Nhìn từ chuyện Formosa: Nhu cầu minh bạch và ứng xử văn minh
Để bảo vệ lợi ích quốc gia, không có cách nào khác là phải tranh đấu dựa trên “hợp đồng”, trên luật pháp và chứng cứ!...
Vụ khủng hoảng “cá chết” ở một số tỉnh miền Trung những ngày gần đây đã đẩy tổ hợp Formosa tại Hà Tĩnh vào một tình thế căng thẳng, trong bối cảnh các bên liên quan gồm nhà nước - nhà đầu tư và người dân đều có mối quan hệ lợi ích đan xen.
Trên công trường dự án Formosa, Hà Tĩnh.
Đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam
Ai cũng biết, Đài Loan có đại bộ phận dân số gốc Hoa, nhưng không phải ai cũng biết, từ thiết chế xã hội, văn hóa, đời sống, kiến trúc đô thị… của vùng lãnh thổ này lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ người Nhật.
50 năm chiếm đóng của người Nhật đã giúp cho hòn đảo này có một nền tảng xã hội khá tốt để rồi, dưới sự cầm quyền của Quốc dân Đảng, Đài Loan phát triển mạnh mẽ như ta đã thấy ngày nay.
Năm 2014, Đài Loan có GDP đạt 600 tỷ USD, GDP đầu người đạt khoảng 22,5 ngàn USD và nền kinh tế này xếp thứ 26 trên thế giới. Đài Loan cũng có nền chính trị khá cạnh tranh và cởi mở, khi các đảng phái liên tục thay nhau nắm quyền.
Không như giai đoạn đầu, khi Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch vẫn nuôi mộng “phục quốc”, Đài Loan vài thập kỷ gần đây chủ trương phát triển kinh tế, đa phương hóa quan hệ ngoại giao để mong được công nhận là quốc gia độc lập. Họ muốn sự hùng mạnh về kinh tế sẽ giúp họ tự vệ, hay ít ra, cũng sẽ được phân khúc văn minh của thế giới tiếp nhận họ như là một phần đương nhiên.
Cho đến nay, về cơ bản mục tiêu này vẫn đang được Đài Loan duy trì.
Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, người Đài bắt đầu để ý đến quá trình đổi mới và mở cửa của Việt Nam và những tín hiệu từ hai phía được phát đi. Năm 1991, một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ từng được cử đi Đài Loan để đàm phán về việc mở một đường bay thẳng thay cho việc phải quá cảnh ở Bangkok.
“Đường bay thẳng” là một điểm nhấn vừa cụ thể vừa giàu tính biểu tượng. Không chỉ mở ra con đường cho thương mại và đầu tư, nó còn mở ra cánh cửa về ODA.
Trên thực tế, sau khi đường bay Cao Hùng - Tân Sơn Nhất được mở, Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Đài Bắc tại Tp.HCM được thiết lập và Việt Nam đã vay được khoản vay ODA đầu tiên là 30 triệu USD đầu tiên từ Đài Loan với lãi suất rất thấp; đồng thời cũng là giai đoạn đầu tư bắt đầu bùng nổ và thương mại cũng phát triển theo, dù chậm và khiêm tốn hơn.
Với Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, Việt Nam trở nên rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Đài Loan. Năm 1989, sau khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 31 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI), một tòa nhà được xây dựng tại 65 Văn Miếu để làm trụ sở cho cơ quan này, và rất đáng chú ý là hệ thống thang máy của tòa nhà này đã được tài trợ bởi một… nhà đầu tư Đài Loan.
Hệ thống thang máy ở tòa nhà rồi đây sẽ là “chốn đi về” của các nhà đầu tư nước ngoài, là một ví dụ để thấy, người Đài hết sức nghiêm túc với “kế hoạch Việt Nam” của họ. Lần lượt từng đại gia của Đài Loan đến Việt Nam, từ Chinfon, Vedan, CT&D, Foxconn, Formosa… cập bến Việt Nam.
Cho đến hết quý 1/2016, Đài Loan có 2.478 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới 31 tỷ USD, xếp thứ tư trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore (thực chất có thể coi là đứng thứ ba vì nhiều dự án đăng ký đầu tư từ Singapore nhưng vốn từ các nhà đầu tư tại các quốc gia khác).
Trên phương diện đối tác kinh tế, đối tác đầu tư, không thể phủ nhận những gì các nhà đầu tư Đài Loan đã mang lại cho Việt Nam trong khoảng 25 năm qua, cả về đóng thuế, giải quyết việc làm và góp phần cho tăng trưởng chung.
Nếu chia trung bình, có thể thấy mỗi năm Đài Loan có khoảng 100 dự án mới tại Việt Nam, tức trung bình mỗi tuần gần 2 dự án.
Formosa Hà Tĩnh đã và đang làm gì?
Để có sự hình dung đầy đủ về Formosa Hà Tĩnh, cần nhắc lại một chi tiết là khi Formosa quyết định đầu tư một tổ hợp gang thép tại Việt Nam, từ những ngày đầu, phía Formosa đã khảo sát nhiều địa điểm khác nhau.
Trong quan điểm của Formosa, xét về điều kiện tổng thể, Hà Tĩnh kém xa nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, nếu xét về cảng nước sâu, Vũng Áng có lợi thế cạnh tranh rất rõ ràng.
Năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chấp nhận đề nghị của Hà Tĩnh cho tiến hành nghiên cứu cảng Vũng Áng, bao gồm cả khu vực Sơn Dương. Tập đoàn DAJCA (Nhật Bản) cùng Viện Quy hoạch vận tải biển thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã được chọn vào khảo sát, và sau đó đưa ra kết luận rằng Vũng Áng là nơi có cảng nước sâu và các điều kiện tự nhiên tốt hàng đầu của Việt Nam, rất phù hợp cho mô hình tổ hợp công nghiệp - cảng biển hiện đại.
Formosa đã chọn Hà Tĩnh vì cảng nước sâu và vì một điều rất đơn giản về kinh tế: tổng chi phí đầu tư là “rẻ” nhất so với các địa điểm khác cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài.
“Rẻ” ở đây được hiểu là tổng thể nhiều yếu tố, trong đó có lợi thế cảng biển, chính sách thuế ưu đãi “khủng”, giá nhân công rẻ, điều kiện về môi trường dễ dãi, triển vọng thị trường đầu ra tốt cả về quốc tế lẫn nội địa, nguồn nước, nguồn điện khả thi và ổn định…
Đơn giản chỉ là bài toán chi phí - lợi ích! Những bộ óc đã cùng nhau làm nên một Formosa có doanh thu tới trên dưới 80 tỷ USD trong những năm gần đây, họ nhìn vấn đề rất nhanh.
Trong tổng các yếu tố “rẻ”, yếu tố tiêu chuẩn thấp về môi trường chắc chắn đã được Formosa tính toán kỹ, sau rất nhiều trải nghiệm kém vui về môi trường tại nhiều quốc gia phát triển khác.
Các ngành công nghiệp Formosa đã từng làm, chẳng hạn dệt nhuộm và nhựa, từng gặp rắc rối về môi trường tại nhiều quốc gia phát triển. Thép là lĩnh vực mới và cũng gây ô nhiễm không kém, nhưng vấn đề là với các điều kiện mà họ đưa ra, Việt Nam đã chấp nhận.
Cuối cùng thì Formosa đã nhận giấy phép đầu tư trong sự hào hứng từ cả hai phía. Theo giấy phép, Formosa được sử dụng tới 3.300 ha, gồm 2.000 ha đất liền và 1.300 ha mặt biển. Sự hào hứng về dự án khổng lồ khiến cho tỉnh Hà Tĩnh đã phải huy động “cả hệ thống chính trị” vào cuộc để giải phóng mặt bằng.
Không hề dễ dàng khi một số hộ dân thuộc diện giải phóng là người công giáo và có sự chống đối khá quyết liệt. Nhiều bận, Bí thư hoặc Chủ tịch Hà Tĩnh đã phải “đầu mũ cối, chân đi ủng” xuống hiện trường để trực tiếp giải quyết từng ngôi nhà.
Sau khi có mặt bằng sạch, Formosa vào cuộc xây dựng rất nhanh, dòng tiền đổ về rất mạnh. Dường như ngay lập tức, khối doanh nghiệp giao thông, xây dựng tại địa phương là những doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên.
Ngoài những gói thầu chính như xây lắp lò cao, xây cảng… Formosa chọn nhà thầu nước ngoài, còn thì các hạng mục xây dựng đơn giản đều do nhà thầu trong nước thực hiện, chẳng hạn làm đường sá, hàng rào, hệ thống thoát nước, san lấp…; hoặc ít ra cũng là làm thầu phụ.
Vì quy mô dự án là rất lớn, có những doanh nghiệp hầu như chỉ cung cấp một sản phẩm là ống bê tông để làm móng, hoặc đơn giản là bán đá hộc cho dự án này, cũng sống khỏe.
Mặc dù triển khai đầu tư khá nhanh chóng, Formosa vẫn liên tiếp đứng trước các cuộc tấn công truyền thông.
Các điểm nhấn chính bao gồm, vì sao Formosa là nhà đầu tư nước ngoài mà lại muốn vay vốn thương mại từ ngân hàng trong nước? Vì sao đưa người Trung Quốc vào Việt Nam làm việc, sinh ra phố Tàu và vô vàn tệ nạn? Vì sao xây miếu thờ, có phải là để “đánh dấu chủ quyền” hay không? Vì sao xây kênh thoát nước rộng tới mức “xe tăng đi lọt”, có phải là âm mưu quân sự gì không? Vì sao xây hàng rào gạch “quá dày”?...
Tất cả các câu hỏi này, hoặc không phù hợp về mặt kinh tế, hoặc phiến diện về kỹ thuật, nhưng mặc nhiên được xem như là những vấn đề vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có cả yếu tố chính trị. Trong khi đó, các vấn đề lẽ ra cần được để ý nhất là thuế và môi trường lại không được đề cập đến.
Ngoài các vấn đề trên âm ỉ nhiều ngày tháng, ba “đỉnh cao” khủng hoảng mà Formosa phải chịu gồm (i) biến cố tháng 5/2014, theo đó một cuộc bạo loạn đã diễn ra, gây thiệt hại to lớn và có chết người, ảnh hưởng lớn đến tiến độ; (ii) vụ sập giàn giáo tháng 3/2015 khiến 13 người chết và (iii) biến cố tháng 4/2016, với nghi án “xả thải gây cá chết”.
Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi một cán bộ đối ngoại của Formosa đã có phát ngôn gây hiểu nhầm, và ban lãnh đạo Formosa phải tiến hành họp báo xin lỗi ngay sau đó.
Một cách tiếp cận “win - win”?
Cho đến nay, Formosa vẫn đang hiện diện tại Việt Nam với tư cách một thực thể, một pháp nhân kinh tế. Sẽ là công bằng và đúng mực hơn, nếu như chúng ta nhìn nhận Formosa đúng với tư cách này.
Rốt cuộc, dự án Formosa Hà Tĩnh phải được xem là lựa chọn chung và là trách nhiệm chung của cả hai phía: Formosa và chính quyền Hà Tĩnh (bên cấp phép). Về bản chất, chính quyền và Formosa đang cùng nhau thực thi một khế ước, một hợp đồng kinh tế. Các điều kiện cao nhất của hợp đồng chính là bản giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp và toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành mà chúng ta đang có.
Khi tất cả những giả thuyết chính trị, nhưng thuyết âm mưu đều chưa có cơ sở, thì trước hết, chúng ta nên tôn trọng và thực thi đúng các điều kiện trong hợp đồng này.
Với góc nhìn đó thì có thể thấy cho đến nay, việc thực thi hợp đồng này vẫn đang diễn ra tương đối tốt cả từ hai phía. Nỗ lực giải phóng mặt bằng, tái định cư của UBND tỉnh Hà Tĩnh là rất đáng ghi nhận; trong khi nỗ lực giải ngân vốn, xây lắp tổ hợp từ phía Formosa cũng rất nhanh gọn.
Theo kế hoạch chung, cuối tháng 6 này lò cao số 1 sẽ chạy chính thức, bắt đầu cho ra lò những mẻ thép thương mại đầu tiên.
Thêm một thông tin rất đáng chú ý. Trong 5 năm gần đây, tổng lượng thuế Formosa đã nộp vào Hà Tĩnh đã vượt con số 10 ngàn tỷ đồng dù chưa đi vào sản xuất. Trong khi đó, về phía Formosa, “thu nhập” là con số không tròn trĩnh vì đơn giản là chưa có sản phẩm để bán ra thị trường.
Còn theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tổng số tiền giải ngân của Formosa vào dự án tính đến hết tháng 3/2016 là 98% của số vốn đăng ký, tức khoảng gần 10 tỷ USD. Ngoài phần mua sắm thiết bị từ nước ngoài, trả cho nhà thầu quốc tế… thì một phần khá lớn cho công tác xây dựng cơ bản chắc chắn là đã ở lại Việt Nam.
Trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Formosa, có lẽ khả dĩ nhất vẫn là nhìn nhận lại toàn bộ “hợp đồng”, tức là xem lại quá trình triển khai dự án. Hãy bắt lỗi các sai phạm và xử phạt nghiêm minh theo quy định, đặc biệt trong vấn đề môi trường, thay vì treo một bản án lơ lửng mà không rõ về lý, không đạt về tình.
Một hệ thống quan trắc độc lập của Nhà nước đặt ngay cửa ống xả là khả thi, và sẽ giúp ngăn ngừa những thảm họa môi trường trong tương lai. Với tất cả các vấn đề còn lại, đặc biệt là thuế, các điều kiện lao động… Việt Nam cũng có quyền đặt các trạm “quan trắc” khác miễn sao đúng luật, để đảm bảo rằng lợi ích “bên Việt Nam” trong hợp đồng này được bảo vệ.
Nói tóm lại, để bảo vệ lợi ích quốc gia nói chung, lợi ích môi trường nói riêng, không có cách nào khác là phải tranh đấu dựa trên “hợp đồng”, trên luật pháp và chứng cứ!
Đừng đặt một nhà đầu tư nước ngoài trước một cuộc đấu tố rùng rợn như hiện nay. Không chỉ sai về luật, chúng ta cũng chẳng được lợi gì về kinh tế và hình ảnh trước cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, về nguyên tắc, kinh tế là thương lượng, là win - win.
Đấu tố vu vơ trong trường hợp này không đưa lại lợi ích nào cho quốc gia cả. Việt Nam vẫn tiếp tục cần kêu gọi đầu tư nước ngoài cho những dự án mới, cho dù chúng ta có thể sẽ không ưu tiên công nghiệp, thậm chí từ chối hẳn những dự án gây ô nhiễm.
Nhưng “hợp đồng” với Formosa giờ đã là một thỏa thuận quốc tế, nó cần được tôn trọng và giới đầu tư quốc tế đang nhìn vào cách hành xử của chúng ta. Nhà đầu tư thì như cánh chim trời, không nên để họ rơi vào cảnh “kinh cung chi điểu”.
Nhu cầu minh bạch và ứng xử văn minh
Những sự việc liên tiếp xảy ra trong môi trường kinh doanh hiện nay cho thấy, nhu cầu về sự minh bạch là rất lớn. Nhà nước, thay vì ôm đồm đủ thứ việc mà không hiệu quả, cũng đã đến lúc nên nhường bớt công việc của mình cho các lực lượng xã hội khác.
Những “hợp đồng” mà Nhà nước ký kết với các đối tác của mình, cho dù là kinh tế, chính trị hay văn hóa, cần được đặt trước con mắt quan sát, đánh giá của công luận. “Hợp đồng” với Formosa cũng vậy: không khó để công bố toàn bộ giấy chứng nhận đầu tư của dự án, trong đó nêu rõ các cam kết của hai bên, cứ theo đó mà đánh giá là đủ.
Chẳng hạn, các giới hạn về hàm lượng các chất trong nước thải cần được công bố để các bên liên quan có thể đo đạc, so sánh, đối chiếu. Các điều kiện về tài chính cũng vậy, cần công bố để nhân dân biết được, rằng quá trình cấp phép đã được tiến hành minh bạch, không có những thỏa thuận ngầm nào đó.
Riêng trong vấn đề môi trường, Nhà nước phải tạo ra sân chơi để những tổ chức giả dụ như “Nghiệp đoàn Nghề cá Vũng Áng”, “Hội Chăn nuôi lồng bè Kỳ Anh”, “Hiệp hội Bảo vệ môi trường biển Đèo Ngang”... chẳng hạn được có cơ hội và sức mạnh để tranh đấu thay cho Nhà nước.
Chính những thiết chế này - nếu được thiết lập - sẽ cùng Nhà nước giám sát các vấn đề về môi trường, để ông Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh không phải lên truyền hình để phân trần rằng “không lẽ ngày nào cũng kiểm tra”; trong khi cá chết đã mấy tuần mà không có một kết luận nào cụ thể.
Nhà nước pháp quyền chỉ có thể mạnh lên, khi các tổ chức xã hội cũng mạnh lên tương ứng, vừa là đối tác, vừa là đối trọng, để các vấn đề như Formosa không còn là của riêng ai nữa.
Điều nghe có vẻ rất lý thuyết này, theo người viết, thực tế lại là lựa chọn duy nhất mà chúng ta cần có, để có thể tiếp bước trên cuộc chơi kinh tế đang vào giai đoạn hội nhập với cấp độ cao nhất.
Đừng quên, bên ngoài kia, nhiều đối thủ trên đường đua kinh tế đều không chỉ khôn ngoan, giỏi giang, mà còn văn minh, nhân văn hơn chúng ta rất nhiều!
Hoàng Anh Minh
vneconomy
|