Doanh nghiệp “tố” bị truy thu thuế oan
Công ty TNHH King Group có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề nghị xem xét, hoàn trả số tiền khoảng 6,5 tỉ đồng...
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 19-4, ông Nguyễn Phương Lam - phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ - khẳng định việc Công ty TNHH King Group (tỉnh Hậu Giang) tiếp tục lên tiếng “kêu oan” về việc bị truy thu thuế cho thấy các hoạt động hành chính hiện nay cần phải thay đổi để doanh nghiệp có thông tin rõ ràng.
“Đúng sai thế nào sẽ do tòa án phán quyết nhưng qua đó cho thấy môi trường kinh doanh, pháp lý, vấn đề thủ tục hành chính hiện nay vẫn còn là câu chuyện gây rất nhiều tranh cãi” - ông Lam nêu quan điểm.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương Nga - giám đốc Công ty TNHH King Group - đã có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề nghị xem xét, hoàn trả số tiền khoảng 6,5 tỉ đồng mà doanh nghiệp này bị truy thu thuế “oan”.
Theo bà Nga, vào tháng 4-2010, công ty này có nhập lô hàng giấy cuộn đầu tiên từ nhà cung cấp Siam Kraft (Thái Lan). Trong quá trình công ty khai báo hải quan xin thông quan, Chi cục Hải quan Tây Đô (Cục Hải quan Cần Thơ) đã tiến hành lấy mẫu lô hàng này để phân tích, phân loại theo quy định. Kết quả phân tích, phân loại của Trung tâm Phân tích phân loại (chi nhánh TP.HCM) cho biết với giấy lớp mặt 140 gam/m2 và giấy lớp mặt 170 gam/m2 đều có mã số thuế là 48.05 (có mức thuế 0%).
Trong những năm qua, cơ quan hải quan thường kiểm tra ngẫu nhiên các lô hàng mà công ty nhập khẩu từ nhà cung cấp này, kết quả đều cho thấy cùng mặt hàng và cùng thông số kỹ thuật, nên vẫn được áp mã số thuế 48.05. Tuy nhiên đến ngày 12-4-2014, Cục Hải quan Cần Thơ tiến hành lấy mẫu của lô hàng nhưng lại xác định mã số thuế là 48.04 - tức doanh nghiệp phải đóng thuế nhập khẩu 5%.
Công ty King Group cho rằng nhiều năm hải quan Cần Thơ đã kiểm tra, tái kiểm tra và xác định mã số thuế là 48.05, hướng dẫn công ty phải khai báo đúng theo mã số thuế nhập khẩu của 50 tờ khai trên văn bản pháp lý của phía hải quan thì không thể cho rằng công ty khai sai rồi truy thu thuế bởi việc xác định mã số thuế, hướng dẫn khai báo đều do phía hải quan thực hiện.
“Từ năm 2014, khi phía hải quan xác định mặt hàng đó có mã 48.04, chúng tôi vẫn chấp hành. Còn trước đó, hải quan phân tích phân loại, cho mã số thuế, khai báo thế nào chúng tôi không làm khác được theo quy định. Hải quan sai thì không thể bắt doanh nghiệp gánh cái sai đó được. Chúng tôi đã đóng tiền truy thu thuế trước để khỏi phải bị cưỡng chế thuế, nhưng vẫn giữ quan điểm đề nghị trả lại số tiền này” - đại diện lãnh đạo Công ty King Group nói.
Theo biên bản giải quyết khiếu nại, Cục Hải quan Cần Thơ cho rằng thông báo của Trung tâm Phân tích phân loại chi nhánh TP.HCM chỉ áp dụng cho một tờ khai vào ngày 9-4-2010 nhưng công ty lại tiếp tục sử dụng kết quả phân tích, phân loại đó cho 50 tờ khai thuế tiếp theo, nên việc công ty cho rằng không khai sai mã số hàng hóa nhập khẩu là không hợp lý.
Tuy nhiên, phía King Group cho rằng hàng hóa của 50 tờ khai này giống với hàng hóa của tờ khai đầu tiên, mặt hàng giấy của cùng nhà sản xuất, cùng tính chất lý hóa, cùng làm thủ tục tại hải quan Cần Thơ nhưng cơ quan hải quan lại tách 50 tờ ra và ấn định thuế cho 50 tờ khai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Hải - phó cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ - cho biết trong văn bản trả lời khiếu nại lần 2 cho Công ty King Group, Tổng cục Hải quan vẫn khẳng định việc truy thu thuế, nên hải quan Cần Thơ phải thực hiện. Cũng theo ông Hải, nếu vẫn không đồng tình, doanh nghiệp có thể khởi kiện ra tòa.
Chí Quốc
tuổi trẻ
|