Doanh nghiệp lại than phí, thuế, hải quan
Nhiều doanh nghiệp phản ánh mỗi năm tiếp hàng chục đoàn thanh tra. Có doanh nghiệp một tháng tiếp năm đoàn thanh tra.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết cộng đồng doanh nghiệp (DN) gửi nhiều kiến nghị, kèm theo cả những bức xúc trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ diễn ra vào ngày 29-4.
Lãi suất đắt đỏ, khát vốn
Theo ông Lộc, lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức gần 8%/năm, gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực. “Như vậy về chi phí vốn, DN Việt đang chịu cao hơn nhiều so với các nước. Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, DN Việt không thể cạnh tranh được với các đối thủ nước khác” - ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, theo ông Lộc, các chi phí chính thức và không chính thức như chi phí vận tải, phí công đoàn, thuế, tăng lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội và các loại tiền “lót tay” đang bào mòn sức sống của DN.
Tài liệu của các hiệp hội DN gửi VCCI để phục vụ cho cuộc gặp của Thủ tướng cho thấy rõ điều này. Theo Hội DN quận Hải An, TP Hải Phòng, qua khảo sát cho thấy nếu như 76% số DN lớn vay được vốn từ ngân hàng thì tỉ lệ này chỉ là 60% cho DN nhỏ và 38% cho DN siêu nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là việc bắt buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn lại phiền hà.
Vì vậy, DN nhỏ và vừa buộc phải tự cứu mình bằng cách tìm đến bạn bè, thị trường tín dụng đen. “Các DN nhỏ phải vay trung bình tới 6% trên tổng số vốn đầu tư của họ từ thị trường chợ đen” - Hội DN quận Hải An nêu thực tế.
Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc thì khẳng định lãi suất vay vẫn còn ở mức cao làm các DN nhỏ và vừa khó có thể hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Điều kiện vay vốn tín dụng còn khó khăn vì không có tài sản thế chấp. Trong khi nhu cầu về vốn vẫn đang rất bức thiết.
DN vẫn than phiền nhiều về thủ tục hải quan. Trong ảnh: DN đang làm thủ tục hải quan tại khu công nghiệp TP.HCM. Ảnh: HTD
Nhiều bức xúc với thuế và hải quan
Những bức xúc, kiến nghị của các địa phương, hiệp hội DN… gửi đến Thủ tướng cũng cho thấy: Thuế và hải quan đang là hai lĩnh vực khiến… DN âu lo nhiều.
Kiến nghị của Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc dẫn chứng có DN được hoàn thuế 6 tỉ đồng nhưng kéo dài tới sáu tháng chưa được giải quyết. Tiêu biểu là trường hợp Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ Thủ đô, Công ty BH Vina đã đề nghị hoàn thuế vào tháng 12-2015 nhưng mãi đến tháng 4 năm nay mới nhận được tiền hoàn thuế. Khi thắc mắc thì cán bộ thuế trả lời do ngân sách hoàn hạn chế, chưa có tiền hoàn lại cho DN.
Đáng chú ý, sự hiểu biết về các quy định mới của một số cán bộ thuế còn hạn chế, không đủ khả năng giải thích, hướng dẫn cho DN. Thế nhưng khi có “tranh cãi” thì phần “thắng” bao giờ cũng thuộc về cán bộ thuế. Đặc biệt hiệp hội này cho biết: “Có nhiều DN nhà nước còn nợ hàng tỉ đồng tiền hoàn thuế hoặc nợ vốn xây dựng cơ bản kéo dài tới 2-3 năm không được thanh toán. Trong khi DN tư nhân nợ thuế vài ba trăm triệu đồng chưa thanh toán đã bị phạt. Đây là sự thiếu công bằng giữa DN Nhà nước và DN tư nhân”.
Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội thì cho hay hệ thống thuế kết nối chậm làm cho DN mất ít nhất 2-3 ngày mới có thể lấy hàng vì chờ ngành thuế. Điều này làm cho các công ty bị lỡ tàu, nhà sản xuất không kịp trả hàng, các chi phí phát sinh như lưu container, bến bãi… làm cho chi phí sản xuất tăng lên. Từ đó hiệp hội này đề xuất cho DN nợ thuế 30 ngày như các quy định trước đây.
“Hải quan áp dụng luật mới gây phiền hà cho DN. Trước đây xuất khẩu chỉ mất một ngày làm thủ tục nhưng hiện nay mất tới 2-3 ngày. Điều này khiến DN rất bức xúc” - báo cáo của Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội nêu rõ.
Hơn 100 km, bốn trạm thu phí
Phí giao thông tiếp tục trở thành một nội dung kiến nghị tiêu biểu của DN đối với Thủ tướng. Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình lấy ví dụ: “Đoạn đường từ Thái Bình đi Hà Nội chỉ có 105 km mà có tới bốn trạm thu phí. Có đoạn vừa mới đầu tư phủ thêm lớp nhựa nhưng vẫn thu phí cao như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ mức phí 45.000 đồng đối với xe chín chỗ ngồi trở xuống làm cho chi phí của DN vốn đã cao nay lại càng cao hơn”.
Tương tự, mức phí tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 đã tăng 3-4,5 lần từ đầu năm nay.
Từ đó, Hiệp hội Công Thương TP Hà Nội cho rằng cần phải điều chỉnh phí giao thông đường bộ, vì việc thu phí bất hợp lý, còn tình trạng các trạm thu phí đang hoạt động vi phạm pháp luật. “Việc thu phí theo đầu phương tiện với hình thức thu qua đăng kiểm cùng với mức thu chưa căn cứ vào thực tế sẽ làm cho DN vô cùng khó khăn, cần được xem xét lại” - hiệp hội này kiến nghị.
Một tháng tiếp năm đoàn thanh tra
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình nêu rõ: “Trong thời gian qua nhiều DN rất bức xúc vì Bộ TN&MT triển khai quá nhiều đợt thanh tra. Trong đó có DN vừa mới thanh tra cuối năm 2014, kết luận trong năm 2015 thì năm 2016 lại có quyết định thanh tra tiếp. Một số thành viên trong đoàn thanh tra có những biểu hiện thiếu tôn trọng DN nên đã gây bức xúc không cần thiết trong quá trình thanh tra”.
Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc nêu thực trạng: “Nhiều DN phản ánh mỗi năm tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra. Thậm chí có tháng 1 DN tiếp tới 4-5 đoàn thanh tra. Mà đối tượng thanh tra đa số là các DN vừa và nhỏ. Việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều, cùng một nội dung của nhiều ngành gây khó khăn cho DN. Thậm chí tâm lý của phần lớn người Việt Nam cứ thấy thanh tra là lo lắng, khách hàng không ủng hộ, cổ đông rút vốn, thương hiệu, uy tín của DN bị giảm sút”.
Từ đó, các hiệp hội, DN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành thanh tra cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể để tránh chồng chéo, tạo điều kiện cho DN phát triển.
Thiếu công bằng
Theo Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, đến nay số DN tư nhân được vay ODA mới đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể thủ tục để DN tư nhân được tiếp cận nguồn vốn này vốn nan giải. Trong khi đó, với lãi suất thấp, thời hạn cho vay lâu dài, DN nhà nước khi được vay vốn ODA sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh quá lớn đối với DN tư nhân.
Mặt khác, vốn ODA khi “chảy” vào DN nhà nước có nguy cơ vận động theo “tư duy nhiệm kỳ”, “cơ cấu khóa” dẫn đến tình trạng người đứng đầu thiếu trách nhiệm với đồng vốn, không phát huy hiệu quả. Thậm chí gây thất thoát, trở thành gánh nặng cho Nhà nước. Thực tế những năm qua cho thấy chúng ta không thiếu những bài học từ việc cho vay vốn ODA.
Vẫn phải qua nhiều cửa
Về cấp giấy phép đầu tư, căn cứ theo thủ tục cũ ban quản lý các khu công nghiệp cấp giấy phép đầu tư (trong đó có cả phần đăng ký kinh doanh). Sau khi có Luật DN và Luật Đầu tư thì phát sinh việc phải đăng ký kinh doanh qua Sở KHĐT; sau đó mới đến ban quản lý các khu công nghiệp cấp giấy phép đầu tư. Nếu đầu tư thêm hay mở rộng nhà máy đều phải làm như vậy. Tức DN phải qua nhiều cửa, mất thời gian.
Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc
|
Chân Luận
pháp luật tphcm
|