Xin 12.000m2 mặt bằng 7 thủy đài: Bán đấu giá đất vàng?
Bởi 7 thủy đài đều nằm ở các quận trung tâm của TP.HCM nên sau khi phá dỡ, cần hạn chế xây chung cư, trung tâm thương mại.
* TP.HCM tháo dỡ 7 thủy đài bỏ hoang
Bảy thủy đài xuống cấp dự kiến được tháo dỡ của TP.HCM nằm tại các địa điểm: số 7 đường 3 tháng 2 (P.10, Q.10); số 178 đường Lê Đại Hành (P.7, Q.11); số 175A Nguyễn Văn Đậu (P.5, Q.Bình Thạnh), số 17 Hồ Văn Huê (P.9, Q.Phú Nhuận), số 1 Hoàng Diệu (P.13, Q.4), số 105/19H đường Trần Hưng Đạo ( P.6, Q.5) và 192/2 đường Nguyễn Thái Sơn (P.4, Q.Gò Vấp).
7 thủy đài bỏ hoang của TP.HCM sẽ bị khai tử
|
Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), đơn vị đang lên phương án tháo dỡ, đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Sawaco cùng nhà đầu tư khai thác mặt bằng tại 7 thủy đài sau khi tháo dỡ.
Theo đó Sawaco phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam lập phương án tháo dở các thủy đài, sau đó sẽ đầu tư các bể chứa nước ngầm bằng với dung tích của thủy đài (từ 1.200 - 8.500m3) phục vụ cấp nước an toàn và phòng cháy chữa cháy.
Sawaco cùng nhà đầu tư sẽ tận dụng mặt bằng phía trên bể chứa nước ngầm này nhằm đảm bảo không sử dụng vốn ngân sách.
Nhất trí với chủ trương tháo dỡ các thủy đài đã xuống cấp, có thể gây nguy hiểm cho người dân song TS Võ Kim Cương, Ủy viên BCH Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị TP.HCM, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lưu ý hai vấn đề:
Thứ nhất, về vấn đề quản lý tài sản công, nếu TP.HCM muốn thu lại ngân sách cho Nhà nước thì nên thực hiện đấu thầu việc phá dỡ, sử dụng mặt bằng diện tích 7 thủy đài nói trên. Việc đấu thầu cũng hạn chế được nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước.
Thứ hai, nếu TP.HCM nghiêng về hướng quy hoạch và môi trường đô thị thì tốt nhất là nên giữ lại diện tích đất này cho Nhà nước, phục vụ cho các công trình công cộng.
Giải thích cụ thể hơn, TS Võ Kim Cương cho biết, 7 thủy đài nói trên là những công trình cụ thể thuộc sở hữu công, do đó phải quản lý chặt chẽ theo luật tài sản công.
"Phải đề phòng nguy cơ diện tích 7 thủy đài sau khi được phá dỡ bị chia chác, cắt xén. Còn nếu diện tích đó không tiếp tục sử dụng cho mục đích cấp nước nữa thì nên chuyển sang bán đấu giá một cách công khai, minh bạch, khi đó tài sản Nhà nước tránh được nguy cơ thất thoát.
Đó là về mặt tài sản, còn về mặt quy hoạch, phải xem xét khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng 7 thủy đài sau khi phá dỡ thế nào cho phù hợp với quy hoạch, nếu được thì nên tạo điều kiện cải thiện môi trường các khu vực có thủy đài này".
TS Võ Kim Cương tính toán, mặt bằng 7 thủy đài sau khi phá dỡ có diện tích hơn 12.000m2, tính ra mỗi thủy đài có diện tích gần 2.000m2 dù không lớn lắm. Tuy nhiên, các thủy đài này đều nằm ở vị trí đất tốt thuộc các quận trung tâm của TP.HCM, do đó nếu nhà đầu tư xây xen cài vào đó các công trình chung cư, trung tâm thương mại sẽ làm tăng mật độ dân cư ở các khu vực này lên.
"Bởi các thủy đài nằm ở trung tâm nên cần hạn chế chuyển chúng thành chung cư, trung tâm thương mại vì như thế sẽ càng tập trung thêm dân trong nội thành, tăng thêm tăng áp lực cho TP.HCM trong các vấn đề kẹt xe, môi trường...
Nếu TP không sử dụng các diện tích này cho các công trình cấp nước nữa thì nên ưu tiên phát triển các công trình công cộng cho dân cư khu vực xung quanh. TP.HCM đang rất thiếu các công trình công cộng như công viên, sân nhỏ cho người dân hay khu vui chơi trẻ em... Việc giải tỏa một khu nhà dân để xây dựng công trình công cộng rất khó khăn, trong khi nếu giờ có sẵn để chuyển qua thì rất tốt. Tôi cho rằng TP.HCM nên ưu tiên cho xu hướng này", TS Võ Kim Cương chỉ rõ.
Thành Luân
đất việt
|