Doanh nghiệp Trung Quốc “xí phần” TPP
Làn sóng doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đổ xô qua Việt Nam đầu tư để hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến doanh nghiệp trong nước không khỏi lo lắng.
Điểm khác biệt tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may thiết bị và nguyên phụ liệu 2016 (Saigon Tex 2016) diễn ra từ ngày 30-3 đến 2-4 tại TP HCM là sự áp đảo của doanh nghiệp (DN) đến từ Trung Quốc. Tại Saigon Tex 2016, trong 1.065 DN đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ (gấp đôi năm ngoái), có gần 750 DN Trung Quốc - một tỉ lệ chưa từng thấy trước đây.
Doanh nghiệp FDI chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu
Ông Andrew Kay, Tổng Giám đốc Công ty Tổ chức triển lãm CP Hồng Kông (đơn vị đồng tổ chức Saigon Tex 2016), cho biết DN Trung Quốc tham gia triển lãm chủ yếu là sản xuất vải. Họ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, tận dụng lợi thế từ TPP.
Tham gia Saigon Tex 2016, DN trong nước có cơ hội tìm kiếm máy móc, thiết bị phù hợp để gia tăng năng suất hoặc tìm nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ và tăng tỉ lệ nội địa hóa. Có điều, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU hay TPP, Trung Quốc đều không phải là thành viên nên hàng may mặc Việt Nam sản xuất từ nguyên phụ liệu nhập khẩu của nước này sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi.
Bà Phạm Minh Hương, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng có thể DN Trung Quốc đến triển lãm để thăm dò thị trường rồi mới quyết định đầu tư vào nước ta. Lý giải của bà Hương được nhiều người chấp nhận bởi xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực sợi dệt nhuộm đang tăng rất mạnh, trong đó chủ yếu là DN đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… nhằm hưởng lợi từ TPP và các FTA khác. Năm 2015, khoảng 2,5 tỉ USD vốn ngoại đã đổ vào dệt may với nhiều dự án quy mô lớn, đầu tư chuỗi khép kín từ sợi - dệt - nhuộm và may. Ngay công đoạn dễ nhất là may - hiện khoảng 85% DN Việt vẫn chủ yếu gia công may - DN trong nước cũng sẽ phải cạnh tranh với DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngay trên sân nhà.
Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm tỉ lệ áp đảo tại Saigon Tex 2016
|
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 27,2 tỉ USD nhưng DN FDI chiếm khoảng 70%. Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 28, cho biết trong ngành sợi, cách đây 5 năm, DN nội địa chiếm 60% nhưng đến nay khối FDI vươn lên chiếm 70%. DN trong nước chủ yếu làm gia công và ngay cả FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm), khách hàng cũng chỉ định nơi mua nguyên liệu, DN chỉ được chủ động về phụ liệu. Với TPP, chuyện đầu ra cho nguyên liệu rất khó bởi đầu tư mới một nhà máy sản xuất cần khoảng 50 triệu USD, vốn lớn nhưng thu hồi chậm nên DN trong nước không mặn mà đầu tư vào dệt nhuộm. Trong khi đó, các DN Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam và bán vải cho DN nội địa lại có tiềm lực rất lớn…
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn, cho rằng các dự án FDI đổ vào ngành dệt may ngày càng theo xu hướng khép kín là điều bất lợi cho DN nội địa. Cụ thể, công đoạn sản xuất giá trị gia tăng thấp được DN FDI tổ chức tại Việt Nam từ kéo sợi đến thành phẩm may mặc, còn công đoạn thiết kế phân phối có giá trị gia tăng cao do công ty mẹ ở nước ngoài đảm nhận. Đa phần DN FDI là công ty toàn cầu đến từ các cường quốc dệt may, ngay cả những DN nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam cũng dịch chuyển sang xu hướng khép kín, như Formosa, Bamboo…
“Chuỗi khép kín của DN FDI tạo lợi thế cạnh tranh do giá thành thấp, thời gian sản xuất ngắn và nguồn hàng phong phú sẽ cạnh tranh với DN nội địa. Còn việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành may mang tính chất quyết định cho DN trong nước để đáp ứng yêu cầu xuất xứ thì đến nay vẫn chưa như kỳ vọng” - ông Hùng lo ngại.
Phải thoát “kiếp làm thuê”
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết TPP và các FTA khác sẽ tạo ra cú hích cho ngành dệt may nhưng thách thức cũng không nhỏ do yêu cầu quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, trong khi ngành lại rất yếu ở công đoạn này. Thời gian đầu khi TPP có hiệu lực, phía Mỹ cho phép Việt Nam áp dụng quy tắc “nguồn cung thiếu hụt” ở một số sản phẩm, tạo cơ hội cho DN trong nước nâng dần tỉ lệ nội địa nhằm hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, nếu các DN ỷ lại vào quy tắc này thì DN Việt sẽ mãi mãi dừng lại ở việc gia công.
Để giải bài toán nguyên phụ liệu, Vinatex và ngành dệt may đã mở rộng đầu tư vào các dự án sợi, vải. Khoảng 2 năm trở lại đây, Vinatex đã tái khởi động các dự án sợi, vải quy mô lớn. Tuy nhiên, cả Viantex và các DN trong nước cũng chỉ mới đáp ứng được một tỉ lệ nhỏ so với nhu cầu nguyên phụ liệu. Nút thắt cổ chai này vẫn đang chờ các DN trong ngành và Chính phủ quan tâm, tăng tốc đầu tư trong thời gian tới.
“Nếu không thay đổi phương thức kinh doanh thì dù hội nhập, DN dệt may Việt cũng vẫn mãi kiếp làm thuê, lợi thế hội nhập sẽ không còn ý nghĩa” - ông Lê Quang Hùng băn khoăn.
Các chuyên gia cho rằng nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN may mặc chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB hay ODM (tự thiết kế bán hàng), OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng). Đồng thời, muốn đạt kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 30 tỉ USD, cần khoảng 21 tỉ USD nguyên phụ liệu. Lúc này, phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ là tiền đề quan trọng để các DN ngành may mặc khai thác cơ hội hội nhập.
Cần gia tăng liên kết
Để đạt giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia cho rằng DN nội địa cần liên kết với nhau nhằm tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh, như muốn mạnh khâu thiết kế thì phải có nguồn lực để xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối…
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, liên kết lại là điểm yếu nhất của DN Việt. Đơn cử, nếu có một DN Việt đang đàm phán với đối tác nước ngoài thì chắc chắn đang có vài DN trong nước chuẩn bị đàm phán với giá… thấp hơn!
|
người lao động
|