Hàng chục triệu thẻ ATM phải chuyển đổi
Toàn bộ thẻ ghi nợ nội địa (ATM) do các ngân hàng thương mại Việt Nam phát hành sẽ phải chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip theo đề án của Ngân hàng Nhà nước
Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, việc chuyển đổi toàn bộ thẻ NH các loại (chủ yếu là thẻ ATM) từ thẻ từ sang thẻ chip (vi mạch điện tử) là nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận, giả mạo đang gia tăng, góp phần giảm rủi ro, tổn thất cho các bên khi giao dịch. Các NH thương mại chỉ có khoảng 5 năm để chuyển đổi hàng chục triệu thẻ ATM đã phát hành. Thống kê mới nhất cho thấy cả nước có hơn 90 triệu thẻ các loại. Trong đó, thẻ ATM là hơn 80 triệu, còn lại là thẻ tín dụng, trả trước...
Tăng cường phòng chống tội phạm
Trong văn bản gửi các NH thương mại mới đây, NH Nhà nước yêu cầu khẩn trương chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ ATM theo kế hoạch đã được ban hành từ cuối năm ngoái. Việc chuyển đổi sang thẻ chip là một trong những giải pháp nhằm tăng cường phòng chống tội phạm thẻ bởi theo NH Nhà nước, tình hình tội phạm thẻ gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp (trộm cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả rút tiền tại hệ thống ATM…).
Thẻ ATM chủ yếu được dùng để rút tiền mặt. Ảnh: Hoàng Triều
|
Dự án chuyển đổi này do Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) thực hiện dưới sự chỉ đạo của NH Nhà nước và sự phối hợp từ các NH thương mại. NAPAS là thương hiệu mới của Banknetvn (Công ty CP Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam) sau khi sáp nhập với Công ty CP dịch vụ thẻ Smartlink. Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT NAPAS, cho biết cùng với mục tiêu chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đến năm 2020, thẻ nội địa trên toàn thị trường sẽ mang thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS và mục tiêu lớn hơn là đảm nhận vai trò thanh toán chủ yếu, chứ không chỉ rút tiền mặt như thời gian qua.
Theo ông Cù Anh Tuấn, Tổng Giám đốc NH TMCP An Bình (ABBANK), bước đầu, sẽ có nhóm 5 NH thương mại triển khai lập đề án, xây dựng thương hiệu thẻ nội địa riêng cho Việt Nam bằng công nghệ thẻ chip, thay thế toàn bộ thẻ từ đang sử dụng. Các NH đang thí điểm trước khi triển khai toàn hệ thống. Nếu NH Nhà nước không yêu cầu, từng NH cũng phải chuyển đổi do liên quan đến an toàn thẻ và thẻ chip có thể phục vụ khách hàng tốt hơn.
Đại diện NH TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết đến cuối tháng 3-2016, NH này đã phát hành gần 240.000 thẻ các loại và đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo lộ trình dự kiến của NH Nhà nước. Trong thời gian tới, SCB sẽ cùng với tất cả NH thương mại, NH Nhà nước và các đơn vị liên quan xây dựng, thống nhất bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa. Dự kiến, trong năm 2017, bộ tiêu chuẩn này sẽ được ban hành. Tiếp theo, SCB sẽ triển khai điều chỉnh, nâng cấp hệ thống phát hành và thanh toán của mình rồi tiến hành chuyển đổi thẻ cho khách hàng. Quá trình này mất 12-18 tháng và SCB có thể hoàn thành trước năm 2020.
Chủ thẻ có bị ảnh hưởng?
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip bao gồm nâng cấp phần mềm hệ thống, thiết bị chấp nhận thẻ và một số thành phần khác. Để phát hành được thẻ chip, đại diện NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho rằng quan trọng nhất là “tiêu chuẩn chip” nhưng tiêu chuẩn này vẫn chưa được công bố. Sau khi có tiêu chuẩn chung, các NH mới có thể triển khai việc chuyển đổi.
“So với thẻ từ, thẻ chip có khả năng bảo mật cao hơn. Chẳng hạn, với thẻ từ, việc sao chép thông tin khá dễ dàng. Còn thẻ chip, với cấu trúc như một máy tính thu nhỏ nên rất khó truy cập và đánh cắp dữ liệu. Thẻ chip còn cho phép tích hợp thêm nhiều tính năng, ứng dụng để phục vụ cho nhiều dịch vụ đa dạng khác” - đại diện SCB so sánh.
Theo lãnh đạo phụ trách thẻ của một số NH, quá trình chuyển đổi không ảnh hưởng đến việc sử dụng thẻ của khách hàng. Tất cả dữ liệu của chủ thẻ sẽ được NH giữ nguyên khi chuyển đổi. Trong suốt quá trình triển khai, các giao dịch của khách hàng được xử lý bình thường bởi NH vẫn duy trì song song 2 hệ thống từ và chip trong một thời gian nhất định để bảo đảm tính ổn định và chỉnh sửa các lỗi phát sinh (nếu có). Các NH cũng dành một khoảng thời gian để khách hàng chuyển dần sang sử dụng thẻ chip.
“Khoản phí duy nhất mà khách hàng có thể phải chịu là chi phí phát hành thẻ chip do giá của phôi thẻ gấp nhiều lần so với phôi thẻ từ. Tuy nhiên, NH cũng sẽ có chính sách hỗ trợ từng đối tượng để khách hàng tốn chi phí ở mức hợp lý nhất” - đại diện SCB cho biết.
Một cán bộ có thâm niên trong lĩnh vực thẻ NH nhận định chủ trương chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM sang thẻ chip là đúng với xu thế công nghệ hiện đại và an toàn. Giá trị mỗi phôi thẻ chip khoảng 1-1,5 USD tùy dung lượng (tương đương 23.000- 35.000 đồng), trong khi phôi thẻ từ chỉ khoảng 3.000-4.000 đồng/thẻ. Nếu tạm tính khoảng 60% thẻ ATM trên thị trường còn hoạt động (còn lại là thẻ rác, thẻ “chết”), số lượng thẻ cần chuyển đổi lên tới khoảng 50-55 triệu là một khoản chi phí rất lớn cho hệ thống NH, ngoài chi phí đầu tư nâng cấp hệ thống.
Lộ trình mà NH Nhà nước đưa ra là đến năm 2020 phải chuyển đổi xong toàn bộ thẻ nội địa. Nếu chuyển đổi quá nhanh, gánh nặng sẽ dồn lên các NH và có thể chuyển sang khách hàng, trong khi những nhà cung cấp phôi thẻ chip sẽ được lợi lớn.
Đừng để thẻ ATM chỉ rút tiền mặt
Lần đầu tiên, Việt Nam đã có thương hiệu thẻ quốc gia NAPAS do Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam triển khai với một trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất. Việc có thương hiệu thẻ quốc gia là cần thiết, không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của thương hiệu thẻ nội địa Việt Nam mà còn tạo bước chuyển biến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ở các nước, thương hiệu thẻ thanh toán quốc gia được triển khai rất thành công thông qua các công ty thanh toán, chuyển mạch tài chính quốc tế. Tại Việt Nam, với thị trường hơn 90 triệu thẻ các loại, mạng lưới kết nối liên thông gồm 16.800 máy ATM và 220.000 máy cà thẻ (POS) của trên 40 NH thương mại, việc xây dựng và phát triển thương hiệu thẻ quốc gia là cần thiết.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT NAPAS, bên cạnh các kênh truyền thống như ATM, POS, sắp tới, thương hiệu thẻ quốc gia sẽ phát triển trên các kênh NH điện tử, điện thoại (internet banking, mobile banking), đưa ra các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ, số hóa thẻ… nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Trên thực tế, chủ trương phát triển các kênh thanh toán hiện đại đã được Chính phủ, NH Nhà nước và các NH thương mại khuyến khích từ nhiều năm qua nhưng thẻ ATM vẫn chủ yếu được dùng để rút tiền mặt.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ và hệ thống NH đã đưa ra rất nhiều giải pháp, chính sách. Tuy nhiên, để có bước đột phá, cần phải giải quyết được vấn đề là làm thế nào để các giao dịch không dùng tiền mặt có chi phí rẻ hơn, được ưu đãi nhiều hơn, thực hiện dễ dàng, nhanh chóng hơn so với cách dùng tiền mặt.
Ngoài ra, cũng cần có những chế tài mạnh đối với những đơn vị chấp nhận thẻ (các điểm mua sắm, dịch vụ) từ chối thanh toán qua thẻ nội địa hoặc phân biệt đối xử thẻ nội địa với thẻ quốc tế. Thời gian qua, đã có những chế tài cụ thể nhưng chưa được áp dụng vào thực tế. Quan trọng hơn hết là tuyên truyền các chính sách về lợi ích và ưu đãi dành cho người dân khi sử dụng thẻ nội địa để thanh toán. Có như vậy mới tạo ra được những đột phá cần thiết để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và việc sử dụng thẻ nội địa quốc gia sẽ ngày càng phổ biến.
Linh Anh
|
Thái Phương
người lao động
|