ĐHĐCĐ RAL: Hội nhập mạnh tạo sức ép cạnh tranh, kế hoạch lãi 2016 giảm 29%
Sáng ngày 07/05, CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HOSE: RAL) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên để thông qua phương án kinh doanh năm 2016 với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trước thuế giảm 8% và 29% so với kết quả năm 2015, trước bối cảnh hội nhập với nhiều khó khăn, thách thức và phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và các đối thủ.
ĐHĐCĐ thường niên của RAL tại Hà Nội ngày 07/04
|
3 - 5 năm nữa đèn LED sẽ chiếm một nửa tổng doanh thu
Điểm lại kết quả năm 2015, doanh thu thuần của RAL đạt 2,659 tỷ đồng, tăng 2.3% so với thực hiện năm 2014 và vượt nhẹ kế hoạch đề ra 4%. Lợi nhuận trước thuế đạt 126 tỷ đồng, tăng trưởng 42% và vượt chỉ tiêu 58%. Cổ tức đã thực hiện tỷ lệ 35%.
Mặc dù đạt được kết quả tương đối khởi sắc năm vừa qua nhưng bước năm 2016, HĐQT chỉ đặt mục tiêu doanh thu đạt 2,446 tỷ đồng, giảm 8% so với kết quả năm trước. Đồng thời, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cũng ước giảm 29%, đạt 90 tỷ đồng. Dù vậy, Công ty vẫn dự kiến chỉ trả cổ tức 2016 với tỷ lệ lên tới 40%, dự kiến sẽ chi trả 20% vào tháng 9/2016 và 20% còn lại vào tháng 4/2017.
Chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh, ông Nguyễn Đoàn Thăng – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết hiện nay các mặt hàng đèn Compact, huỳnh quang… đang có dấu hiệu giảm sút và các loại đèn LED thì trỗi dậy mạnh mẽ. Do đó, doanh thu từ các mặt hàng truyền thống đều sẽ giảm, tuy nhiên dự đoán mức tăng trưởng doanh thu của các mặt hàng đèn LED trong thời gian này vẫn chưa thể bù đắp lại phần hao hụt đó. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu phấn đấu từ 3-5 năm tới, doanh thu từ mảng bóng đèn LED sẽ chiếm một nửa trong tổng doanh thu và thay thế dần các mảng còn lại.
Ông Thăng cũng cho biết hiện nay thị trường đèn LED đang gặp sự cạnh tranh rất khốc liệt trên cả thị trường nội địa và ngoại địa, do tính dễ dàng trong việc nhập khẩu từ Trung Quốc, sự đơn giản trong khâu lắp ráp. Hiện tại, Việt Nam có hơn 120 công ty kinh doanh bóng đèn LED nhưng hầu hết đều theo phương thức nhập khẩu các thành phần bộ phận từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp, như vậy vừa không mất chi phí nghiên cứu, mà còn tránh được thuế. Vì thế vấn đề cạnh tranh trên thị trường lại càng khó khăn hơn đối với một công ty nghiên cứu, sản xuất như RAL.
Bên cạnh đó, việc hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, theo Ban lãnh đạo cũng sẽ mang lại nhiều thách thức cho Công ty, do hàng ngoại có thể tràn vào nước ta dễ dàng hơn. Bởi vậy, Công ty phải nỗ lực hơn để tiếp cận thị trường và phát triển thương hiệu trên các nước khác. Và để làm được điều đó, RAL sẽ đi theo cả hai con đường là cao cấp và giá rẻ, kết hợp song song để phát triển bền vững.
Trong quý 1/2016, doanh thu của RAL ghi nhận 813 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận gộp lại giảm hơn 10%. Tuy vậy, nhờ cắt giảm các chi phí khác, lãi trước thuế vẫn tăng trưởng 39%, đạt 36.7 tỷ đồng. Trước kết quả này, cổ đông đã có câu hỏi về vấn đề biên lợi nhuận gộp giảm, hàng tồn kho tương đối cao và vòng quay hàng tồn kho của RAL cao hơn so với một doanh nghiệp cùng nghành khác là CTCP Bóng đèn Điện Quang (HOSE: DQC).
Đoàn Chủ tịch trả lời việc hàng tồn kho đọng lại là một phần của nghiên cứu sản phẩm mới khá tốn thời gian, trong khi đó thị trường có sản phẩm mới nhanh, cứ 6 tháng là có một loại chip LED mới, giá rẻ hơn. Trong khi đó, việc đặt hàng khối lượng lớn của khách hàng, cần có thời gian chuẩn bị, sản xuất nhưng khi đến hạn, khách hàng lại gặp khó khăn, ví dụ gần nhất là tại thị trường Ai Cập khi việc nhập khẩu bào bì ràng buộc bởi các chứng chỉ tiêu chuẩn, trong khi việc trả tiền lại bị giới hạn ở mức ngoại tệ ra bên ngoài, khiến việc thanh toán khó khăn. Nói thêm về trường hợp của DQC, ông Thăng cho biết, không nên so sánh một công ty nghiên cứu, sản xuất như RAL với một công ty thương mại, điều này hoàn toàn vô nghĩa.
Trong năm 2016, RAL dự chi đầu tư 193 tỷ đồng cho thiết bị công nghệ, trong đó đầu tư lớn nhất cho xưởng điện tử đèn & LED với 3 triệu USD, đầu tư cho lò thủy tinh không chì và lò thủy tinh phích, mỗi lò 40 tỷ đồng và một số công nghệ khác. Được biết, trong năm 2014 và 2015, Công ty đã đầu tư cho công nghệ lần lượt 86.3 tỷ và 41.5 tỷ đồng.
Công đoàn vẫn “nuôi mộng” gom cổ phần
Tại Đại hội, HĐQT đã có tờ trình về việc tổ chức Công đoàn của RAL sẽ không phải thực hiện chào mua công khai khi mua cp của Công ty, trong 2 trường hợp là cổ đông lớn thoái vốn và mua các cp lẻ trên thị trường. Tờ trình đã được Đại hội thông qua với tỷ lệ 97.76% (một cổ đã không tán thành).
Được biết, vấn đề này đã được trình và thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, khi đó Công đoàn của RAL có mong muốn mua lại toàn bộ phần vốn của SCIC tại Công ty và nếu thực hiện được, sẽ nâng sở hữu của Công đoàn lên tới hơn 60%. Tuy nhiên, ý định này không thành, do cổ phần của SCIC đã được bán lại cho 2 cá nhân trong một gia đình là ông Lê Đình Hưng (hiện nắm giữ 9.26%) và bà Lê Thị Kim Yến (hiện nắm giữ 15.15%)- bà Yến sau đó đã được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT của Công ty.
Như vậy với việc thông qua tờ trình nêu trên, rất có thể Công đoàn của RAL sẽ tiếp tục “âm thầm” gia tăng tỷ lệ nắm giữ tại Công ty trong thời gian tới.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tở trình đều được cổ đông thông qua, trong đó có việc trích quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ tiềm lực khoa học công nghệ lần lượt 15%, 10%, 20% trên lợi nhuận sau thuế và giữ nguyên mức thù lao cho HĐQT trong năm 2016, dù gặp phải sự không tán thành từ một cổ đông sở hữu 2.24% vốn.
Một số hình ảnh dây chuyển LED
|