tốc độ tăng trưởng đột biến. Vì thế, danh sách các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này ngày càng dài, tạo nên sức cạnh tranh đến ngột ngạt giữa một thị trường thương mại điện tử đang sôi động hơn với các khoản đầu tư lớn của Cdiscount, Rakuten, VinEcom...            

Tám năm trước, dịch vụ trung gian thanh toán đã được phép triển khai thử nghiệm. Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, chỉ một số đơn vị như PeaceSoft (Ngân Lượng), VTC Pay, Smartlink... tham gia. Đa số cũng chỉ dừng ở 2 mảng hoạt động gồm cổng thanh toán điện tử và ví điện tử. Từ năm ngoái, khi Thông tư 39 có hiệu lực, dịch vụ trung gian thanh toán mới được nâng cấp lên từ thí điểm sang thành cấp phép chính thức cho các doanh nghiệp ngoài ngân hàng, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Thực tế, thanh toán trực tuyến vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Trong gần 10.000 website thương mại điện tử đang hoạt động, chỉ 17% website có chức năng thanh toán trực tuyến, theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương. Vì thế, dù thương mại điện tử đạt tốc độ tăng trưởng 35% trong năm 2015, nhưng thanh toán điện tử mới còn rất khiêm tốn. Nếu nhìn ở phạm vi toàn ngành bán lẻ, theo Euromonitor, con số này còn khiêm tốn hơn, chỉ chiếm 0,71%.

Tuy nhiên, giới đầu tư nhìn thấy ở dịch vụ trung gian thanh toán tiềm năng tăng trưởng đột biến và nhiều hứa hẹn, đặc biệt trong một thị trường có dân số cao, tỉ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập internet tăng nhanh cùng với hạ tầng công nghệ thương mại điện tử đang được hiện đại hóa. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc của PeaceSoft, tăng trưởng bình quân 5 năm qua ở Ngân Lượng là 100%. Mỗi năm, Ngân Lượng đã xử lý lưu lượng thanh toán lên đến 5.000-6.000 tỉ đồng. Đối với các công ty tham gia muộn hơn, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Công ty Ví FPT, đơn vị sáng lập ra Sendo.vn, đánh giá, cơ hội phát triển của các doanh nghiệp tham gia ngành này là “không dưới 3 con số”.

Thị trường đang chứng kiến những chuyển biến của xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, biểu hiện qua tỉ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm dần từ 12,3% năm 2012 xuống 11,89% vào tháng 10.2015. Ngoài ra, tổng lượng thẻ lưu hành trên thị trường cũng ồ ạt hơn, đạt xấp xỉ 70 triệu thẻ. Với những thay đổi này, theo Bộ Công Thương, khách hàng dần quen với hình thức chuyển khoản khi mua hàng qua mạng, tăng từ 14% năm 2014 lên 48% năm 2015.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn tiến thêm vào lĩnh vực trung gian thanh toán. Chưa đầy 1 năm, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 16 đơn vị. Đa số các công ty đã đăng ký thực hiện cả 4 nghiệp vụ liên quan như: cổng thanh toán điện tử; thu chi hộ, chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử. Đặc biệt, trong nỗ lực chinh phục khách hàng, mỗi công ty tự tìm một lợi thế riêng. Chẳng hạn, nguồn thu lớn của Ngân Lượng chủ yếu là dịch vụ cổng thanh toán điện tử. Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, hầu hết các website thương mại điện tử đều sử dụng dịch vụ của Ngân Lượng.

Có 16 công ty được cấp phép thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán - Ảnh: payoo.vn

Lợi thế của Ví FPT là thừa hưởng danh mục khách hàng từ Sendo.vn, FPT Telecom, FPT Retail, FPT Online... chuyển sang. Trước mắt, trên 10.000 shop kinh doanh trên Sendo.vn đã sử dụng Ví FPT để quản lý thanh toán. Ước tính, nhờ Ví FPT, giá trị giao dịch trên Sendo.vn có thể tăng trưởng 30-40%. Lâu dài hơn, hàng triệu khách hàng sử dụng internet, dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến Fshare, quảng cáo trực tuyến... của FPT có thể cũng sẽ sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử từ Ví FPT.

Đối với 123Pay của Zion, thuộc Tập đoàn VNG, lợi thế là đã bắt tay với nhiều tên tuổi lớn như Lazada, Vietravel, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh... Mặt khác, khách hàng ở 123Pay còn được hỗ trợ quảng bá trên các sản phẩm khác của VNG như  Zing Me, Zing MP3, Zing News, Zalo...

Payoo của VietUnion có lợi thế về độ phủ của thị trường. Chẳng hạn, không cần có tài khoản ngân hàng, chỉ cần mua các thẻ thanh toán do Payoo phát hành, người dùng có thể  trả các hóa đơn online, mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi như Circle K, B’s mart, FamilyMart, VinMart+ hay đặt vé máy bay, vé xe... Riêng MoMo của M_Service chọn con đường tấn công linh vực trung gian thanh toán qua kênh thiết bị di động...

Với thế mạnh và chiến lược riêng, đặt trong bối cảnh thanh toán trực tuyến đang có nhiều cơ hội bùng nổ, mỗi doanh nghiệp trung gian thanh toán đều có ưu thế cạnh tranh. Đặc biệt, các công ty hiện không e ngại phải cạnh tranh, kể cả với ngân hàng. Bởi ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình, trong khi phạm vi hoạt động của các công ty trung gian thanh toán đa dạng hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tham gia lĩnh vực này đòi hỏi các công ty phải đáp ứng được nhiều yêu cầu như khả năng kết nối cao (với ngân hàng, các công ty viễn thông, công ty điện, nước, cơ sở công quyền (kho bạc, thuế...), bệnh viện, trường học, các hãng vận tải...). Ngoài ra, phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật để bảo mật thông tin và cho phép thanh toán trên nhiều phương tiện (máy tính, điện thoại di động), thông qua nhiều kênh giao dịch khác nhau (Internet Banking, SMS/Mobile Banking, thẻ thanh toán...).

Quan trọng hơn, trong khi thị trường thanh toán trực tuyến còn chưa phổ biến, các công ty phải trường vốn để “nuôi” thị trường. Những công ty đã đi qua chặng đường đầu tư như PeaceSoft thì theo đuổi mục tiêu đưa Ngân Lượng đạt lưu lượng thanh toán lên 1 tỉ USD. Riêng các công ty mới dấn bước sau này vẫn phải tiếp tục đầu tư, ước tính mất khoảng 3-5 năm.

Đây chính là dư địa để thị trường chứng kiến hàng loạt các thương vụ hợp tác hoặc M&A của các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này. Điển hình là econtext Asia, một công ty thanh toán điện tử hàng đầu của Nhật và châu Á đầu tư trở thành cổ đông tại Ví FPT. Hay M_Service đã được Quỹ Đầu tư Standard Chartered Private Equity (thuộc Ngân hàng Standard Chartered) và Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs rót 28 triệu USD.

Viết Nguyên

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Hạ viện Belarus đã phê chuẩn FTA giữa EAEC và Việt Nam (26/05/2016)

>   Doanh nghiệp tôm Việt gặp khó vì thương lái Trung Quốc (26/05/2016)

>   Obama đến Việt Nam và TPP (26/05/2016)

>   "Chốt" nội dung vay vốn Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình (25/05/2016)

>   Ông Obama nói gì trước khi rời Việt Nam? (25/05/2016)

>   EU tài trợ 2,5 triệu euro phát triển chuỗi giá trị tôm Việt Nam (25/05/2016)

>   Thành lập khu công nghệ công nghệ sinh học Đồng Nai (25/05/2016)

>   Thép cuộn cán nguội Việt Nam bị Malaysia tăng thuế chống bán phá giá lên 13.68% (25/05/2016)

>   Hơn 44,700 doanh nghiệp được thành lập trong 5 tháng đầu năm 2016 (25/05/2016)

>   "Nếu tính nhẩm, chỉ 1 phút có thể chỉ ra 30 ngành hàng bị làm giả" (25/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật