"Trùm mền" những dự án ethanol ngàn tỉ
Ba nhà máy sản xuất ethanol do Tập đoàn Dầu khí VN góp vốn đầu tư, hai nhà máy đã ngừng hoạt động, một nhà máy còn lại vẫn còn dang dở. Vì sao?
Nhà máy xăng sinh học bio ethanol Dung Quất đang phải ngừng hoạt động vì không tiêu thụ được sản phẩm - Ảnh: Trần Mai
Với công suất lên tới 300.000 m3/năm, đủ để pha thành 6 triệu m3 xăng E5, đáp ứng hơn 90% nhu cầu xăng cả nước nhưng trong ba nhà máy sản xuất ethanol do Tập đoàn Dầu khí VN góp vốn đầu tư, hai nhà máy đã ngừng hoạt động, một nhà máy còn lại vẫn còn dang dở. Vì sao?
“Theo lộ trình đã được công bố trước đó, xăng E5 sẽ được bán tại tất cả cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước từ cuối năm 2015. Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, ngoài bảy địa phương thực hiện thí điểm, chỉ mới có thêm Quảng Nam tham gia tiêu thụ xăng E5 nên đầu ra của loại nhiên liệu này gặp khó khăn Ông Phạm Văn Vượng (giám đốc Công ty CP Sinh học dầu khí Miền Trung)
Từ ngày 1-6, theo lộ trình mới nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại 8 tỉnh thành lớn và 50% cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các địa phương còn lại phải tổ chức bán xăng E5, thay thế xăng RON 92. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý, mục tiêu này sẽ khó thực hiện.
Dự án ngàn tỉ đóng cửa
Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu chế biến xăng nhưng sau nhiều năm hoạt động cầm chừng, Nhà máy bio ethanol Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) - do Công ty CP Sinh học dầu khí Miền Trung (PCB) đầu tư với tổng vốn lên tới 80 triệu USD, công suất 100.000 m3/năm - hiện đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm. Ông Phạm Văn Vượng, giám đốc PCB, cho biết hiện nhà máy chỉ còn giữ lại 50 nhân viên gồm các kỹ sư và công nhân được đào tạo bài bản, làm công tác bảo trì máy móc.
Tương tự, được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2012, Nhà máy ethanol Bình Phước (huyện Bù Đăng, Bình Phước), do Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông làm chủ đầu tư với số vốn lên tới 84 triệu USD, cũng chỉ mới vận hành thử nghiệm một thời gian rồi... đóng cửa.
Có mặt tại nhà máy vào cuối tháng 3-2016, đập vào mắt chúng tôi là cây cối mọc um tùm trong khuôn viên rộng hơn 44ha của nhà máy bởi lâu ngày không được dọn dẹp. Ngoài một số bảo vệ trông coi nhà máy, công ty chỉ giữ lại một số nhân viên làm công tác bảo trì.
“Nhà máy đóng cửa đã lâu và từ khi nào nhưng không có báo cáo, mãi đến tháng 5-2015 chúng tôi mới biết chính xác nhà máy đã ngừng hoạt động. Lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi nhiều, hiện ai làm giám đốc chúng tôi cũng không nắm. Phía tỉnh cũng muốn biết khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ nhưng doanh nghiệp không báo cáo nên chúng tôi đành bó tay” - một cán bộ Sở Công thương Bình Phước cho biết.
Theo vị này, ngay từ khi nhà máy chưa đưa vào hoạt động thương mại, Tập đoàn Itochu (Nhật, nắm giữ 49% cổ phần Nhà máy ethanol Bình Phước) đã rút lui, rao bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp.
Trong khi đó, dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được các đơn vị thuộc PVN khởi công từ tháng 6-2009 với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, mục tiêu sản xuất các sản phẩm như ethanol, phân vi sinh, CO2 dạng lỏng, dầu fusel... nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn xây dựng dở dang, dừng thi công do nhiều nguyên nhân.
Một trong những nguyên nhân, theo Bộ Công thương, do tổng thầu là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí gặp khó khăn, tiến độ dự án chậm, giá cả vật tư tăng cao nên nhà thầu đề nghị tăng giá hợp đồng. Tuy nhiên, phía các cổ đông góp vốn cho dự án không đồng ý nên không thống nhất được hướng đi tiếp theo của dự án.
Nhà máy ethanol ở huyện Bù Đăng, Bình Phước chỉ mới vận hành thử nghiệm một thời gian rồi... đóng cửa - Ảnh: Bùi Liêm
Thừa cung, thiếu thị trường
Giải thích về những khó khăn của Nhà máy bio ethanol Dung Quất, ông Phạm Văn Vượng cho biết sản lượng cồn nhiên liệu pha xăng tiêu thụ trong cả nước hiện chỉ khoảng 2.000 m3/năm, trong khi riêng nhà máy này có công suất lên tới hàng trăm ngàn mét khối/năm, chưa kể sản lượng từ các nhà máy tư nhân khác.
“Theo lộ trình đã được công bố trước đó, ngoài bảy địa phương thí điểm ban đầu, đến cuối năm 2015 xăng E5 sẽ được bán tại tất cả cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước thay cho xăng RON 92. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay chỉ mới có thêm Quảng Nam tham gia tiêu thụ xăng E5, các địa phương khác không thực hiện nên không có thị trường tiêu thụ” - ông Vượng bức xúc.
Theo ông Vượng, giá bán ethanol trên thị trường hiện thấp hơn 2.000 đồng/lít so với giá thành sản xuất. Dù giá nguyên liệu sắn giảm chỉ còn 3.400 đồng/kg sắn khô, nhưng chi phí vận hành và chế biến ra nhiên liệu sinh học khoảng 15.000 đồng/lít, vẫn cao hơn so với xăng ngoài thị trường hiện nay.
“Cũng đã làm hết cách để kích cầu rồi. Nhưng không riêng gì Nhà máy bio ethanol Dung Quất, các công ty sản xuất nhiên liệu sinh học trong nước hiện nay cũng đang không có lối thoát. Có thể nói số phận các công ty sản xuất nhiên liệu sinh học phụ thuộc vào các công ty bán lẻ xăng dầu trên cả nước” - ông Vượng nói.
Việc xuất khẩu sản phẩm cồn cũng là một giải pháp nhưng theo ông Vượng, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm của các nước như Thái Lan, Ấn Độ...
Một lãnh đạo Sở Công thương Bình Phước cũng cho biết trong những tháng đầu tiên đưa vào hoạt động, do thị trường tiêu thụ trong nước gặp khó khăn, chủ dự án Nhà máy ethanol Bình Phước buộc phải tìm kiếm lối thoát nhờ việc xuất khẩu tới các thị trường Philippines, Trung Quốc... với giá 650 - 700 USD/m3. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ duy trì một thời gian trước khi nhà máy đóng cửa.
Trong khi đó tại văn bản trả lời cử tri do ông Vũ Huy Hoàng ký, Bộ Công thương thừa nhận sản phẩm ethanol Phú Thọ không có khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu do giá thành cao. Thậm chí nếu chỉ tính biến phí (một số chi phí biến đổi) đã cao hơn giá sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Singapore (đã tính lợi nhuận của đối thủ cạnh tranh - PV).
Theo Bộ Công thương, khi báo cáo khả thi, dự án này chỉ tính giá nguyên liệu trung bình cả đời dự án khoảng 1.800 đồng/kg và giá thành sản phẩm là 10.000 đồng/lít. Tuy nhiên đến năm 2012-2013, giá sắn đã tăng tới 5.000 đồng/kg (gần gấp 3 lần) trong khi giá bán ethanol chỉ được 13.000 đồng/lít, thấp hơn giá thành.
Cần chính sách hỗ trợ phù hợp
Theo “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025” được Chính phủ phê duyệt vào năm 2007, nhiên liệu sinh học sẽ thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Theo đó, giai đoạn 2011-2015 VN sẽ sản xuất 150.000 tấn nhiên liệu sinh học, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đến năm 2025 sẽ sản xuất 1,8 triệu tấn nhiên liệu sinh học, đáp ứng 5% tổng nhu cầu xăng dầu.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiên liệu này thực tế không được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn đến ngày 1-6-2016 VN mới bắt buộc sử dụng xăng E5 trên toàn quốc, trong khi ngay từ năm 2012 chỉ riêng Nhà máy bio ethanol Dung Quất đã có công suất lên tới hàng trăm triệu lít/năm, chưa kể Nhà máy ethanol Bình Phước cùng nhiều nhà máy khác do tư nhân đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex cho biết trong khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng E5 phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, tổ chức lại kinh doanh nhưng vẫn chưa được
Nhà nước hỗ trợ khuyến khích bằng chính sách như bù đắp chi phí gia tăng, cơ chế quản lý giá, chế tài đối với các địa phương hay doanh nghiệp không tham gia triển khai việc bán xăng E5... Cũng theo vị này, lộ trình triển khai chương trình bán xăng E5 cũng “lỏi chỏi”, địa phương hay doanh nghiệp muốn bán thì bán, không thì thôi mà không có biện pháp chế tài phù hợp.
Đặc biệt, từ tháng 11-2014 Petrolimex đã đưa vào hoạt động trạm phối trộn E5 tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè với năng lực khoảng 26.000 m3/tháng, trong khi sản lượng xăng E5 bán ra chỉ đạt 7% tổng sản lượng xăng bán ra tại các cửa hàng do nhu cầu tiêu thụ thấp, ít khách hàng hỏi mua, hầu như chỉ bán được vào giờ cao điểm. “Quy định mỗi cửa hàng phải đầu tư một bồn chứa và một trụ bơm nhưng sản lượng tiêu thụ sản phẩm thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp” - vị này nói.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cũng cho biết giá loại xăng này chưa thật sự khuyến khích người dân sử dụng. Theo chị Nguyễn Thị Hoài Giang (Bình Thạnh, TP.HCM), dù đã nghe thông tin loại xăng này không ảnh hưởng đến xe lại góp phần bảo vệ môi trường, nhưng khi tìm hiểu thấy giá bán chưa hấp dẫn.
“Tôi từng xem thử và thấy giá xăng E5 chỉ thấp hơn giá xăng RON 92 có 500 đồng/lít nên quyết định vẫn sử dụng loại xăng RON 92, cao hơn không bao nhiêu nhưng xài quen rồi. Với giá xăng dầu thế giới giảm mạnh hiện nay, có khi giá xăng E5 lại cao hơn. Theo tôi, lẽ ra Nhà nước cần có chính sách để giá xăng này chênh lệch với giá xăng truyền thống nhiều hơn mới hấp dẫn người tiêu dùng” - chị Giang nói.
Thái Lan: tiêu thụ xăng sinh học tăng mạnh
Theo một báo cáo vào cuối năm 2015 của Bộ Năng lượng Thái Lan, tính đến giữa năm 2015, lượng xăng pha ethanol được tiêu dùng tại quốc gia này đã đạt 3,5 triệu lít/ngày, chiếm 13% tổng nhu cầu, tăng mạnh so với mức 7% vào năm 2012 và dự kiến chiếm 24% nhu cầu vào năm 2026.
Một trong những nguyên nhân giúp xăng pha ethanol tại Thái Lan có lượng tiêu thụ tăng mạnh là do Chính phủ nước này có nhiều chính sách thúc đẩy sử dụng xăng sinh học như tăng nhu cầu thông qua cơ chế thị trường (như chiến lược về giá, độ bao phủ dịch vụ, truyền thông), tăng tỉ lệ xe cộ tương thích với xăng sinh học, thúc đẩy xây dựng các nhà máy, kho xăng sinh học bền vững hơn và hiệu quả hơn, nâng cao tính hiệu quả trong sản xuất xăng sinh học (giảm chi phí sản xuất và cung ứng).
THU ANH
|
TR.MAI - C.V.KÌNH - B.LIÊM - Đ.KHÔI
Tuổi trẻ
|