Vì sao các “đại gia” đổ xô làm kinh tế trang trại ở châu Phi?
Nhu cầu thực phẩm của 48 quốc gia ở vùng hạ Sahara châu Phi ngày càng tăng cao vì thay đổi khí hậu đang khiến vụ mùa ở khu vực này thiếu nước hơn bao giờ hết. Những nhà dự báo khí hậu cho rằng hạn hán đang tàn phá hai vùng Đông và Nam châu Phi, khiến 50 triệu người ở đây có nguy cơ bị đói, là chỉ mới bắt đầu, Bloomberg cho biết.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), với khuynh hướng hiện tại, khoảng 40% diện tích đất trồng bắp ở vùng hạ Sahara sẽ không còn thích hợp cho các giống bắp hiện tại vào năm 2030.
Monsanto, một công ty chuyên về phát triển nông nghiệp bền vững, cho biết họ đã có một phần giải pháp. Trên những mảnh đất nhỏ ở Kenya, Mozambique, Nam Phi, Tanzania, và Uganda, họ hợp tác với nhiều tổ chức khác như quỹ Bill & Melinda Gates đang thử nghiệm vài giống bắp có khả năng chịu thời tiết khô hạn và côn trùng tốt hơn.
Đối thủ của Monsanto là DuPont cũng có chương trình riêng của họ để hướng nông dân sang các giống bắp có sức chịu đựng tốt hơn. Cargill, công ty mua bán các loại hạt thực phẩm lớn nhất thế giới, năm ngoái đã mở rộng một trang trại chăn nuôi ở châu Phi. Olam International, một đại gia khác trong ngành thực phẩm, lại đang đẩy mạnh đầu tư vào các thực phẩm có thương hiệu như tương cà Tasty Tom và bánh quy Pearl. Agco, nhà sản xuất máy móc nông nghiệp lớn thứ ba thế giới, lại đang tập trung phát triển các phương tiện làm lạnh bằng năng lượng mặt trời có kích thước nhỏ, hiện đang là một nhu cầu khổng lồ ở châu Phi.
Rõ ràng là mọi thứ dành cho một cuộc bùng nổ nông nghiệp đã sẵn sàng. Châu Phi có diện tích đất trang trại chưa sử dụng hết nhiều nhất thế giới. Năng suất có thể là vấn đề gây lo lắng cho giới đầu tư đến từ các quốc gia phát triển nhưng điều đó có thể được cải thiện nhanh chóng bằng những hạt giống và phân bón tốt hơn. “Chúng tôi thấy tiềm năng rõ ràng ở châu Phi trong việc cung cấp thực phẩm cho lượng dân số đang tăng trưởng mạnh của họ,” một nhà kinh tế của Cargill cho biết.
Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước
Các thế hệ làm trang trại trước đây do không có đủ tiền nên đã để cho đất suy thoái. Howard Buffett, con trai của nhà tài phiệt Warren Buffett, vừa phát động một “cuộc cách mạng nâu” nhằm khôi phục lại sức khỏe cho đất ở châu Phi. Đây là một phần trong chương trình trị giá 700 triệu USD của ông nhằm chống nạn đói toàn cầu trong thập niên tới, với Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda là hai trong số các quốc gia được ưu tiên hàng đầu.
Khu vực này cũng đang thiếu hụt trầm trọng về cơ sở hạ tầng. “Bạn sẽ không tin vệc vận chuyển 2 tấn hạt giống trong 20 dặm ở Kenya là khó khăn như thế nào đâu,” một nhân viên của Monsanto chia sẻ. Quả là đáng lo khi Kenya là một trong những quốc gia được xem là phát triển ở khu vực Đông Phi. Nếu tính cả châu lục, lượng hạt giống bị hư hỏng sau thu hoạch là đủ để nuôi sống 48 triệu dân ở đây trong một năm.
Một trở ngại khác nữa là các quy định của Chính phủ. Với giá thực phẩm toàn cầu hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng bởi hạn hán có thể tăng sản lượng nhập khẩu. Nhưng ở những quốc gia như Zimbabwe, vốn không chấp nhận bắp biến đổi gien, Chính phủ đã đưa ra các quy định nhằm ngăn không cho nông dân của mình bán bắp ra thị trường nước ngoài, dù ở đó được giá hơn.
Các trở ngại trên có nguy cơ làm tiêu tan các thương vụ đầu tư. Và đó là lý do tại sao các công ty nông nghiệp toàn cầu nói rằng họ không thể tự mình cung cấp tài chính cho đợt bùng nổ trang trại này ở châu Phi. Những công ty đang cân nhắc có nên đầu tư vào châu Phi hay không có thể phải chờ xem mọi việc thế nào khi giá cả cao hơn, thay vì đổ tiền vào như hiện nay, khi giá hàng hóa giảm khiến cho các thương vụ đầu tư ít hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, Paul Schickler, Chủ tịch của DuPont Pioneer, cho rằng sự kiên nhẫn của những nhà đầu tư đến trước rồi sẽ được tưởng thưởng và sự đóng góp lớn nhất của kinh doanh trong mảng nông nghiệp là kết hợp các tài nguyên toàn cầu với nhu cầu trong khu vực, để vấn đề thay đổi khí hậu có thể được giải quyết bởi chính những nông dân đang bị ảnh hưởng. “Bạn sẽ không thể nhập khẩu đủ thực phẩm để cung cấp cho châu Phi một cách bền vững nhưng chúng ta có thể giúp phát triển các giải pháp ở vùng đó,” ông chia sẻ./.
|