Kể khổ chuyện thuế
Mặc dù gần đây ngành thuế Việt Nam có những cải tiến về thủ tục hành thu nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân vẫn bức xúc vì bị “hành” đủ kiểu, đặc biệt là vào mùa quyết toán thuế.
Ở nhiều nước, hầu như mọi địa điểm kinh doanh hàng hóa và dịch vụ đều bắt buộc phải dùng máy tính tiền đồng thời in xuất hóa đơn cho khách hàng và như vậy trở thành một công cụ kế toán lưu lại mọi giao dịch để có thể kiểm tra và xác nhận được, dễ dàng cho việc tính thuế. Ảnh: Minh Khuê
|
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà việc nộp thuế ở Việt Nam vẫn được liệt vào dạng yếu kém trên thế giới, thể hiện qua chỉ số nộp thuế thuộc nhóm gần đội sổ, đứng thứ 168/189 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2014, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).
Nỗi khổ từ người tới... ta
Nói cho ngay, khai nộp thuế và làm việc với thanh tra thuế là nỗi thống khổ không chỉ đúng với người dân và doanh nghiệp Việt Nam mà còn đúng với ngay cả nhiều nước phát triển.
Chẳng hạn, Mỹ được WB đánh giá có chỉ số nộp thuế tương đối khá (xếp hạng 53) nhưng không ít người dân và doanh nghiệp nước này cũng đang lao đao với ngành thuế. Việc nộp thuế ở Mỹ phức tạp đến mức cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld hồi tháng 4-2014 đã gửi một “tâm thư” tới Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) để nói rằng ông hoàn toàn không chắc ông đã khai đúng thuế hay chưa, rằng dù vợ chồng ông đều tốt nghiệp đại học nhưng ông đã phải tốn nhiều tiền hơn số mà ông muốn chi ra để thuê một công ty kế toán lành nghề giúp vợ chồng ông khai thuế.
Ngoài chuyện khai thuế lằng nhằng, phức tạp, người dân và doanh nghiệp Mỹ còn phàn nàn đủ chuyện về bộ máy thuế vụ nước này, từ chuyện cán bộ thuế trực tiếp hướng dẫn người dân khai thuế mà còn sai, đến chuyện cán bộ thuế người thì thô lỗ, đối xử với người nộp thuế như với tội phạm, người thì quan liêu, không đếm xỉa những nguyên nhân khách quan, thực tế được phản ánh trong bản khai thuế của người dân, người thì dọa nạt rồi “gà” cho người nộp thuế cách làm để tư lợi cho mình.
Một trong những việc mà ngành thuế có thể làm được và làm ngay để việc nộp thuế đỡ trở thành nỗi thống khổ là hạn chế tần suất thay đổi quy định và thủ tục khai nộp thuế.
|
Có điều, hầu như không thấy có phàn nàn nào về chuyện do những thay đổi (bất ngờ) trong quy định và thủ tục khai và nộp thuế ở Mỹ nên người dân và doanh nghiệp gặp khó, bị “hành” và bị phạt hay bị thiệt hại oan uổng. Trong khi đó, đây là một trong những điều bị phàn nàn thường xuyên ở Việt Nam
Những việc ngành thuế có thể làm được ngay
Vì vậy, một trong những việc mà ngành thuế Việt Nam có thể làm được và làm ngay để việc nộp thuế đỡ trở thành nỗi thống khổ là hạn chế tần suất thay đổi quy định và thủ tục khai nộp thuế.
Tất nhiên là những người trong ngành thuế ở Việt Nam sẽ đưa ra nhiều lý do khách quan để biện hộ cho việc thay đổi “đặng chẳng đừng” này, nhưng họ cần thừa nhận rằng ở nhiều nước, rất nhiều chính sách thuế đã không hề thay đổi trong nhiều năm. Trường hợp bắt buộc phải thay đổi thì phải công khai, phổ biến, tuyên truyền, và giải đáp rộng rãi tối đa những thay đổi này trên mọi kênh truyền thông, tránh để những tình trạng đáng tiếc xảy ra, ví dụ như người dân khi đến làm thủ tục thuế thì cán bộ thuế mới chìa văn bản quy định mới ra.
Việc thứ hai, tuy không thể cầu toàn, hy vọng và yêu cầu 100% cán bộ thuế ở Việt Nam có phẩm chất và tinh thần làm việc đúng đắn, bất vụ lợi vì ngay ở Mỹ và nhiều nước phát triển khác cũng tồn tại những cán bộ không được như vậy, nhưng cũng phải thừa nhận rằng tỷ lệ cán bộ “biến chất” ở nhiều nước không phải là nhiều, đặc biệt so với Việt Nam. Một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt này là sự nghiêm minh của pháp luật với những hành vi sai trái của bất cứ ai, kể cả là công vụ viên.
Hơn nữa, ở nước khác, cơ quan thuế vụ và doanh nghiệp, người dân ở vào vị thế bình đẳng với nhau nên doanh nghiệp và người dân sẵn sàng kiện cơ quan thuế vụ ra tòa nếu họ thấy có những hành vi sai trái gây tổn hại cho mình. Khả năng bị kiện cáo vì thế là yếu tố quan trọng để ngành thuế vụ nói chung và cán bộ thuế nói riêng cố gắng “giữ mình”, hành động đúng đắn trong khuôn khổ luật định cho phép.
Ở đó không có chuyện cơ quan thuế vụ, cán bộ thuế vụ tự cho mình là kẻ mạnh, bề trên, ban ơn, nên nói gì, làm gì thì người dân và doanh nghiệp chỉ có tuân theo, chỉ có chịu đựng như ở Việt Nam.
Tiếc rằng tâm lý cố hữu “thấp cổ bé họng”, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để yên ổn làm ăn của người Việt, trong một xã hội mà tinh thần thượng tôn pháp luật vẫn còn là điều xa xỉ, đã tự mình làm hại mình. Nhiều vụ việc gây thiệt hại hiển nhiên, như hoàn thuế chậm, nhưng dường như chưa có ai đứng ra kiện ngành thuế đòi bồi thường. Trước viễn cảnh an toàn như vậy thì ngành thuế cần gì phải phấn đấu với nỗ lực cải thiện chất lượng phục vụ nữa?
Xem tiếp tại đây.
Phan minh ngọc
tbktsg
|