Thứ Năm, 07/04/2016 11:14

Thách thức tân nội các

LTS: Năm 2016 đánh dấu bước ngoặc hội nhập sâu rộng hơn của nước ta vào nền kinh tế - chính trị thế giới, cũng là năm nước ta có dàn lãnh đạo mới sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ qua cho thấy Chính phủ mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ với những ngổn ngang của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, với gánh nặng ngân sách, nợ công, với sự thật hội nhập không chỉ mang lại cơ hội mà tiềm ẩn cả rủi ro... Dưới góc nhìn của các chuyên gia, những thách thức với tân nội các cũng là những đề bài cho bước cải cách tiếp theo...

 

Do gánh nặng chi phí thường xuyên của Nhà nước rất lớn và rất khó giảm nên tất cả các khoản chi cho đầu tư phát triển đều phải phụ thuộc vào vay nợ. Ảnh: Anh Quân

ThS. Đinh Tuấn Minh

Cam kết lộ trình cắt giảm chi thường xuyên

Tình trạng ngân sách nhà nước tiếp tục gặp khó khăn trong những năm tới là điều có thể thấy trước. Các sức ép đến từ cả cơ sở nguồn thu lẫn hoạt động chi tiêu ngân sách.

Nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp chưa thể cải thiện ngay cả khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu hồi phục bởi việc giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% (không phân biệt mức doanh thu) bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2016. Trong khi đó, các nguồn thu từ dầu thô và thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu, và từ đất đai cũng sẽ suy giảm mạnh. Không những thế, một nguồn thu quan trọng trong những năm trước là viện trợ nước ngoài cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể.

Về phía các hoạt động chi tiêu ngân sách, sức ép chi đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ ngày một lớn để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập. Trong khi đó, do gánh nặng chi thường xuyên của Nhà nước rất lớn và rất khó giảm, nên tất cả các khoản chi cho đầu tư phát triển đều phải phụ thuộc vào vay nợ. Với tình trạng nợ công đã gần chạm ngưỡng 65% GDP và nợ chính phủ đã vượt trần 50% GDP thì việc tiếp tục tăng vay nợ để đầu tư gần như là không thể trừ phi Quốc hội cho phép nới các mức trần này.

Một khi không còn dư địa chính sách tài khóa để phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ sẽ buộc phải quay sang chính sách tiền tệ. Các biện pháp định hướng tín dụng cũng như ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng rất có thể sẽ được áp dụng. Trong trường hợp đó, nguồn vốn cho các hoạt động kinh tế khác trong nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến mặt bằng lãi suất chung của cả nền kinh tế tăng lên, và doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó. Nếu như theo đuổi chính sách này, rủi ro Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể kiểm soát được hệ thống tiền tệ là rất lớn, dẫn đến lạm phát và nợ xấu tăng cao quay trở lại.

Với việc nhìn thấy trước những khó khăn về chính sách tiền tệ và tài khóa như đã đề cập ở trên, hy vọng rằng Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ chủ động đưa ra các giải pháp đột phá trong việc cắt giảm mạnh chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước. Việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên là công việc rất khó khăn đối với mọi chính phủ trên thế giới, nên để thành công, Chính phủ mới cần xây dựng một lộ trình với những cam kết mục tiêu rõ ràng. Ngoài ra, để tạo sức ép cắt giảm chi tiêu thường xuyên cũng như đầu tư công hiệu quả hơn, Chính phủ cần dũng cảm từ bỏ “dựa dẫm” vào các nguồn tín dụng ưu đãi từ phía NHNN.

TS. Trương Minh Huy Vũ (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TPHCM)

Cải cách thể chế vì “lợi nhuận thật” thay vì “doanh thu lấy được”

Hãy hình dung về báo cáo của một công ty với hai mục kế toán doanh thu và lợi nhuận, có thể nói cải cách sắp tới của Việt Nam nằm ở phạm trù thứ hai. Điều đó có nghĩa là những lựa chọn với mục đích tăng “doanh thu lấy được” sẽ không còn là ưu tiên. Cải cách cần và phải dám đụng vào những vấn đề mang tính căn cơ lấy “lợi nhuận thật” là thước đo kết quả.

Nền móng ký ức và kinh nghiệm lịch sử của cải cách Việt Nam đang đóng khung trong hai lằn ranh cố định. Một chiều là giai đoạn hỗn loạn từ những kinh nghiệm của các mô hình chuyển đổi từ Nga và các nước Đông Âu. Chiều này tạo ra cảm giác quan ngại về sự bất định. Chiều khác - tạm gọi là một sự hụt hẫng lý tính - bắt nguồn từ việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Giai đoạn này, dưới sức ép từ các làn sóng bên ngoài, tại sao các cải cách từ bên trong vẫn không có sự đột phá như kỳ vọng đi cùng với các chỉ dấu tích cực về kinh tế?

Hai thời điểm cải cách này đặt câu hỏi quan trọng về những xu hướng cải cách, mức độ chấp nhận thay đổi và sự chuyển biến các hình thái thể chế.

Chẳng hạn như câu hỏi về tương lai các cơ quan hành chính/công quyền của Việt Nam với các cam kết sau Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với các cam kết có phạm vi vừa sâu về nội dung cam kết vừa rộng về phạm vi và lĩnh vực cam kết, TPP không chỉ điều chỉnh bên ngoài các đường biên giới quốc gia, mà nó đã đi sâu vào bên trong, vào cơ cấu sản xuất, quản trị, phân phối, quan hệ lao động, quan hệ công quyền và tư nhân trong lòng mỗi quốc gia thành viên. Các cơ quan công quyền sẽ phải “thích nghi, điều chỉnh và nâng cấp” như thế nào trước làn sóng mới, tương lai mới. Trong đó không phải chỉ là cách thức chính quyền phải thực hiện các cam kết của quốc tế mà mình đã ký kết như thế nào, mà quan trọng hơn là “triết lý của ứng xử” giữa chính quyền với các thành phần khác nhau trong xã hội mà hiệu năng của dịch vụ công quyền và đầu ra chính sách là điểm đầu tiên của phần lợi nhuận.

Có thể nói, làn sóng thứ ba của cải cách đang có “điểm rơi” vào nhiệm kỳ đầu tiên của dàn lãnh đạo mới sau Đại hội Đảng 12, những người - dù ở cương vị nào trong quá khứ cải cách 30 năm qua - đều đã trải nghiệm qua cả hai thời điểm. Những kinh nghiệm và hiểu biết này là nguồn vốn dồi dào, nhưng song song đó cũng là các “ký ức lịch sử” không dễ dàng dứt bỏ. Các yếu tố trên sẽ cân bằng (với) các xu hướng tức thời và hình thái thể chế trong dài hạn của tương lai. Việc tận dụng TPP và các hiệp định thương mại tự do như một xúc tác để quá trình cân bằng này có lợi nhất cho đất nước sẽ quyết định thành công hay thất bại của năm năm sắp tới.

TS. Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Lường biến số Trung Quốc

Những chuyển đổi mạnh mẽ về tình hình kinh tế - chính trị Trung Quốc sẽ đặt ra nhiều thử thách không nhỏ đối với Việt Nam trong thời gian tới đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp.

Thứ nhất, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khiến tăng trưởng Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực. Mức (dự báo) tăng trưởng trung bình 5%/năm cho năm năm tới đã là một mức tích cực với kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm một điểm phần trăm có thể khiến các quốc gia xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc giảm 1-1,2 điểm phần trăm, còn các quốc gia nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc giảm 0,6 điểm phần trăm.

Thứ hai, trong ngắn và trung hạn, thương mại Việt Nam có thể gia tăng nhập siêu với Trung Quốc do hàng hóa dư thừa ở Trung Quốc tràn sang. Năm 2015, lần đầu tiên xuất khẩu thép của Trung Quốc vượt 100 triệu tấn, xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam tăng đột biến dẫn đến việc ta phải áp thuế tự vệ thương mại tạm thời.

Thứ ba, trong năm 2015, Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài hơn 120 tỉ đô la Mỹ tạo nên làn sóng mua bán, sáp nhập và đầu tư lớn trên quy mô toàn cầu. Chỉ riêng quí 1-2016, làn sóng đầu tư của Trung Quốc đã lên tới 15% tổng FDI toàn cầu (tương đương 101 tỉ đô la Mỹ). Khi Việt Nam gia nhập TPP, hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các ngành hưởng lợi từ hiệp định này cũng đã diễn ra mạnh mẽ. Điều này tạo sức ép nhất định về môi trường và quản lý lao động Trung Quốc.

Thứ tư, các vấn đề chính trị trong nước của Trung Quốc có thể chuyển thành các sức ép về kinh tế đối ngoại. Với trọng tâm là các dự án cơ sở hạ tầng, việc Trung Quốc đẩy vốn ra bên ngoài thông qua việc kêu gọi các quốc gia cùng xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng mới xoay quanh Trung Quốc có thể làm gia tăng các lo ngại về vấn đề vốn vay Trung Quốc, chất lượng công trình, tính minh bạch của các dự án...

Việt Nam trước hết cần tận dụng TPP và FTA với EU để thực hiện các cải cách mạnh mẽ về thể chế cũng như gia tăng quy mô thương mại với Mỹ và châu Âu nhằm giảm bớt cảm giác phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Các yêu cầu và quy định tiêu chuẩn cao của TPP cũng là cơ hội để Việt Nam cải thiện cơ cấu ngành, cải thiện năng suất và đặc biệt nhìn lại chính sách thu hút FDI, chính sách đối với thành phần kinh tế tư nhân. Một nền kinh tế có khu vực kinh tế tư nhân năng động, được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực sẽ đủ sức chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài.

Trong các dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc hoặc đấu thầu, cần gia tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình với công chúng để nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả sử dụng vốn, mặc dù điều này không phải là dễ dàng thực hiện ở Việt Nam.

Mỹ Lệ

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ (07/04/2016)

>   Ông Nguyễn Tấn Dũng được thôi chức Thủ tướng (06/04/2016)

>   Đề cử ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng (06/04/2016)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Tôi rất thanh thản” (06/04/2016)

>   Giới thiệu bí thư Nghệ An làm Tổng Kiểm toán Nhà nước (05/04/2016)

>   “Hy vọng Chính phủ mới chọn được bộ trưởng mạnh dạn” (05/04/2016)

>   Đề cử Đại tướng Đỗ Bá Tỵ làm Phó Chủ tịch Quốc hội (04/04/2016)

>   Quốc hội chuẩn bị miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (04/04/2016)

>   Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức (02/04/2016)

>   “Phải làm cho Việt Nam là nơi dân muốn ở chứ không muốn đi” (02/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật