Cục trưởng Chống tham nhũng nói về việc người Việt có tên trong hồ sơ Panama
Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho rằng thông tin trên mạng về Hồ sơ Panama cần phải được xác thực và cần sự chỉ đạo từ Trung ương, phối hợp với quốc tế thì mới có thể vào cuộc làm rõ.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt trong một cuộc họp báo của TTCP
|
Trao đổi với Báo Người Lao Động sáng nay 10- 5, Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phạm Trọng Đạt cho biết: TTCP vẫn nắm bắt, theo dõi, báo cáo thông tin liên quan tới các cá nhân người Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama mà Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố lên mạng toàn bộ dữ liệu tên tuổi của hơn 300.000 cá nhân và công ty liên quan chiều tối ngày 95 theo giờ Việt Nam.
Ông Đạt cho biết thêm còn việc vào cuộc hay không phải chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp Trung ương, vì phải phối hợp với rất nhiều lực lượng. Trước kia chưa từng làm một vụ tương tự như hồ sơ Panama.
Kết quả tìm kiếm liên quan tới Việt Nam
|
Nhận định về việc có nhiều cái tên cá nhân, địa chỉ từ Việt Nam, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng thông tin cần phải có nguồn cung cấp mới vào cuộc xác minh, điều tra. “Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được” - ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 9-5, Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố lên mạng toàn bộ dữ liệu tên tuổi của hơn 300.000 cá nhân và công ty liên quan tới vụ Hồ sơ Panama .
Đáng chú ý, trong số các tài liệu đã được công khai trên trang offshoreleaks.icij.org Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian.
Như Báo Người Lao Động đã đưa, vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" đã phơi bày mánh khóe của giới nhà giàu trong việc sử dụng các công ty nước ngoài để trốn thuế và tránh sự trừng phạt.
Những tài liệu này đã cho thấy hoạt động của các mạng lưới khổng lồ của Công ty Mossack Fonseca lập để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỉ USD tiền mặt (trong khoảng thời gian từ năm 1977 tới năm 2015).
N.Quyết
Người lao động
|