Thứ Năm, 21/04/2016 22:10

Ngành dệt may: 5 kiến nghị đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước nhưng các doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn còn nhiều lo lắng về nguồn cung nguyên liệu, chế độ tiền lương, cơ chế chính sách và sự cạnh tranh của các DN nước ngoài trong thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng.

Ngày 29/4 tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam về những kiến nghị sẽ đề xuất lên Chính phủ.

Là người đứng đầu Hiệp hội Dệt may Việt Nam - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, ông muốn gửi đến Thủ tướng Chính phủ những kiến nghị gì?

Ông Vũ Đức Giang: Cộng đồng DN đang trông chờ Chính phủ trong nhiệm kỳ mới này sẽ tạo ra nền tảng, cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng. Để Thủ tướng Chính phủ có thêm nhiều thông tin nhằm đưa ra giải pháp cho ngành, tôi đề xuất Chính phủ cần có chính sách chiến lược dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần đánh giá lại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may bởi quy hoạch đến năm 2020 đã lỗi thời.

Theo quy hoạch đến năm 2020, ngành dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu 20-25 tỉ USD. Tuy nhiên, đến năm 2015 vừa qua, toàn ngành đã xuất khẩu được 27,5 tỉ USD. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ đưa ra một chiến lược dài hạn hơn, cụ thể hơn, trước mắt là đến năm 2020, trung hạn 2020-2030 và dài hạn từ 2030-2040 để dệt may đi kịp với quá trình hội nhập của đất nước.

Để hiện thực hóa chiến lược dài hạn mà ông vừa đề xuất, ông có kiến nghị gì cụ thể hơn không?

Ông Vũ Đức Giang: Ngành dệt may có 5 kiến nghị muốn đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.

Đầu tiên, chúng tôi kiến nghị Chính phủ quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) hoặc các khu kinh tế (KKT) trọng điểm của đất nước, trong đó có KCN dệt may. Trước đây, tỉnh Nam Định đã đề xuất lên Chính phủ về việc đưa KKT Ninh Cơ, trong đó có KCN dệt may Rạng Đông vào chiến lược phát triển vùng của đất nước.

Cùng với sự phát triển các KCN, KKT, Chính phủ cần xây dựng chiến lược dài hạn để kết nối hạ tầng giao thông, tạo sức hút cho các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các khu này, làm sao để vận chuyển hàng hóa trong thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất và quan trọng là tạo nguồn lực thu hút nhân lực đến các KCN, hạn chế hiện tượng di dân từ các địa phương về KCN.

Bên cạnh đó, một tiêu chuẩn rất quan trọng của hàng dệt may xuất khẩu đang được các “buyer” (người mua, đầu mối buôn hàng) quan tâm là chất lượng nhà xưởng và nguồn gốc xơ, sợi, dệt, nhuộm hoàn tất. Để đạt được yếu tố này, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ quan tâm đến việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm môi trường xanh sạch cho người dân và cũng là bảo đảm cho sản phẩm của ta xuất khẩu sang các nước được đón nhận.

Chúng tôi biết rằng việc này sẽ khó khăn bởi đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn rất tốn kém, thời gian thu hồi vốn lâu nên chủ các KCN thường không làm được. Tuy nhiên, khi chúng ta có các hệ thống xử lý nước thải sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là DN FDI vào xây dựng các nhà máy sản xuất sơ, sợi và dệt, nhuộm hoàn tất.

Tiền lương cũng là vấn đề rất quan trọng trong thời gian tới. Tôi đồng ý rằng phải tăng lương tối thiểu để bảo đảm mức sống cho người lao động nhưng cần kéo giãn lộ trình, quan tâm hơn đến “sức khỏe” của DN.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ổn định cơ chế chính sách từ thuế, hải quan, lao động, tiền lương, BHXH, BHYT minh bạch, rõ ràng để DN yên tâm kinh doanh, không phải lo suốt ngày “đối phó” với những chính sách thay đổi liên tục.

Mặc dù là ngành chủ lực xuất khẩu, nhưng dệt may Việt Nam mới chỉ làm được khâu may và phụ thuộc đến 90-95% vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Ông có đề xuất gì để cải thiện việc này trong thời gian tới không?

Ông Vũ Đức Giang: Tôi khẳng định dệt may Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung về sợi cao cấp và dệt nhuộm hoàn tất.

Trên thực tế, Việt Nam có 5 nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu mà có thể ít người biết. Sản phẩm may mặc là nhóm chủ lực, kể cả các nhãn hiệu lớn nhất trên thế giới cũng đang được sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đã xuất khẩu sợi các loại (trên 3 tỉ USD/năm); vải các loại (1 tỉ USD/năm); phụ liệu như chỉ, bao bì, khóa…(500 triệu USD/năm); vải địa kỹ thuật cho làm đường, vải mành để làm lốp ô tô (400 triệu USD/năm)... Không thể nói là ta chỉ gia công mà không xuất khẩu nguyên liệu.

Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Chính phủ thu hút DN FDI đầu tư vào các lĩnh vực mà ta đang thiếu là: Sợi cao cấp và dệt nhuộm hoàn tất nhưng họ phải đầu tư vào các KCN đã có hệ thống xử lý nước thải vì lượng nước thải ra từ 2 lĩnh vực này rất lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nếu không xử lý tốt.

Đặc biệt, chúng tôi không khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực may mà hãy để việc này cho các DN Việt Nam.

Ông có cho rằng thời gian tới DN FDI sẽ áp đảo DN Việt Nam và tận dụng được các hiệp định thương mại chúng ta vừa ký vì họ đã quen với việc “chơi” trên sân quốc tế?

Ông Vũ Đức Giang: Đây cũng là vấn đề chúng tôi muốn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cần kiểm soát sự minh bạch giữa DN trong nước và DN FDI. Trên thực tế, có bao nhiêu DN FDI hạch toán lỗ ở Việt Nam và báo lãi ở nước ngoài? Trong khi DN trong nước buộc phải hoạt động có lãi và phải đóng 20% thuế thu nhập DN, đóng xong khoản thuế này mới được chia cổ tức và phân bổ còn DN FDI chỉ phải chi tiền lương theo Luật Doanh nghiệp, không phải đóng thuế thu nhập DN.

Nhà nước cần kiểm soát chặt việc này để bảo đảm việc thu ngân sách, nếu không làm chặt chẽ, không thu được là ta sẽ mất khoản này vì DN FDI đã sử dụng điện rẻ, đất rẻ, nhân công rẻ.

Mặt khác, Chính phủ có thể nghĩ đến việc công bố thông tin các DN đang “lách” thuế, kể cả DN Việt Nam lẫn DN nước ngoài để khi các “buyer” vào mua sẽ biết được rằng DN đó không có trách nhiệm với đất nước, vi phạm môi trường, không đóng thuế cho Chính phủ Việt Nam…

Xin cảm ơn ông!

Phan Thành

chính phủ

Các tin tức khác

>   Bắt tổng giám đốc công ty đa cấp lừa 300 tỉ đồng (21/04/2016)

>   Quý 1, TKV đạt doanh thu 22,577 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ (21/04/2016)

>   NAFIQAD xin bổ sung thêm 13 doanh nghiệp XK cá tra sang Hoa Kỳ (21/04/2016)

>   Lotte Mart sẽ đẩy mạnh M&A để đạt mục tiêu 60 TTTM (21/04/2016)

>   Thủ tướng đề nghị dừng hình sự hóa vụ quán Xin Chào (21/04/2016)

>   VKFTA: Công cụ hữu hiệu để phát triển quan hệ đối tác chiến lược (21/04/2016)

>   Jetstar Pacific lần đầu tiên có lãi sau 25 năm (21/04/2016)

>   Cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ 2018 (21/04/2016)

>   Bắt 2 giám đốc tham ô tài sản Nhà nước (21/04/2016)

>   Bác đề xuất ưu đãi thuế cho dự án ngàn tỉ “trùm mền” (21/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật