BIDV: Chi phí dự phòng rủi ro gần 2,000 tỷ đồng, lợi nhuận quý 1 giảm 11%
Sau trường hợp của Eximbank, BIDV là ngân hàng tiếp theo "báo danh" chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến trong quý 1/2016.
* Eximbank: Dự phòng "ăn" hết lợi nhuận quý 1, chỉ còn 24 tỷ đồng
* ĐHĐCĐ BIDV: Căng thẳng vấn đề cổ tức và áp dụng sửa đổi Thông tư 36
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2016 mới được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HOSE: BID) công bố, hoạt động kinh doanh trong quý 1 của Ngân hàng có sự tăng trưởng đáng kể. Thu nhập lãi thuần đạt gần 5,640 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2015. Khoản mục cho vay khách hàng tại thời điểm 31/03/2016 cũng đạt gần 614,995 tỷ đồng, tăng hơn 4% đầu kỳ.
Kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận khoản lãi lần lượt gần 90 tỷ và 81 tỷ đồng, tăng đáng kể so với kết quả hơn 21 tỷ và lỗ gần 37 tỷ cùng kỳ 2015.
Chi phí hoạt động của ngân hàng cũng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015 khi đạt gần 2,638 tỷ đồng.
Theo đó, BIDV ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng hơn 4,068 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý 1/2015 (gần 3,252 tỷ đồng). Tuy nhiên, tương tự Eximbank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV cũng tăng đột biến lên gần 2,000 tỷ đồng trong quý 1/2016, gấp hơn 2 lần cùng kỳ (979 tỷ đồng) khiến BIDV chỉ còn hơn 1,659 tỷ đồng lãi ròng, giảm gần 11%.
Tại thời điểm kết thúc quý 1/2016, tổng tài sản của BIDV tăng nhẹ so với đầu năm lên 858,962 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi và cho vay các TCTD khác giảm 11% xuống 59,857 tỷ đồng, trong khi cho vay khách hàng tăng nhẹ lên gần 614,995 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo phân tích chất lượng nợ vay của BIDV, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm kết thúc quý 1/2016 tăng lên 1.8% so với mức 1.68% tại thời điểm kết thúc năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 460 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng gần 900 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của BIDV trong quý 1/2016 (Đvt: Triệu VNĐ)
|
|