Sau chứng khoán, Trung Quốc tiếp tục lại có bong bóng bất động sản
Bất chấp hàng tồn kho tăng cao, mỗi năm Trung Quốc tiếp tục dư thừa tới 2,5 triệu căn nhà mỗi năm.
Ông Bai Chongen, cố vấn chính sách cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) kiêm giáo sư kinh tế học tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng các chính sách tiền tệ mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian qua đang tạo ra tác dụng ngược: khuyến khích các nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản, đẩy giá nhà đất tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến tăng vọt. Trong khi đó, thị trường bất động sản ở các thành phố nhỏ hơn vẫn đang phải vật lộn với một lượng lớn hàng tồn kho. Điều này làm dấy lên những lo ngại mới về việc hình thành bong bóng bất động sản, cũng như việc làm sao đưa ra được một chính sách đồng bộ và thống nhất.
Phát biểu bên lề một sự kiện ở Hàng Châu được tổ chức bởi PBOC và Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, ông Bai nhận định: "Hiện giờ, tôi không thể nói là thị trường đã xuất hiện bong bóng hay chưa, nhưng đây là vấn đề chúng tôi đang lo ngại". Theo Bai, những mục tiêu của chính phủ Trung Quốc đang tự mâu thuẫn nhau: vừa muốn giảm thiểu tình trạng dư thừa bất động sản tại các thành phố nhỏ, lại vừa muốn việc kiểm soát nguy cơ bong bóng tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang tìm cách cân bằng giữa việc duy trì tăng trưởng kinh tế bên cạnh việc kiểm soát chuyển dịch dòng vốn, ổn định thị trường chứng khoán và ngoại tệ. Như vậy, chính phủ cũng sẽ phải cân nhắc ảnh hưởng của các động thái này lên thị trường bất động sản.
Ông Bai cho biết thêm Trung Quốc đang có các chính sách khuyến khích người dân mua nhà bao gồm giảm số tiền đặt cọc và nới lỏng hạn chế về việc được phép mua nhà tại một số địa điểm. "Lãi suất đã được giảm xuống đáng kể và chắc chắn điều này sẽ đẩy giá nhà đất tại các thành phố loại 1 tăng cao. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các thành phố loại 3 và 4, do lượng hàng tồn kho đang còn khá lớn", ông chia sẻ.
Việc đầu tư xây căn hộ mới tại Trung Quốc vẫn đang được thực hiện với tốc độ 10,5 triệu căn mỗi năm, trong khi nhu cầu thì chưa đến 8 triệu căn/năm, theo đánh giá của nhà phân tích Fielding Chen của Bloomberg Intelligence tại Hồng Kong. Như vậy, ngoài lượng hàng tồn kho khổng lồ trước đó, mỗi năm Trung Quốc sẽ đón nhận thêm 2,5 triệu căn nhà dư thừa nữa.
Nguyệt Nhi
NCĐT
|