Thứ Sáu, 22/04/2016 09:51

“Lò sản xuất”... tiến sĩ!

Trung bình từ đầu năm đến giữa tháng 4-2016, cứ ngày rưỡi, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho ra lò một tiến sĩ.

Chỉ tính từ ngày 1 đến 14-4, các bản tin của trang web Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thống kê cho thấy học viện này tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho gần 60 học viên.

1,5 ngày lại có thêm 1 tiến sĩ

Con số tiến sĩ ra lò nhiều kỷ lục tại một cơ sở đào tạo đã khiến nhiều người phải đặt phép tính chia một cách cơ học, kết quả cho thấy ở học viện này, trung bình cứ 1,76 ngày lại cho ra lò một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 giờ 15 phút lại có một tiến sĩ (các chuyên ngành tâm lý học, ngôn ngữ học, nhân học, khảo cổ học, kinh tế học, tâm lý học, văn hóa học, luật học, sử học, ngôn ngữ học...).

Trang web của học viện liên tục cập nhật thông tin trao bằng tiến sĩ

Được biết, trong năm 2016, Học viện Khoa học Xã hội được phân chỉ tiêu đào tạo 1.600 thạc sĩ và 250 tiến sĩ (đợt đầu).Với con số này, tính trung bình chưa đầy 1,5 ngày, lại có một người nhận bằng tiến sĩ. Trước những lo lắng của dư luận về số lượng nghiên cứu sinh được đào tạo quá nhiều trong cùng một khoảng thời gian, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ. “Thông thường, thời gian đào tạo tiến sĩ là 3 năm. Đây là đợt bảo vệ luận án tiến sĩ thường kỳ. Và đợt này có 44 mã ngành nên viện tổ chức bảo vệ cùng một thời điểm. Trong đợt này, mỗi mã ngành chỉ có 1, 2 luận án được bảo vệ ” - GS Nguyễn Xuân Thắng giải thích.

Tuy nhiên, lời giải thích này cũng chưa thực sự khiến xã hội yên tâm bởi các đề tài của nghiên cứu sinh được cho là quá vụn vặt. Điều này dẫn đến nghi ngờ luận án liệu có chỉ ra được những điểm mới để thuyết phục rằng đây xứng đáng là một luận án tiến sĩ?

Đề tài thiết thực hay dễ dãi?

Theo yêu cầu, luận án phải có những đóng góp mới về mặt học thuật, được trình bày bằng ngôn ngữ khoa học, vận dụng những lý luận cơ bản của ngành khoa học để phân tích, bình luận các luận điểm và kết quả đạt được trong các công trình nghiên cứu trước đây liên quan đến đề tài luận án, trên cơ sở đó đặt ra vấn đề mới, giả thuyết mới có ý nghĩa hoặc các giải pháp mới để giải quyết các vấn đề đặt ra của luận án và chứng minh được bằng những tư liệu mới.

Tuy nhiên, không ít đề tài luận án tiến sĩ mà học viện tổ chức bảo vệ thành công cho thấy chỉ hơn luận văn tốt nghiệp ĐH một chút. Có thể đơn cử luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”, trong trang thông tin tóm tắt những đóng góp mới của luận án, người ta khó có thể thấy những điểm mới. Theo chủ nhân của đề tài, những điểm mới gồm: “Luận án chỉ ra một thực trạng về đặc điểm, giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã được biểu hiện qua các khía cạnh như hình thức giao tiếp, nội dung giao tiếp, sử dụng lời nói, hành vi cử chỉ và phong cách giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã. Luận án xác định được những điểm tích cực và điểm còn hạn chế trong giao tiếp của chủ tịch UBND xã, những yếu tố ảnh hưởng đến đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã”.

Về một số đề tài tiến sĩ được cho là vụn vặt, GS Nguyễn Xuân Thắng giải thích đó là do quan niệm của mọi người. Lâu nay, xã hội vẫn cho rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, trên trời chứ không mang hơi thở cuộc sống. Hiện nay, luận án tiến sĩ đã đi vào những đề tài thiết thực với cuộc sống.

Chất lượng bỏ ngỏ

Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng và đã dừng tuyển sinh của 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và cảnh báo 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu. Năm 2012, Bộ GD-ĐT chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên.

Trao đổi với báo chí ngày 21-4, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết để được đào tạo tiến sĩ, các cơ sở đào tạo phải bảo đảm các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm đào tạo. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là vừa bảo đảm quyền tự chủ của các trường trong hoạt động đào tạo, bộ không can thiệp về mặt chuyên môn nhưng luôn kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng luận án, bà Phụng cho rằng việc đánh giá chất lượng chủ yếu thuộc thẩm quyền của chuyên môn (người hướng dẫn, các hội đồng chấm, người phản biện độc lập, người thẩm định). Nhà nước chỉ có thể quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện, tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện… còn chất lượng chuyên môn phải do các nhà khoa học, các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ bảo đảm. Theo bà Phụng, Bộ GD-ĐT đã quy định các cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót.

Không phạm lỗi tuyển vượt

Theo thông tin chính thức trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tính đến tháng 10-2013, Học viện Khoa học Xã hội được giao đào tạo 31 ngành tiến sĩ và 33 ngành thạc sĩ.

Nói về việc đào tạo tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết hằng năm, học viện này xác định chỉ tiêu và báo cáo Bộ GD-ĐT. Trong 3 năm gần đây, học viện xác định chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 350 nghiên cứu sinh/năm. Hiện nay, đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của học viện là 380, trong đó có 175 người có chức danh GS, PGS, như vậy, chỉ tiêu do học viện xác định vẫn trong phạm vi quy định, không vi phạm lỗi vượt quá chỉ tiêu.


Lan Anh

người lao động

Các tin tức khác

>   Phí BOT ở Việt Nam có thực sự rẻ? (22/04/2016)

>   Ngành dệt may: 5 kiến nghị đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ (21/04/2016)

>   Bắt tổng giám đốc công ty đa cấp lừa 300 tỉ đồng (21/04/2016)

>   Quý 1, TKV đạt doanh thu 22,577 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ (21/04/2016)

>   NAFIQAD xin bổ sung thêm 13 doanh nghiệp XK cá tra sang Hoa Kỳ (21/04/2016)

>   Lotte Mart sẽ đẩy mạnh M&A để đạt mục tiêu 60 TTTM (21/04/2016)

>   Thủ tướng đề nghị dừng hình sự hóa vụ quán Xin Chào (21/04/2016)

>   VKFTA: Công cụ hữu hiệu để phát triển quan hệ đối tác chiến lược (21/04/2016)

>   Jetstar Pacific lần đầu tiên có lãi sau 25 năm (21/04/2016)

>   Cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ 2018 (21/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật