Thứ Ba, 26/04/2016 08:00

Muốn xuất khẩu gạo phải lập công ty tại… Singapore

Có công ty đành từ bỏ xuất khẩu gạo, chuyển sang cung ứng cho thị trường nội địa.

Trong các cuộc hội thảo, hội nghị gần đây, nhiều công ty trong ngành gạo phản ánh một số nội dung tại Nghị định 109/2010 gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới cũng như xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Phải đi đường vòng

Ông Đinh Minh Tâm, phụ trách mảng sản xuất và chế biến gạo của doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (gọi tắt là Công ty Cỏ May, Đồng Tháp) cho hay những điều kiện như phải có kho chứa khổng lồ, nhà máy công suất lớn… đang là trở ngại lớn, quá sức đối với những công ty gạo quy mô nhỏ và vừa.

Cụ thể, theo Nghị định 109, để được cấp phép xuất khẩu gạo công ty phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Với điều kiện quá cao này không có mấy công ty đáp ứng được.

“Chính vì vậy, hiện nay công ty chúng tôi phải ủy thác xuất khẩu qua một công ty lớn tại Cần Thơ. Đáng nói là khi “nhờ cậy” công ty khác xuất khẩu, Cỏ May phải trả chi phí ủy thác 40 đồng/kg gạo cho đơn vị được ủy thác. Hơn nữa còn có nguy cơ lộ bí mật thông tin kinh doanh như lộ hợp đồng, mất khách hàng, mất thị trường…” - ông Tâm chia sẻ.

Ngoài ra, để đảm bảo thương hiệu gạo đến tận tay người tiêu dùng nước ngoài, ông Tâm cho hay công ty phải lập một công ty nhập khẩu Cỏ May ở… Singapore để nhập chính gạo của Cỏ May qua đơn vị được ủy thác. Rồi từ công ty “con” tại Singapore, các sản phẩm gạo của Cỏ May được chuyển vào các kênh bán lẻ tại nước này.

 

Cần phải đánh giá để xác định tính hợp lý của Nghị định 109/2010 ở thời điểm hiện nay.  Trong ảnh: Kiểm tra gạo xuất khẩu tại một nhà máy ở miền Tây. Ảnh: QH

Như vậy, Cỏ May đang phải đi đường vòng, chấp nhận trả nhiều chi phí (như chi phí vận hành của Công ty Cỏ May tại Singapore), giảm lợi nhuận và nhiều rủi ro khác để xuất khẩu sản phẩm gạo mang thương hiệu của mình. Trong khi đó, nếu được xuất khẩu gạo trực tiếp thì không phải tốn những khoản chi phí trên.

Nhưng Cỏ May không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều công ty cho hay họ nỗ lực tìm cơ hội xuất khẩu gạo ra các nước với kỳ vọng nâng cao giá trị hạt gạo. Song không thể được cấp phép xuất khẩu gạo do không đáp ứng được các quy định quá cao của Nghị định 109.

Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú (Cà Mau), cho hay thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa cũng gặp không ít khó khăn khi không thể vượt qua “cửa ải” điều kiện để được cấp phép xuất khẩu. Chính vì vậy có thời điểm công ty ký được hợp đồng có giá trị lớn xuất gạo hữu cơ sang Nga nhưng không xin được giấy phép xuất khẩu. Sau nhiều lần kiến nghị, công ty đã được cấp cơ chế đặc thù để xuất khẩu. Tuy nhiên, cái khó là mỗi năm công ty này đều phải làm thủ tục xin lại giấy phép xuất khẩu.

Tương tự, bà Nguyễn Phúc Ánh, Giám đốc Công ty Lương thực Tấn Tài III, cho hay công ty đành phải bỏ xuất khẩu gạo vì không đủ khả năng đầu tư số tiền quá lớn để xây kho chứa khổng lồ. Cũng vì lý do trên, hiện tại công ty tập trung khai thác thị trường trong nước.

Khai thông cho gạo chất lượng cao

Nói về Nghị định 109, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thông tin thời điểm 2010-2011 có hơn 200 công ty kinh doanh xuất khẩu gạo. Thời điểm đó thị trường xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng không tốt vì tình trạng tranh mua tránh bán, bị nước ngoài ép giá khiến giá gạo xuất khẩu giảm.

“Trong bối cảnh trên, Nghị định số 109/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành. Mục đích nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa. Đồng thời siết điều kiện kinh doanh, hạn chế đầu mối xuất khẩu gạo…” - ông Năng lý giải.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng việc đưa ra các điều kiện đối với xuất khẩu gạo trong bối cảnh trên là đúng. Qua đó nhằm loại bỏ những đơn vị làm làm ăn kiểu chụp giật, phá giá thị trường. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã thay đổi, không còn giống như thời điểm cách đây sáu năm, nhất là khi Việt Nam đang khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo. Do đó cần phải đánh giá để xác định tính hợp lý và hiệu quả của Nghị định 109 ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là quy định về kho chứa, nhà máy.

Cụ thể, ông Đinh Minh Tâm cho rằng với những công ty vừa và nhỏ, hướng vào mặt hàng gạo chất lượng cao, giá trị cao với số lượng không nhiều thì cần tạo điều kiện khuyến khích xuất khẩu, không áp dụng những điều kiện quá sức về kho chứa, nhà máy.

Tán đồng quan điểm này, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp đề nghị cần có chính sách phù hợp cho những công ty nhỏ và vừa xuất khẩu những loại gạo thơm, gạo đặc sản. Những công ty này nếu đáp ứng được điều kiện về vùng nguyên liệu, có thương hiệu… thì nên mở cửa khai thông để họ xuất gạo.

“Ví dụ tại Campuchia, họ xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản mỗi năm cũng chỉ khoảng 800-900 tấn. Số lượng không nhiều nhưng nước này có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu” - ông Xuân dẫn chứng.

Xuất khẩu gạo thơm tăng gần 70%

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo thơm chiếm gần 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VFA, xuất khẩu gạo thơm tăng nhiều do châu Phi và Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Các công ty nhập khẩu từ các thị trường này chọn mua gạo thơm từ Việt Nam vì chất lượng gạo ngày càng được cải thiện, ăn ngon như gạo Thái Lan trong khi giá lại hợp lý hơn.

Theo Nghị định 109/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 1-1-2011, hai điều kiện khó khăn nhất để doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo là phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc (lúa khô) và một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

_____________________________

Bắt doanh nghiệp nhỏ phải có kho chứa khổng lồ như tại Nghị định 109 là quá sức. Bởi để sản xuất gạo hữu cơ đạt tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu cực kỳ khó, do đó không thể mở rộng quy mô sản xuất gạo hữu cơ như sản xuất gạo thông thường.

Ông VÕ MINH KHẢI,  Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú (Cà Mau)

Quang Huy

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Thủ tướng sẽ làm việc với VNSteel về dự án Gang thép Thái Nguyên (26/04/2016)

>   Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố đường dây 500kV (25/04/2016)

>   Xuất khẩu tăng 6.4% nhưng thủy sản còn nhiều khó khăn (25/04/2016)

>   Tân Hiệp Phát muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (25/04/2016)

>   Doanh thu phần mềm và dịch vụ CNTT tăng gấp rưỡi sau 5 năm (25/04/2016)

>   Thực hư sở hữu của Lotte tại Diamond Plaza (25/04/2016)

>   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải bảo vệ và ủng hộ kinh doanh (25/04/2016)

>   Bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa tới đã về tay K+ (25/04/2016)

>   Sẽ có kết luận chính thức vụ cá chết hàng loạt trong 3 đến 5 ngày tới (24/04/2016)

>   Cá biển chết từ Hà Tĩnh đến Huế: kiểm tra Formosa (23/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật