“Giảm lãi suất cho vay là có cơ sở”
Ngày 29/4, tại hội nghị với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm 1%/năm, trong một số lĩnh vực ưu tiên.
* “Cam kết giữ ổn định lãi suất cho vay"
LienVietPostBank vừa công bố triển khai luôn từ ngày 25/4/2016 gói tín dụng quy mô 6.000 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.
|
Trước đó, ngày 27/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại, trong đó có định hướng thực hiện bình ổn và đặt mục tiêu có thể giảm được lãi suất cho vay.
Tại hội nghị nói trên giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã đưa ra thông điệp: “Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay”.
Ngay sau định hướng từ lãnh đạo Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại đã lần lượt công bố chính sách lãi suất cho vay ưu đãi mới, khống chế mức tối đa đối với các khoản vay trung dài hạn, giảm cho các khoản vay ngắn hạn mới.
Đến cuối ngày 29/4, thị trường đã ghi nhận nhiều thành viên tham gia bình ổn lãi suất cho vay nói trên: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank)...
Điểm chung, các ngân hàng trên cùng xác định, đối với các khoản vay mới trung và dài hạn, lãi suất cho vay tối đa được xác định là 10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn có thể giảm thêm tới 0,5%/năm, tùy các lĩnh vực ưu tiên và chất lượng khoản vay; hoặc đưa ra các gói tín dụng gắn với mức lãi suất ưu đãi cụ thể.
Thông tin công bố từ các ngân hàng thương mại cho biết, chính sách lãi suất mới này gắn với điều kiện cụ thể của mỗi thành viên, theo các hướng ưu tiên rót vốn, bằng các gói tín dụng có quy mô từ 300 tỷ đồng, 5.000 tỷ đồng hoặc xét với tất cả các doanh nghiệp vay vốn nói chung.
Mặt khác, một trong những cơ sở để giảm lãi vay nói trên, như thông tin từ Vietcombank và BIDV, là từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB), cho biết việc tiết giảm chi phí hoạt động cũng là một trong những cơ sở để ngân hàng này nhập cuộc, thực hiện định hướng trên của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, từ tháng 5/2016, LienVietPostBank sẽ thực hiện chính sách lãi suất cho vay trung dài hạn tối đa chỉ 10%/năm, bình quân sẽ ở khoảng 9,5%; lãi suất cho vay ngắn hạn với các doanh nghiệp tốt sẽ giảm tới 0,5%/năm so với trước đó.
Theo ông Hưởng, ngoài cơ sở từ tiết giảm chi phí hoạt động, thời gian qua và hiện nay LienVietPostBank đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ, huy động được các nguồn vốn có lãi suất hợp lý để thực hiện được chính sách lãi suất cho vay nói trên.
“Việc giảm lãi suất cho với chúng tôi hiện nay là hoàn toàn có cơ sở thực tế”, ông Hưởng nói.
Thậm chí, ông Hưởng cho biết, nắm bắt xu hướng bình ổn lãi suất, ngay từ ngày 22/4/2016, LienVietPostBank đã xây dựng và triển khai luôn từ ngày 25/4/2016 gói tín dụng quy mô 6.000 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm./.
vneconomy
|