Trung Quốc đang đứng trước cơ hội cuối cùng để dọn dẹp nợ xấu?
Giữa lúc tăng trưởng đang giảm tốc, một số lĩnh vực đang bị dư thừa công suất quá mức và tín dụng đang phình to một cách tràn lan, mối lo ngại về khả năng thanh toán nợ của những người đi vay Trung Quốc hiện vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan hơn vào thời điểm hiện tại.
* Các ngân hàng Trung Quốc tự chuốc lấy rủi ro tín dụng mới?
Theo Business Insider, Giám đốc các quỹ đầu cơ, trong đó có Kyle Bass, tin rằng sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện. Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cũng cảnh báo Chính phủ Trung Quốc, cùng với nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước, có thể bị hạ bậc tín nhiệm trong những tháng tới.
Michelle Lam, chuyên viên phân tích tại Lombard Street Research, cho rằng Trung Quốc hiện đang đứng trước cơ hội cuối cùng để dọn dẹp các bong bóng nợ xấu. Bà cho rằng, nếu những lo ngại hiện tại biến thành một điều gì đó tồi tệ hơn thì Chính phủ nước này “buộc phải sử dụng đến các biện pháp quyết liệt hơn”.
Theo bà Lam, nợ xấu (NPL) của nước này đã lên tới 4 ngàn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 615 tỷ USD) trong quý 4 vừa qua, chiếm khoảng 5.5% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại tại Trung Quốc.
Dù vậy, bà Lam cho rằng tỷ lệ này có thể vẫn chưa đúng với tỷ lệ nợ xấu thật sự trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. “Hầu hết các ước tính của thị trường đều cho rằng tỷ lệ nợ xấu thật sự của Trung Quốc có thể ở quanh mức 10%, cao hơn con số chính thức hiện tại chỉ 1.7%”, bà nói.
“Nếu giả định cực đoan rằng tất cả số nợ mới dành cho các doanh nghiệp phi tài chính vay từ năm 2012 được gia hạn, thì tỷ lệ nợ xấu có thể chiếm đến 25% tổng nợ, hay 30% GDP”.
GDP thực của Trung Quốc trong năm ngoái là 67,670.8 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 10.3 ngàn tỷ USD), nghĩa là nợ xấu theo giả định cực đoan của bà Lam có thể lên đến 3 ngàn tỷ USD.
“Các ước tính dựa trên mô hình tĩnh của chúng tôi cho thấy tất cả các ngân hàng Trung Quốc ngày nay đều có thể đáp ứng được hệ số an toàn vốn cấp 1 theo chuẩn Basel III nếu tỷ lệ nợ xấu vẫn dưới 10%”, bà Lam nói.
“Nhưng theo kịch bản cực đoan trên, các ngân hàng sẽ cần nguồn vốn mới từ 8 đến 10 ngàn tỷ Nhân dân tệ để đáp ứng được chỉ tiêu Basel III,” bà cho biết thêm.
Nói cách khác, cần phải có một cuộc giải cứu của Chính phủ dành cho hệ thống ngân hàng nước này.
Bà Lam tin rằng Trung Quốc có thể chặn đứng được một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện nếu Chính phủ nước này chịu tránh nhiệm đầy đủ về các khoản nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, bà cho rằng Trung Quốc vẫn phải trả giá cho việc thu hồi nợ quá nhanh, như nước này từng làm trong những năm sau khủng hoảng tài chính.
“Các quan chức đã bày tỏ quyết tâm nhằm ngăn ngừa những rủi ro tài chính trong hệ thống hoặc trong khu vực, nhưng liều thuốc thử đặt ra là liệu họ có cho phép để xảy ra một số vụ vỡ nợ thật sự hay không. Về vấn đề đó, họ vẫn chưa đạt được một quyết định chính thức,” bà Lam nói./.
|