Dầu vọt hơn 5% khi dự trữ bất ngờ lao dốc
Kuwait bày tỏ niềm tin vào thỏa thuận “đóng băng” sản lượng
Dầu WTI tăng giá mạnh nhất trong 3 tuần vào ngày thứ Tư sau khi dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô nội địa bất ngờ lao dốc trong khi nhu cầu dầu từ các nhà máy lọc dầu lại tăng cao, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex vọt 1.86 USD (tương ứng 5.2%) lên 37.75 USD/thùng, mức nhảy vọt mạnh nhất kể từ ngày 16/03/2016.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn London leo dốc 1.97 USD (tương ứng 5.2%) lên 39.84 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu rớt 4.9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 01/04/2016, trái ngược hoàn toàn với con số dự báo tăng 2.9 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Vào cuối ngày thứ Ba, dữ liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu trượt dốc 4.1 triệu thùng, qua đó góp phần hỗ trợ giá dầu.
Theo Bespoke Investment Group, đây là mức lao dốc hàng tuần mạnh nhất ít nhất từ năm 1997. Ngoài ra, dữ liệu còn cho thấy các nhà máy lọc dầu tại Mỹ sử dụng bình quân hơn 16.4 triệu thùng/ngày, tăng 199,000 thùng so với tuần trước. Theo dữ liệu này, các nhà máy lọc dầu hoạt động với 91.4% công suất trong tuần trước.
Trước đó, các hợp đồng dầu thô tương lai đã tăng giá nhờ hy vọng các nhà sản xuất dầu chủ chốt có thể nhất trí “đóng băng” sản lượng vào cuối tháng 4 bất chấp cuộc chiến giữa Ả-rập Xê-út và Iran về vấn đề này.
Bên cạnh đó, giá dầu đã tăng cao sau khi Kuwait, quốc gia có sức ảnh hưởng lớn trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bày tỏ niềm tin các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC sẽ tiến tới thỏa thuận “đóng băng” sản lượng.
Trong tuần trước, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên khá bi quan sau khi Ả-rập Xê-út, nhà sản xuất lớn nhất OPEC và là một trong những người khởi xướng kế hoạch “đóng băng” sản lượng, cho biết quốc gia này chỉ “đóng băng” sản lượng nếu Iran cũng hành động tương tự. Tuy nhiên, Tehran lại dự định gia tăng bơm dầu cho đến khi sản lượng trở về mức trước lệnh trừng phạt với khoảng 4 triệu thùng/ngày.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 5 tiến 1.69 xu (tương ứng 1.2%) lên 1.3947 USD/gallon.
Ngược lại, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 hạ 4.3 xu (tương ứng 2.2%) xuống 1.911 USD/MMBtu, trong khi hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 vọt 6.57 xu (tương ứng 6.1%) lên 1.1403 USD/gallon./.
|