Ai đang sở hữu món nợ hơn 19 ngàn tỷ USD của Mỹ?
Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể “đạt được thỏa thuận” về vấn đề nợ của Mỹ, CNN Money đưa tin.
Tuần trước, ông từng ngụ ý rằng mình có thể đàm phán với các chủ nợ của Mỹ để họ chấp nhận tỷ lệ thanh toán thấp hơn, chẳng hạn như chỉ còn 85 cent thay vì 1 USD.
Điều đó nghe có vẻ khôn ngoan, cho tới khi bạn nghĩ đến chuyện ai sẽ bị ảnh hưởng trong kịch bản này. Vậy chính xác là ai đang sở hữu món nợ hơn 19 ngàn tỷ USD của Mỹ?
Trong những năm gần đây, mọi người chú ý nhiều đến việc Trung Quốc nổi lên thành một trong những chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Phần nợ mà quốc gia này đang nắm giữ là khá lớn – khoảng 7% – nhưng họ cũng chưa phải là người nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều nhất.
Theo thống kê, người đang nắm giữ lượng trái phiếu Mỹ lớn nhất chính là các công dân Mỹ và những tổ chức của Mỹ như là các chính quyền địa phương và các tiểu bang, những quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tổng cộng, họ đang nắm giữ phần lớn số nợ của Mỹ: 67.5%. Còn các quốc gia khác chỉ sở hữu 32.5% tổng số nợ.
Cụ thể là, trong món nợ 12.9 ngàn tỷ USD do người Mỹ nắm giữ thì 5.3 ngàn tỷ là do các quỹ tín thác Chính phủ, như quỹ an sinh xã hội, sở hữu; 5.1 ngàn tỷ là thuộc về các cá nhân, các quỹ hưu trí và các chính quyền địa phương và tiểu bang; và 2.5 ngàn tỷ còn lại là do Fed nắm giữ.
Trung Quốc là quốc gia đang nắm giữ nhiều nợ nhất của Mỹ, với 1.25 ngàn tỷ USD. Nhật Bản xếp ở vị trí tiếp theo, với 1.13 ngàn tỷ.
Chi tiết số trái phiếu do công dân và các tổ chức Mỹ nắm giữ
Chi tiết số trái phiếu do các quốc gia nước ngoài nắm giữ
Đề xuất của ông Trump đã làm sửng sốt giới tài chính. Chính phủ Mỹ là “chiếc lưới an toàn” của cả thế giới. Những các chủ nợ cho rằng Bộ Tài chính Mỹ luôn trả nợ sòng phẳng.
“Hệ thống tài chính toàn cầu được xây dựng trên niềm tin rằng trái phiếu kho bạc Mỹ là tài sản tuyệt đối an toàn”, chuyên gia kinh tế Doug Holtz-Eakin nhận định trên CNN. “Nếu ông ta làm sứt mẻ nền tảng ấy, hệ thống tài chính toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng và chúng ta sẽ bị suy thoái kinh tế toàn cầu”.
Đàm phán lại kỳ hạn nợ là một việc bình thường giữa các công ty gặp khó khăn về tài chính. Chủ nợ sẵn lòng chấp nhận mức chi trả thấp hơn vì như thế vẫn tốt hơn là không được gì. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không phải là một công ty chuyên cung cấp “trái phiếu rác”.
Rốt cuộc, ông Trump đã phải rút lại những bình luận của mình về chuyện thỏa thuận nợ khi xuất hiện trên chương trình “Ngày mới” của CNN vì dân Mỹ hết sức tức giận.
Có lẽ giờ đây điều quan trọng mà ông Trump cần ghi nhớ là bất kì cuộc thỏa thuận nợ nào cũng thật sự là một cuộc thỏa thuận với toàn bộ công dân Mỹ.
Nhiều năm qua, những ông cụ bà cụ đã tặng trái phiếu cho con cháu mình các trái phiếu Mỹ nhằm khuyến khích chúng tiết kiệm và làm sinh sôi thêm tiền của họ. Giới hưu trí mua trái phiếu vì chúng an toàn hơn cổ phiếu và mang lại cho họ thu nhập hàng tháng ổn định hơn. Nhà đầu tư thuộc mọi lứa tuổi đang nắm giữ trái phiếu Mỹ để giúp cho kế hoạch hưu trí và danh mục đầu tư của mình ít rủi ro hơn.
“Nhiều chủ nợ đang sống ở Mỹ. Tại sao tôi lại phải nhận ít hơn so với khi tôi mua nó?” Maya MacGuineas, một chuyên gia về nợ công và ngân sách, bày tỏ ý kiến. Được biết, bà MacGuineas hiện là Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang (CRFB) của Mỹ./.
|