Thứ Hai, 23/05/2016 14:16

Cuộc đối đầu Mỹ-Nhật về tỷ giá

Mặc dù gần đây, đô la Mỹ đã tăng trở lại so với đồng yen, lên mức trên 110 yen, nhưng đô la Mỹ so với đồng yen đã giảm từ mức cao nhất 18 tháng qua. Tính chung trong năm nay, đồng yen so với đô la Mỹ vẫn tăng 9%.

 

Đồng yen tăng cao gây ra cuộc đối đầu Mỹ-Nhật Bản về tỉ giá hối đoái. Ảnh: CNYet

Theo báo Wall Street Journal, đồng yen tăng cao gây ra cuộc đối đầu Mỹ-Nhật Bản về tỷ giá hối đoái.

Các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại xuất khẩu giảm và lợi nhuận thu hẹp, gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách nước này để giảm giá đồng yen.

Trong khi đó, các tổ chức công đoàn và doanh nghiệp Mỹ lo lắng đồng yen mất giá sẽ làm mất nhiều việc làm và đóng cửa nhà máy tại Mỹ.

Ngày 19-5, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda nói nếu sự tăng giá của đồng yen đe dọa mục tiêu lạm phát, BoJ sẽ có biện pháp kịp thời.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế hiện không chắc chắn Nhật Bản có áp dụng biện pháp can thiệp tiền tệ trong thực tế hay không, hay chỉ thông qua phát ngôn của quan chức để ngăn chặn áp lực tăng giá của đồng yen.

Các nhà kinh tế cùng với quan chức chính phủ Mỹ lo ngại Nhật Bản can thiệp tỹ giá đồng yen có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền của cuộc cạnh tranh phá giá tiền tệ toàn cầu, trong đó có sự mất giá tiền tệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc.

Trong khi đó, các nước châu Âu và châu Á đều đứng về phía Nhật Bản trong vấn đề tỷ giá đồng yen.

EU ủng hộ Nhật Bản

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ diễn ra vào cuối tháng 5-2016 và như thường lệ, bắt đầu với cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7. Trong một cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã công khai tuyên bố chính sách can thiệp mạnh mẽ vào tỷ giá đồng yen của Nhật Bản trong thời gian qua có thể đem đến những hệ quả xấu. Ông Jack Lew nói: “Điều quan trọng nhất là các nước G7 phải có thỏa thuận tránh một cuộc cạnh tranh phá giá tiền tệ, đó là yêu cầu cần thiết để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn và hỗn loạn”.

Đây không phải lần đầu Mỹ công khai chỉ trích việc các nền kinh tế lớn sử dụng công cụ tỷ giá như một biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Tại Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 diễn ra ở Thượng Hải (Trung Quốc) cách đây gần 3 tháng, ông Jack Lew cũng chỉ trích Trung Quốc nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, đây gần như là lần đầu tiên Mỹ nhắm đích danh Nhật Bản.

Không khó hiểu khi Mỹ đang là nước đưa ra những phát ngôn chống lại việc can thiệp tỷ giá nội tệ của các nền kinh tế lớn. Việc cả Liên minh châu Âu (EU) đến Nhật Bản và Trung Quốc đều hạ tỷ giá đang khiến nền kinh tế Mỹ gặp những rắc rối đáng kể, trong đó có việc thâm hụt thương mại của Mỹ với các nền kinh tế này ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, việc nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng khiêm tốn 0,5% trong quí 1-2016 càng khiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew có lý do để phản đối xu hướng trên.

Tuy nhiên, Mỹ đang đứng trước cuộc chiến không thể thắng do nước này có quá ít đồng minh, trong khi số nền kinh tế hậu thuẫn Nhật Bản trong việc can thiệp tỷ giá đồng yen quá nhiều. Đồng minh trước hết của Nhật Bản là EU - nơi đang hạ tỷ giá đồng euro triệt để kích thích, hồi phục kinh tế. EU và Nhật Bản hiện là 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang duy trì chính sách lãi suất âm. Vì vậy, không khó hiểu khi các nhà lãnh đạo EU có xu hướng đứng về phía Nhật Bản.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin tuyên bố trước báo giới: “Có một sự đồng thuận về chính sách tiền tệ là thiên về thích nghi với tình hình và không cần sự can thiệp nào từ bên ngoài”.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cũng tuyên bố: “Điều quan trọng nhất là cải cách cơ cấu nền kinh tế, các nước G7 cần tăng cường nhận thức cải cách cơ cấu kinh tế mới là mấu chốt của vấn đề”.

Lời tuyên bố của bộ trưởng tài chính 2 nước hàng đầu EU đều lờ đi việc Nhật Bản can thiệp tỷ giá đồng yen, thậm chí còn có xu hướng khuyến khích điều đó. Gần như chắc chắn trong cuộc chiến tỷ giá đồng yen, Mỹ không thể giành phần thắng khi ngoài Canada, 4 thành viên còn lại của G7 đều là các nước thuộc EU.

Châu Á cũng ủng hộ Nhật Bản

Không chỉ EU, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các nước châu Á cũng đang hậu thuẫn Nhật Bản trong chính sách tỷ giá đồng yen. Trong báo cáo mới nhất, các nhà nghiên cứu của IMF chỉ ra chính sách hạ tỷ giá đồng yen của Nhật Bản đang có những tác động tích cực đến các nền kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương.

Việc hạ tỷ giá đồng yen không chỉ giúp thị trường chứng khoán (TTCK) và nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh hơn, mà còn tác động đến TTCK và các nền kinh tế trong khu vực theo hướng tốt hơn. Theo ghi nhận của IMF, Trung Quốc và hầu hết các nước Đông Nam Á có xu hướng gia tăng sản xuất và lạm phát, đồng thời lượng vốn đầu tư vào nền kinh tế cũng gia tăng mạnh mẽ. Giá cổ phiếu tại nhiều TTCK khu vực đã tăng lên sau khi Nhật Bản thực hiện chính sách nới lỏng định lượng. Cụ thể, giá cổ phiếu tại TTCK Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã tăng trung bình từ 2-5%.

Việc nới lỏng định lượng cũng khiến lượng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào các nền kinh tế khu vực tăng lên mạnh mẽ, kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại các nước này. Điều này không có gì khó hiểu khi trước nay, Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất khu vực và việc hạ tỷ giá đồng yen càng khiến xu hướng này diễn ra mạnh mẽ hơn.

So với Nhật Bản, các nền kinh tế lớn có xu hướng không hài lòng hơn với Trung Quốc trong vấn đề can thiệp vào tỷ giá, do Trung Quốc hạ tỉ giá chủ yếu hướng đến việc tăng cường xuất khẩu, vì thế làm cán cân thương mại quốc tế nghiêng về phía Trung Quốc, không có tác dụng kích thích tăng trưởng đầu tư như Nhật Bản.

Đô la Mỹ tăng 3 tuần liên tiếp, giá vàng giảm

Từ ngày 3-5 đến nay, chỉ số đô la Mỹ so với rổ tiền tệ đã tăng khoảng 3,5% - mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Cùng kỳ, đô la Mỹ so với đồng yen tăng hơn 4%, ngày 20-5 tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 28-4 là 1 đô la Mỹ đổi được 110,58 yen.

Ngày 18-5, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 4-2016 cho biết Fed không loại trừ khả năng tăng lãi suất vào tháng 6-2016, giúp đô la Mỹ tiếp tục đi lên.

Đô la Mỹ mạnh và biên bản cuộc họp tháng 4-2016 của Fed là những nhân tố chính chi phối thị trường vàng tuần qua. Giá vàng khá nhạy cảm với biến động của chính sách tiền tệ, do lãi suất tăng sẽ khiến kim loại quý không sinh lời này trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 18%, khi các nhà giao dịch đặt cược Fed sẽ kéo giãn lộ trình nâng lãi suất.

Tuần qua, giá vàng giao tháng 6-2016 giảm tổng cộng 1,8%, chốt ở mức 1.252 đô la Mỹ/ounce tại thị trường New York, Mỹ. Như vậy, giá vàng kỳ hạn đã giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Nhìn về ngắn hạn, các chuyên gia và nhà đầu tư có sự trái ngược nhau khi dự đoán xu hướng giá vàng.

Khảo sát mới nhất của Kitco cho thấy 56% các nhà đầu tư bán lẻ cho rằng giá sẽ cao hơn vào tuần tới.

Trái với các nhà đầu tư, phần lớn nhà phân tích thiên về xu hướng giá vàng giảm trong tuần tới. Cụ thể, có đến 45% nhà phân tích tham gia khảo sát nhìn nhận giá vàng sẽ suy yếu, 32% đánh giá giá vàng tăng, còn lại là đi ngang.

Phúc Minh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Brazil: Tương lai bất định (23/05/2016)

>   Doanh nghiệp Mỹ đang nắm 1,7 nghìn tỷ USD tiền mặt (22/05/2016)

>   IMF đã thông qua gói cứu trợ 2,9 tỷ USD dành cho Tunisia (21/05/2016)

>   Vụ Hồ sơ Panama: Guatemala lập cơ quan đặc biệt chống rửa tiền (21/05/2016)

>   Vàng trượt dốc 2 tuần liên tiếp (21/05/2016)

>   Dầu nhảy vọt hơn 3%/tuần nhờ sự cố gián đoạn sản xuất (21/05/2016)

>   Ngân hàng kỳ lạ nhất thế giới đang thay đổi đời sống dân nghèo như thế nào? (20/05/2016)

>   Hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm nguy? (20/05/2016)

>   Dầu giảm nhẹ khi kỳ vọng Fed nâng lãi suất tăng cao (20/05/2016)

>   Vàng trượt xuống mức thấp nhất trong 3 tuần (20/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật