Doanh nghiệp bất động sản - bất hợp lý vì “thuế một chiều”
Trong khi hầu hết các ngành nghề đều được hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì bất động sản (BĐS) “một mình một kiểu”. Thua lỗ được lấy lợi nhuận từ các hoạt động khác để bù trừ nhưng có lãi thì không được “đập” lợi nhuận “cứu” các lĩnh vực khác, khiến các doanh nghiệp BĐS không dám mạo hiểm đầu tư sang các lĩnh vực mới.
“Một ví tiền - hai kiểu thuế”
Theo quy định thuế hiện hành, doanh nghiệp được phép bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận từ chuyển nhượng BĐS. Tuy nhiên, việc bù trừ này mới chỉ được thực hiện một chiều. Nghĩa là doanh nghiệp chỉ được phép bù lỗ kinh doanh BĐS với lãi của hoạt động kinh doanh sản xuất. Còn trong trường hợp, doanh nghiệp có lãi từ kinh doanh BĐS thì phải xác định riêng để kê khai nộp thuế và không được bù trừ ngược lại.
Đó là lý do trong cuộc gặp với Thủ tướng mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã phải kiến nghị về việc này để đòi sự công bằng cho doanh nghiệp BĐS.
“Đây là quy định bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014 đã quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Hơn nữa, trong cùng một doanh nghiệp thì các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp, có vai trò hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các hoạt động trên”, ông Châu khẳng định.
Thực tế, câu chuyện “một ví tiền - hai kiểu đánh thuế” này đã gây thiệt thòi không nhỏ cho các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt khi các doanh nghiệp này muốn đầu tư kinh doanh sang các lĩnh vực khác; hoặc cân đối tài chính giữa các mảng hoạt động. Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, doanh nghiệp phải được chủ động với “cái ví” và kế hoạch tài chính của mình. Nếu chuyển nhượng BĐS là một hoạt động kinh doanh bình đẳng như các kinh doanh khác thì việc sử dụng đồng lãi từ BĐS để bù trừ lỗ cho hoạt động khác sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động với kế hoạch đầu tư, tối ưu hóa nguồn vốn để phát triển dài hạn.
Các ngành khác cũng… mắc kẹt
Một thống kê cho thấy, có tới 26 ngành khác nhau sẽ bị ảnh hưởng khi BĐS khó khăn và kéo theo đó là hàng vạn lao động bị ảnh hưởng. Do đó, việc BĐS bị tách biệt khỏi hoạt động doanh nghiệp là một cản trở cho nền kinh tế. Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, nhiều doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng nhưng gặp khó khăn về tài chính, không trả được nợ nên phải bán BĐS để trừ nợ. Tuy nhiên, quy định hiện hành dẫn đến một bất cập là khi bán BĐS có lãi thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay, dẫn đến tình trạng có những doanh nghiệp nộp thuế bán BĐS xong, số tiền còn lại không đủ để trả ngân hàng.
Các chuyên gia tài chính cũng xác nhận, quy định bù trừ một chiều trên đang là nút thắt trong xử lý nợ xấu vì đa số các khoản nợ xấu hiện nay đều có tài sản đảm bảo bằng BĐS.
Một khảo sát của Hãng Tư vấn thuế E&Y cũng chỉ ra rằng, ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… luật thuế quy định được lợi nhuận và lỗ của các hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng BĐS được bù trừ khi tính thuế TNDN, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tối ưu thuế. Và duy chỉ có ở Việt Nam và Malaysia vẫn chưa cho phép bù trừ lợi nhuận/lỗ của các hoạt động kinh doanh với nhau. Lợi nhuận từ chuyển nhượng BĐS vẫn phải kê khai riêng cho dù doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động kinh doanh.
Thực tế, các nhà chức trách cũng đã nhận diện được sự bất cập của vấn đề và đề nghị sửa đổi trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế (cuối năm 2014). Tuy nhiên việc này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“BĐS đang là một trong những lĩnh vực đem lại lợi nhuận lớn nhưng để phát triển lâu dài, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư thêm các lĩnh vực mới. Nhưng cứ lãi đồng nào bị thu thuế ngay đồng đó, không cho bù sang các lĩnh vực mới thì bao giờ chúng ta mới có những doanh nghiệp đa ngành mạnh đi lên từ BĐS” - một doanh nghiệp BĐS bức xúc.
Việc bãi bỏ quy định lỗi thời trên và cho phép được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh BĐS không chỉ là đòi hỏi của ngành BĐS mà còn là đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế. Nếu quy định một chiều được gỡ bỏ không chỉ đem lại sự công bằng cho doanh nghiệp BĐS mà còn tạo điều kiện cho các ngành khác cùng được hưởng lợi, tạo đà phát triển cho các ngành nghề mới và đa dạng trong dài hạn cho Việt Nam.
Thu Trang
lao động
|