Ngành bán lẻ Việt Nam: Xu hướng M&A, thách thức tạo cơ hội
Tại hội thảo “Ngành bán lẻ Việt Nam bước chân vào thế giới phẳng: Cơ hội hay thách thức” tổ chức vào chiều ngày 28/03/2016, nhiều ý kiến cho rằng bán lẻ đang là ngành vô cùng hấp dẫn, và cách nhanh nhất để thâm nhập vào thị trường Việt Nam chính là các thương vụ M&A.
Bán lẻ đang là ngành vô cùng hấp dẫn
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSC, bán lẻ đang là một ngành vô cùng hấp dẫn.Việt Nam có hơn 90 triệu người, tháp dân số đang trong cơ cấu vàng với hơn 60% là người trong độ tuổi lao động và tầng lớp trẻ có sức tiêu dùng lớn, nền tảng thị trường cực kỳ vững chắc. Thống kê của BMI cũng chỉ ra doanh thu bán lẻ Việt Nam 2015 vượt 102 tỷ USD, dự kiến 2020 có thể lên tới gần 180 tỷ USD, mức tăng trưởng 7.3-11.9%.
Một dẫn chứng cụ thể khác, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê Việt Nam và khảo sát từ BfK, hiện tại Việt Nam có khoảng 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, 132 trung tâm thương mại được tổ chức có quy mô, chỉ chiếm khoản 25% thị phần bán lẻ. Dự kiến đến 2020, toàn quốc sẽ có khoảng 1,200 -1,500 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm và 180 trung tâm thương mại, nâng thị phần nắm giữ lên 45%. Như vậy, đến tận 2020, các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và các gian hàng tạp hóa quy mô gia đình vẫn còn chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ Việt Nam.
Dư địa phát triển bán lẻ hiện đại, đặc biệt là nông thôn vẫn còn rất lớn. Thị phần chuỗi bán lẻ hiện đại trên thị trường Việt Nam đang là thấp nhất khu vực, chỉ chiếm khoảng 25% nên dư địa sẽ rất lớn và sẽ xuất hiện nhiều cạnh tranh.Thêm vào đó, các thay đổi trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các chính sách, quy phạm pháp luật… cũng như những ràng buộc khi tham gia vào các hiệp định tự do thương mại quốc tế đều mở cửa cho nền kinh tế, san bằng các rào cản, khiến thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên hấp dẫn không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2015 là năm bùng nổ các Hiệp định thương mại, khởi nguồn cho Việt Nam xóa rào cản hàng rào thuế quan, hàng hóa các nước.
Theo khảo sát, thống kê của GfK, doanh số toàn thị trường bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 154 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nhóm sản phẩm điện thoại di động và điện lạnh không chỉ chiếm tỷ trong ngành hàng cao (tương ứng 40-45 ngàn tỷ đồng và 30-35 ngàn tỷ đồng), mà còn có tốc độ tăng trưởng hằng năm mạnh nhất (tương đương 30-35% và 25-30%).
Xét về xu hướng phát triển trong tương lai, GfK đánh giá dòng điện thoại vẫn tiếp tục tăng trưởng khá ấn tượng, ước đạt 82 ngàn tỷ đồng trong 2017. Máy tính xách tay và máy tính bảng tăng trưởng chững lại theo trào lưu thế giới, ước đạt tương ứng 13 ngàn tỷ đồng và 10 ngàn tỷ đồng. Nhóm thiết bị gia đình có tốc độ tăng trưởng ổn định so với khu vực, dao động trong khoảng 10-27 ngàn tỷ đồng đến 2017.
Nhìn chung, Việt Nam vẫn nằm trong top các quốc gia tăng trưởng ngành hàng khá tốt và có thể tiếp tục tăng trưởng đến 2018. Dựa trên dự báo 10 xu hướng công nghệ tiếp tục trên toàn cầu của GfK: Người tiêu dùng có xu hướng phân tích thông tin trực tuyến nhiều hơn, thông qua đó, đưa đến sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn.Việt Nam vẫn là nước có sự phát triển ổn định, chất lượng cuộc sống không ngừng tăng cao giúp các thiết bị gia đình trở thành điều tất yếu trong cuộc sống, nhu cầu càng ngày càng cấp thiết hơn.
Cũng chính vì tương tác của người tiêu dùng thông qua mạng trực tuyến và các sự đổ bộ ồ ạt của các yếu tố công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam phải mang đến lợi ích tối đa cho người tiêu dùng thì mới có thể trụ vững trên thị trường và xa hơn, có thể hội nhập vào thị trường bán lẻ thế giới.
Thế giới phẳng: M&A là xu thế tất yếu
Theo ông Huỳnh Phước Cường – Giám đốc khối Bán lẻ - Công y TNHH Nghiên cứu thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam: Khi mọi rào cản bị san phẳng, thị trường Việt Nam trở thành miếng bánh hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và hệ thống hoạt động đã được kiểm chứng qua nhiều thị trường khác nhau, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ thiếu chuỗi cửa hàng – kênh phân phối đưa danh mục sản phẩm đa dạng, giá hợp lý và chất lượng tốt của họ đến với người tiêu dùng. Chính vì thế, cách nhanh nhất để thâm nhập vào thị trường Việt Nam chính là các thương vụ M&A. Mặc dù kể từ tháng 11/2015, Việt Nam đã cho phép thành lập các doanh nghiệp bán lẻ có 100% vốn nước ngoài, nhưng các thương vụ M&A vẫn diễn ra mạnh mẽ như một xu thế không thể cưỡng lại.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đưa ra dẫn chứng, người Nhật với Aeon, trong thời gian rất ngắn họ hiểu khách hàng Việt nhanh hơn các doanh nghiệp Việt Nam, Aeon Bình Dương, Tân Phú – nhưng nơi xa xôi nhưng lúc nào cũng đông khách bởi họ hiểu khách hàng. Như vậy lợi thế thấu hiểu thị trường và khách hàng hàng chục năm của các doanh nghiệp Việt nam chưa chắc bằng 1 năm của doanh nghiệp nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp nội địa tiếp tục ngủ quên trên định kiến “chúng ta có lợi thế hiểu rõ khách hàng, hiểu rõ thị trường”, đánh đồng nhu cầu khách hàng thay vì sâu sát tìm hiểu từng địa phương sẽ dẫn đến rủi ro doanh nghiệp nước ngoài thấu hiểu và nắm bắt được nhu cầu thị trường nhanh hơn doanh nghiệp nội.Tuy nhiên, thách thức từ sự đổ bộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nội học hỏi về cách quản trị vốn và hệ thống hoạt động - những đúc kết chỉ có thể đạt được qua quá trình va chạm và hợp tác với các doanh nghiệp lớn cả về quy mô lẫn vốn.
Ông Cường cũng chia sẻ, nếu các doanh nghiệp ngoại lấn sân sâu hơn vào Việt Nam, thị trường bán lẻ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi mạnh mẽ và tích cực hơn. Với kinh nghiệm quản trị trải qua khảo nghiệm ở nhiều thị trường khác nhau, các doanh nghiệp ngoại đã xây dựng cho mình một hệ thống quản trị có tính hiệu quả cao và thực tiễn so với các doanh nghiệp nội. Thêm vào đó, nguồn vốn mạnh mẽ và chất lượng sản phẩm tốt đang thúc đẩy quá trình M&A tại Việt Nam, tất cả những thứ họ cần chỉ là kênh phân phối. Theo đánh giá của GfK, nếu nhìn trên quy mô toàn cầu, M&A đang diễn ra như một xu thế tất yếu để thâm nhập vào thị trường tại quốc gia khác, gần nhất là Microsoft mua lại Nokia.
Theo ông Cường, doanh nghiệp nước ngoài gần đây tập đoàn mua lại các doanh nghiệp nội thường đứng sau là tỷ phú, họ nhìn rất kỹ vào đồng tiền đầu tư, cơ hội được mua với giá cao hay chính mình làm tốt hơn để có thể mua lại những công ty khác. Điển hình là các doanh nghiệp địa phương Hàn Quốc đã mua lại nhiều doanh nghiệp ngoạiđang đầu tư tại địa phương để giữ vững và phát huy lợi thế cạnh tranh.
Theo ông Khổng Phan Đức, M&A trong bán lẻ diễn ra rầm rộ vài năm trở lại đây, 2015 là năm có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia hơn, với nhiều thương vụ đình đám hơn như Aeon thâu tóm Citimart, Vincom mua Maximart, BigC trao tay cho người khác. Trên thế giới M&A là đường tắt để DN tham gia vào thị trường quốc gia khác.Trong bán lẻ thì gần giống như đánh cờ vây, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp phép mở cửa hàng cho doanh nghiệp nước ngoài. Bán lẻ là điều cực kỳ quan trọng để thâm nhập thị trường, đường tắt được nhiều DN thực hiện và những năm tới sẽ còn nhiều thương vụ như thế.
Như vậy, từ bài học biến phức tạo thành đơn giản, biến triết lý thành hành động hay sự thành công MWG, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng nhận thức được thách thức cũng như cơ hội đang ngày càng rõ ràng.
Đánh giá về cổ phiếu ngành bán lẻ, ông Đức chia sẻ, TTCK 2016 VietinBankSC đáng giá sẽ là thị trường có tính phân hóa nhiều hơn. VN-Index 2015-2016 không có nhiều biến động nhưng các nhà đầu tư sẽ có sự lựa chọn nhóm ngành rõ ràng hơn. 2015 cổ phiếu tăng nóng đều xuất phát từ những câu chuyện đồn thổi, đội lái thị trường hay KQKD bất thường. Theo đánh giá năm 2016, các nhà đầu tư sẽ nhận thấy sự tăng trưởng cổ phiếu của công ty tăng trưởng tốt tương đối rõ nét, hướng tới đầu tư theo giá trị hơn lướt sóng. Năm 2016, VN-Index không có nhiều biến động. Các nhóm ngành như dệt may hưởng lợi từ TPP và các hiệp định thương mại như dệt may, bất động sản, logistics, bán lẻ, thực phẩm… sẽ tăng trưởng ổn định, cũng như các ngành về năng lượng, điện dự kiến sẽ tăng trưởng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cụ thể, tổng doanh số ngành bán lẻ hành hóa - dịch vụ 2015 đạt 3.2 triệu tỷ, tăng 8.4% so 2014, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa là 2.5 triệu tỷ, tăng 8.1% so 2014. Đây là dấu hiệu tích cực và lạc quan cho nhóm cổ phiếu bán lẻ./.
|