Chủ Nhật, 17/04/2016 08:18

6 lý do đồng JPY hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2016

Từ đầu năm 2016 đến nay, đồng JPY đã vọt hơn 10% so với đồng USD

Ngay cả khi các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu và các hàng hóa khác đã dần ổn định, đồng JPY vẫn nhảy vọt, trái ngược với kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục tăng cao so với những đồng tiền chủ chốt khác trong năm 2016.

 

Tính chung cho cả năm 2016, đồng USD đã “bốc hơi” 10.5% so với đồng JPY, đồng thời rớt xuống mức mà lần gần nhất là trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) làm nhà đầu tư chao đảo với chính sách mở rộng chương trình mua tài sản vào ngày 31/10/2014.

Động thái của cặp tỷ giá này có tác động to lớn đến Nhật Bản lẫn nền kinh tế toàn cầu. Đồng USD yếu đã tác động tích cực đến các nền kinh tế thị trường mới nổi thông qua việc giúp giá hàng hóa phục hồi và làm giảm gánh nặng nợ bằng đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, đồng JPY mạnh sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Nhật Bản, làm cho hàng hóa của quốc gia này trở nên đắt đỏ hơn so với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong khi đó, các nhà chiến lược thị trường đã rất chật vật để tìm ra cách giải thích hợp lý cho đà nhảy vọt của đồng JPY. Tuy nhiên, MarketWatch đã ghi nhận 6 lý do có thể giải thích cho đà nhảy vọt của đồng JPY:

Chênh lệch trong lãi suất thực

Nhà đầu tư đã hạ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 4/2016, qua đó khiến lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sút. Trong khi đó, sự ra đời của chính sách lãi suất âm ở Nhật Bản đã “đè nặng” lên lợi suất trái phiếu Chính phủ quốc gia này.

Bên cạnh đó, việc đưa ra chính sách lãi suất âm cũng gây áp lực lên lãi suất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khi lạm phát ở Nhật Bản đã chững lại thì nền kinh tế Mỹ lại cho thấy dấu hiệu lạm phát sắp tăng trở lại.

Chính điều này đã khiến khoản chênh lệch trong lãi suất thực dịch chuyển theo hướng có lợi cho trái phiếu Chính phủ Nhật Bản.

Biểu đồ dưới đây đến từ Steven Barrow, Trưởng phòng Chiến lược Tiền tệ G-10 tại Standard Bank, so sánh động thái của cặp tỷ giá USD-JPY với động thái của khoảng chênh lệch lãi suất thực trong 5 năm. 

Tuy nhiên, sự hồi sinh của lạm phát tại Mỹ là một hiện tượng khá mới mẻ và các nhà hoạch định chính sách, bao gồm Chủ tịch Fed Janet Yellen, vẫn nghi ngờ liệu đà tăng của lạm phát có đủ để cho phép Fed nâng lãi suất hay không?

Nguồn: MarketWatch

Fed lùi bước

Kể từ khi Fed nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ tại cuộc họp tháng 12/2015, kỳ vọng về các đợt nâng lãi suất trong năm 2016 đã giảm sút đáng kể. Trong số các dự báo đưa ra vào tháng 12/2015, phần lớn các nhà hoạch định chính sách từ Fed kỳ vọng cơ quan này sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay.

Tuy nhiên, tại cuộc họp tháng 3/2016, Fed đã cắt giảm đáng kể số lần nâng lãi suất từ 4 đợt xuống chỉ còn 2 đợt, qua đó khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn. Dựa trên chứng chỉ quỹ liên bang kỳ hạn 30 ngày, xác suất Fed chỉ nâng lãi suất 1 lần duy nhất trong năm nay là 38.4% trong khi xác suất nâng lãi suất 2 lần là 12.4%.

Nhiều thành phần tham gia thị trường nhận thấy Fed đã trở nên cẩn thận hơn trong việc nâng lãi suất, qua đó dấy lên mối lo lắng về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và gia tăng rủi ro bất cân xứng giữa việc nâng lãi suất quá sớm và quá muộn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến đà lao dốc của đồng USD.

Một số khác lại tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự báo, qua đó có thể hỗ trợ cho đồng USD tăng cao trở lại.

Các quỹ đầu cơ nhắm đến đồng USD

Các nhà đầu cơ đã gia tăng đáng kể kỳ vọng đồng USD sẽ lao dốc kể từ đầu năm 2016.

Vị thế mua ròng của đồng USD trên sàn giao dịch Mỹ đã giảm một nửa trong tuần kết thúc vào ngày thứ Ba, đồng thời rớt xuống mức 2.9 tỷ USD, dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy.

Sau đây là biểu đồ cho thấy vị thế mua ròng của cặp tỷ giá USD-JPY và sự dịch chuyển của cặp tỷ giá này.

Chính sách tiền tệ không hiệu quả từ BOJ

Shinzo Abe đã nhậm chức Thủ tướng vào cuối năm 2012 dựa trên lời hứa ông sẽ làm mọi thứ có thể để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Nhật Bản sau gần 2 thập kỷ trì trệ.

Nhiệm vụ chính của BOJ là duy trì sự ổn định giá cả. Để thực hiện điều này, trong tháng 1/2013, ngay sau khi ông Abe tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, cơ quan này đã thiết lập mục tiêu ổn định giá ở mức 2% tốc độ tăng trưởng, vốn được đo lường bằng sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm.

Thế nhưng, trong những năm sau đó, BOJ vẫn chưa thể đạt được mục tiêu này mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích đặc biệt.

Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tiến 0.3%/năm trong tháng 2/2016. Ngoại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến đổi, chỉ số CPI đã nới rộng đà tăng lên 0.8% trong năm 2016.

Trong tháng 1/2016, BOJ đã mở rộng chương trình mua tài sản đồng thời quyết định áp dụng chính sách lãi suất âm.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ thường khiến đồng tiền của quốc gia đó lao dốc do lượng cung tiền tăng cao trong khi lãi suất lại giảm sút. Tuy nhiên, thay vì lao dốc thì đồng JPY lại nhảy vọt sau tuyên bố của BOJ trong tháng 1/2016.

Nguồn: MarketWatch

Hạ thấp rủi ro của việc can thiệp

Trong một bài phỏng vấn với hãng tin Wall Street Journal tuần trước, ông Abe lên tiếng chống lại việc tác động quá mức đến tỷ giá hối đoái. Nhiều nhà đầu tư và nhà chiến lược cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Nhật Bản không muốn can thiệp vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, hôm thứ Ba, đồng USD tăng cao so với đồng JPY sau khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết quốc gia này chấp nhận hành động chống lại hành động đầu cơ tỷ giá hối đoái.

Được biết, Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp giữa các quốc gia thuộc tổ chức G7 trong tháng 5/2016, nhiều người cho rằng chính quyền Nhật Bản sẽ tỏ ra miễn cưỡng trong việc can thiệp vào nền kinh tế.

Trong năm 2011, đồng JPY đã chạm đỉnh trong thời kỳ hậu Thế Chiến II tại 75.76 đổi 1 USD.

Sự biến động dòng vốn theo mùa

Bất chấp các khó khăn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng cùng với lạm phát và khoản nợ quốc gia cao gấp 2 lần Mỹ khi tính trên Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất thế giới.

Dựa trên số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Tài chính Nhật Bản, được công bố trong mùa xuân năm 2015, tổng giá trị tài sản ròng của các tổ chức Chính phủ Nhật Bản, doanh nghiệp và cá nhân leo lên mức cao kỷ lục tại 366.86 ngàn tỷ JPY trong năm 2014.

Do có quá nhiều tài sản của nhà đầu tư Nhật Bản được neo giá theo các đồng ngoại tệ, một vài nhà phân tích tin rằng chính dòng vốn chảy vào Nhật Bản trước khi kết thúc năm tài chính vào ngày 31/03/2016 đã hỗ trợ đồng JPY.

Những nhà phân tích khác cho rằng chính nỗi lo sợ về tốc độ tăng trưởng, vốn đã trầm trọng do đà lao dốc của giá dầu và mối lo lắng về đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, đã khiến nhà đầu tư chuyển sang đầu tư vào đồng JPY, vốn là kênh trú ẩn an toàn.

Nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào thành quả của đồng JPY trong tháng 4/2016./.

Các tin tức khác

>   Vàng chứng kiến tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần (16/04/2016)

>   Dầu tiến gần 2%/tuần khi nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp ở Doha (16/04/2016)

>   Dầu trượt dài sau tin Bộ trưởng Dầu mỏ Iran không tham dự cuộc họp tại Doha (15/04/2016)

>   Làm sao thu thuế của Google, Facebook? (16/04/2016)

>   Oxfam cáo buộc các tập đoàn Mỹ giấu 1.400 tỷ USD ở nước ngoài (15/04/2016)

>   Giám đốc WB Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch WB (15/04/2016)

>   Vì sao các ngân hàng lớn nghi ngờ tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ? (15/04/2016)

>   Động đất mạnh ở Nhật Bản, hàng trăm người thương vong (15/04/2016)

>   Kinh tế Nga vẫn còn “màu xám” (15/04/2016)

>   Cổ phiếu tài chính leo dốc 5 phiên liền, Phố Wall đi ngang (15/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật