Thứ Ba, 12/04/2016 10:31

Tăng trưởng kinh tế cần phải ổn định lãi suất

Bài toán trước mắt trong năm nay là phải ổn định được mặt bằng lãi suất ở mức phù hợp. Vì với nền kinh tế đang bước đầu gượng dậy sau một thời kỳ bất ổn và khủng hoảng, mà lãi suất dâng lên trở lại quá nhanh có thể lại dập tắt động lực đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng của người dân, vốn còn rất mong manh.

Năm 2016, kế hoạch tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam là 6.7%, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Mặc dù nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi trở lại, nhưng đây vẫn được xem là một chỉ tiêu đầy thách thức, nhất là khi đặt trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng tăng lên như hiện nay. Kết quả quý 1 vừa qua cũng cho thấy tăng trưởng GDP chỉ đạt khiêm tốn ở mức 5.46% so với cùng kỳ năm 2015

Nhìn từ phía cầu của nền kinh tế, GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ, tích luỹ tài sản (đầu tư) và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Như vậy để kích thích tăng trưởng kinh tế hoặc là Chính phủ phải tăng cường chi tiêu, hoặc có những chính sách kích thích tiêu dùng nội địa, tăng đầu tư hay đẩy mạnh xuất khẩu ròng.

Áp lực thu ngân sách làm hạn chế đầu tư

Thâm hụt ngân sách của Chính phủ trong những năm vừa qua liên tục tăng lên, điều này sẽ làm hạn chế mức tiêu dùng và đầu tư của Chính phủ. Đặc biệt trong những năm qua nguồn thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ dầu thô, tuy nhiên với việc giá dầu thô đã giảm mạnh trong thời gian qua và dự báo còn ở mức thấp trong một thời gian dài thì nguồn thu từ dầu thô sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách. Cụ thể theo thông tin từ Bộ Tài chính, thu từ dầu thô trong ba tháng đầu năm 2016 ước đạt 8.9 ngàn tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn khi rất nhiều dòng thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo lộ trình của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết trong những năm qua. Theo dự kiến của Bộ Tài chính thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2016 chỉ còn khoảng 3.4% GDP, trong khi mức bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 5.9% GDP.

Ngân sách chi tiêu của Chính phủ còn bị tác động bởi nợ công đang ngày càng phình to hơn. Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nợ công và các khoản nợ do Nhà nước đảm bảo đã gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000, hiện ở khoảng 60% GDP trong năm 2015, cao hơn mức trung bình trong khu vực. Việc tăng nợ công là kết quả của một nền tài chính lỏng lẻo, phản ánh thâm hụt ngân sách ngày càng lớn hơn.

Với một mặt bằng lãi suất đầu vào cao hơn sẽ buộc các ngân hàng thương mại đẩy lãi suất cho vay lên cao hơn, từ đó làm suy yếu nhu cầu vay của các doanh nghiệp. Ngoài ra, người dân cũng sẽ có khuynh hướng tăng tiết kiệm hơn thay vì tiêu dùng và đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đi lên. Chẳng những thế, việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu của Chính phủ lại càng khó khăn chồng chất.

Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu dự báo trong giai đoạn tới sẽ gặp khó khăn, nhất là khi đường cong lãi suất trái phiếu Chính phủ đang có chiều hướng đi lên và chỉ số CDS (chỉ số đo lường rủi ro của trái phiếu Chính phủ) cũng đang tăng lên. Cụ thể, chỉ số CDS của Việt Nam vào cuối năm 2015 nằm ở mức 285, tăng 89.96 điểm cơ bản so với năm 2014. Và trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ số này tiếp tục tăng lên và đạt đỉnh cao mới tại 312.27 vào ngày 9/2/2016.

Ngược lại, tính thanh khoản của các ngân hàng đã giảm mức độ dư thừa, đặc biệt sau khi Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu ngắn hạn trở lại và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã tăng khá cao trong năm 2015. Theo thống kê từ NHNN, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của toàn hệ thống đến 31/01/2016 là 89.31%, tăng từ mức 87.96% vào cuối năm 2015 và mức 83.67% của cuối năm 2014.

Với kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước năm 2016 là 220 ngàn tỷ đồng và 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để thanh toán các khoản nợ đến hạn và tài trợ cho ngân sách quốc gia, nếu hoạt động phát hành trái phiếu không đạt như kỳ vọng, thì bội chi ngân sách của Chính phủ sẽ thiếu nguồn để bù đắp, khi đó Chính phủ buộc sẽ phải thắt chặt chi tiêu hơn.

Trước những khó khăn trên, Chính phủ có thể phải tăng cường thu nội địa, tăng các nguồn thu từ thuế và phí. Trong một báo cáo gần đây của Chính phủ đặt ra kế hoạch thu nội địa trong giai đoạn 2016-2020  phải tăng tối thiểu gấp hai lần, đồng thời nâng dần tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách Nhà nước. 

Động lực từ hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng

Sau giai đoạn căng thẳng trong giai đoạn cuối năm 2015 và đầu năm 2016, tỷ giá hiện tại có vẻ như đang ổn định, bất chấp những áp lực vẫn đang hiện hữu như khả năng nâng lãi suất đồng USD của Fed và phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tỷ giá thực chịu áp lực tăng trong khi tỷ giá danh nghĩa cố giữ ở mức ổn định thì sẽ kích thích nhu cầu nhập khẩu trước một VNĐ mạnh, và xuất khẩu phải chịu nhiều khó khăn hơn.

Trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới liên tục đi xuống trong thời gian qua, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam – quốc gia vốn xuất khẩu nhiều mặt hàng nguyên liệu thô càng bị ảnh hưởng tiêu cực. Những hiệp định tự do thương mại được ký kết gần đây sẽ kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, tuy nhiên tác động trước mắt sẽ làm tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu.

Tất cả những điều này sẽ làm áp lực nhập siêu tăng lên, tác động tới động lực tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 1.49 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung của quý 1 năm nay. Như vậy, trong tình hình chi tiêu của Chính phủ bị thắt chặt, xuất khẩu bị suy yếu thì động lực tăng trưởng phải phụ thuộc rất nhiều vào tiêu dùng và đầu tư từ khu vực tư nhân.

Đến lúc nới lỏng tiền tệ kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân

Trong bối cảnh chính sách tài khóa có thể bị thắt chặt thì chính sách tiền tệ nới lỏng có thể được sử dụng như một cứu cánh để kích thích nền kinh tế, nhất là khi lạm phát thấp như hiện nay. Chẳng phải ngẫu nhiên mà kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay của ngành ngân hàng được thông qua ở mức 18-20%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tổng phương tiện thanh toán cũng định hướng tăng ở mức cao 16-18%.

Có vẻ như kích thích đầu tư và tiêu dùng ở khu vực tư nhân đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và NHNN trong năm nay. Thực tế việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào động lực tiêu dùng nội địa là mô hình mà nhiều quốc gia đang hướng tới, thay vì phụ thuộc quá lớn vào chi tiêu và đầu tư của Chính phủ như Việt Nam từ trước đến nay, hay chủ yếu dựa vào xuất khẩu như Trung Quốc trong những năm qua.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, với tín hiệu mặt bằng lãi suất huy động gần đây đang nóng trở lại có thể phá vỡ chính sách tiền tệ nới lỏng. Vì với một mặt bằng lãi suất đầu vào cao hơn sẽ buộc các ngân hàng thương mại đẩy lãi suất cho vay lên cao hơn, từ đó làm suy yếu nhu cầu vay của các doanh nghiệp. Ngoài ra, người dân cũng sẽ có khuynh hướng tăng tiết kiệm hơn thay vì tiêu dùng và đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đi lên. Chẳng những thế, việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu của Chính phủ lại càng khó khăn chồng chất.

Do đó, bài toán trước mắt trong năm nay là phải ổn định được mặt bằng lãi suất ở mức phù hợp, điều mà NHNN đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn vừa qua. Vì với nền kinh tế đang bước đầu gượng dậy sau một thời kỳ bất ổn và khủng hoảng, mà lãi suất dâng lên trở lại quá nhanh có thể lại dập tắt động lực đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng của người dân, vốn còn rất mong manh./.

Các tin tức khác

>   Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ra sao? (11/04/2016)

>   Trước bẫy thu nhập trung bình: Có cùng tắc biến? (10/04/2016)

>   Diện mạo Chính phủ sau khi có 21 gương mặt mới (09/04/2016)

>   Trình phê chuẩn ba Phó thủ tướng, 18 bộ trưởng và thành viên Chính phủ (08/04/2016)

>   Thủ tướng trình miễn nhiệm Thống đốc và 17 bộ trưởng (08/04/2016)

>   Trình miễn nhiệm Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh (08/04/2016)

>   Đề cử bà Đặng Thị Ngọc Thịnh làm Phó chủ tịch nước (07/04/2016)

>   Thách thức tân nội các (07/04/2016)

>   Ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ (07/04/2016)

>   Ông Nguyễn Tấn Dũng được thôi chức Thủ tướng (06/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật