Chủ Nhật, 08/05/2016 15:45

ĐHĐCĐ MPC: “Nếu giá tôm giảm thì có thể kết quả 2016 sẽ không như mong muốn”

Mặc dù đã trải qua một năm 2015 với kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi nhưng CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (OTC: MPC) vẫn đặt ra kế hoạch năm 2016 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 546 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Jean-Eric Jacquemin – Chủ tịch kiêm CEO của Red River Holding đã rút ứng cử HĐQT ngay trước ngày diễn ra ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.

Đó là một số nội dung được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 diễn ra sáng ngày 07/05 của MPC tại TPHCM.

Cụ thể, theo tài liệu đại hội thì ông Jean-Eric Jacquemin – Chủ tịch kiêm CEO của Red River Holding sẽ tham gia ứng cử vào HĐQT. Tuy nhiên, tại đại hội, ông Quang cho biết trước ngày diễn ra đại hội một ngày, ông Jean-Eric đã quyết định không tham gia vào HĐQT. Chính vì vậy, HĐQT mới của công ty chỉ bao gồm 6 thành viên là ông Lê Văn Quang, bà Chu Thị Bình, ông Chu Văn An, bà Lê Thị Dịu Minh, ông Lê Văn Điệp, và ông Lê Ngọc Anh

“Nếu giá tôm giảm thì có thể kết quả 2016 sẽ không như mong muốn”

Năm 2016, MPC đặt ra kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 16,346 tỷ đồng, tương ứng sản lượng sản xuất tôm và cá thành phẩm lần lượt là 47,338 tấn và 10,750 tấn. Kim ngạch xuất khẩu hợp nhất kỳ vọng đạt 687 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 593 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 546 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả đó, MPC tiếp tục phấn đấu để duy trì vị trí công ty xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam và thế giới. MPC sẽ xây dựng “Chuỗi giá trị tôm, cá có trách nhiệm Minh Phú” từ nay đến 2025. Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT của MPC cho biết: “Thời gian qua, nhiều sản phẩm Việt Nam có nhiều tạp chất, bơm hóa chất, vì vậy cần phải xây dựng các sản phẩm có trách nhiệm để tạo các giá trị cộng hưởng, nhằm tạo giá trị trên thị trường thế giới”.

ĐHĐCĐ thường niên 2016 MPC diễn ra vào ngày 07/05/2016

Hiện tại, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của MPC, khi chiếm đến 41% tổng kim ngạch với giá trị hơn 214 tỷ đồng. Ông Lê Văn Quang nhận định, bên cạnh phát triển các thị trường hiện có thì MPC sẽ phát triển thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Ông đánh giá Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng quốc gia này vẫn mua tôm có tiêm tạp chất. Thế nhưng, khi Trung Quốc quản lý chất lượng tốt hơn, sẽ là cơ hội để mở rộng thị trường đối với MPC.

Tại đại hội, đã có cổ đông thắc mắc về vấn đề doanh thu kế hoạch đặt ra trong năm 2016 có bao gồm trường hợp giá tôm năm 2016 tăng lên hay không?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT cho biết, trong năm 2016, kỳ vọng giá tôm sẽ tăng 10%. Trong trường hợp giá tôm không giảm thì hoạt động kinh doanh sẽ có hiệu quả, nhưng nếu giá giảm thì có thể kết quả sẽ không như mong muốn.

Năm 2015 lẽ ra còn thua lỗ nhiều hơn

Về kết quả kinh doanh trong năm 2015 của MPC dường như không mấy khả quan khi sản lượng sản xuất chỉ đạt 96% so với kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 65%. Theo đó doanh thu và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 58% và 1% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của MPC ghi âm gần 7 tỷ đồng trong khi kế hoạch đặt ra là 757 tỷ đồng.

HĐQT công ty cho biết trong năm 2015, do các nước Ấn Độ, Indonesia phá giá đồng tiền, khiến giá sản phẩm tôm từ các nước này trong năm 2015 chỉ bằng 50% so với các năm trước. Ngoài ra, chi phí nuôi tôm trong nước cao khiến giá tôm Việt Nam cao hơn các nước khác 20%. Với tình hình giá tôm ngày càng giảm, một số khách hàng đã ký hợp đồng trì hoãn nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.

HĐQT chia sẻ, khi sản lượng hàng tồn kho của MPC quá lớn, nhiều đối thủ cạnh tranh thấy hàng tồn kho quá lớn, và nghĩ rằng chắc chắn MPC sẽ xả hàng nên gây áp lực giá giảm. Thấy được điều đó, MPC kiên quyết không bán ra, và khi giá ổn định thì mới bán ra nên kết quả mới được như vậy, nếu không còn phải chịu thua lỗ nhiều hơn.

Bên cạnh giá cả thì vấn đề về chất lượng sản phẩm trong thị trường cũng là một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty. Ông Quang chia sẻ, sau khi MPC tham gia các hội chợ nước ngoài đã ký được được rất nhiều hợp đồng. Tuy nhiên, khi thị trường nước ngoài phát hiện thấy nhiều mẫu tôm Việt Nam của các công ty khác bị nhiễm kháng sinh thì MPC gặp khá nhiều khó khăn để xuất được hàng. Mặc dù MPC mua tôm quảng canh nên các sản phẩm của công ty không có kháng sinh nhưng phía đối tác đã sử dụng nhiều thủ thuật kinh doanh để gây áp lực cho MPC.

Nếu giá lên thì thuận lợi, nhưng nếu giá giảm thì khách hàng sẽ lấy nhiều lý do như hàm lượng kháng sinh, chất lượng sản phẩm mà không chịu nhận hàng của MPC” - ông Quang chia sẻ.

Vào thời kỳ sản phẩm McDonald ở Nhật bị dính tạp chất, phía nhà nhập khẩu Nhật Bản đòi hỏi MPC khi xuất khẩu phải đảm bảo chắc chắn sản phẩm không có tạp chất 100%. Chính ông Quang cũng cho biết, mặc dù tin là sản phẩm của MPC không có kháng sinh nhưng cũng chỉ dám đảm bảo 99%, làm sao dám đảm bảo 100%./.

Các tin tức khác

>   CTG: BCTC Quý 03.2015 (07/05/2016)

>   Chủ tịch Bạch Ngọc Du đang đưa Cienco 5 đi về đâu? (07/05/2016)

>   Có đáng đồng tiền bát gạo? (07/05/2016)

>   Phạt Điện máy Trần Anh 40 triệu đồng sau vụ “tiếp thị bikini” (07/05/2016)

>   Vinamilk: Sẽ thảo luận vấn đề nới room tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới (07/05/2016)

>   TLG: BCTC Năm 2015 (06/05/2016)

>   BHS: BCTC quý 3 năm 2016 (06/05/2016)

>   BHS: BCTC quý 3 năm 2016 (06/05/2016)

>   SGS: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (06/05/2016)

>   MKT: Nghị quyết HĐQT (06/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật