PCI 2015: Gia nhập thị trường đã dễ thở hơn nhiều
Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI 2015), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), được công bố sáng nay 31-3 cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Triển vọng kinh doanh khởi sắc, nhưng...
Kết quả điều tra PCI 2015 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ (10,9%) và lần đầu tiên trong vòng 10 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất (16,5 tỉ đồng), gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (12%) so với mức đáy của năm 2012.
Năm 2015, gần một nửa (49%) doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng hai năm tới, tăng 3 điểm phần trăm so với 2014 và 16 điểm so với 2013. Đây được xem là những số liệu tốt nhất trong vòng năm năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nếu so với con số của năm năm trước đó thì những số liệu lạc quan này vẫn còn một khoảng cách rất xa. Cụ thể, các chỉ số về tỷ lệ doanh nghiệp tăng quy mô đầu tư, quy mô sử dụng lao động trung bình, tỷ lệ báo có lãi trong giai đoạn từ 2006-2010 đều vượt trội so với giai đoạn từ 2011-2015, trong khi đó tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ thì thấp hơn rất nhiều.
Nguyên nhân của khác biệt trên được lý giải phần nào trong phần phân tích về môi trường kinh doanh qua lăng kính của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Báo cáo PCI 2015 (chương 2). Đây cũng là nhóm chiếm tới 97,6% số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam (số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2014).
Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp dân doanh phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài. Điều đó chứng tỏ môi trường kinh doanh và thị trường trong nước là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến sự thành bại của nhóm doanh nghiệp này.
Thấy gì ở năng lực cạnh tranh của các tỉnh?
Trở lại vấn đề năng lực cạnh tranh của các tỉnh, một trong những nội dung chính của Báo cáo PCI 2015. Nhìn chung, chất lượng điều hành của các địa phương trong năm vừa qua chưa có nhiều đột phá. Điểm của các tỉnh trung vị năm nay đạt 58,47 điểm, tương đương mức năm 2014. Nhưng lần đầu tiên sau bốn năm, khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và cuối bảng đã được nới rộng.
Đà Nẵng năm 2015 vẫn đứng đầu bảng và có điểm số PCI tăng cao nhất kể từ năm 2012, với gần 1,5 điểm. Trong khi đó, PCI của tỉnh thấp nhất đã giảm hơn 1 điểm, quay về mốc điểm xuất phát năm 2013 (48,9 điểm). Ưu điểm của Đà Nẵng, qua ghi nhận của doanh nghiệp, là trung tâm hành chính tập trung của thành phố đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức.
Xếp sau Đà Nẵng là Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai. Như vậy, so với năm trước đó, nhóm 5 tỉnh có chất lượng điều hành rất tốt chỉ có một thay đổi, đó là Vĩnh Phúc đã thế chỗ TPHCM để vươn từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4, còn TPHCM từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 6.
Khảo sát PCI 2015 ghi nhận những cải thiện ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí thời gian. Cụ thể, trong nội dung gia nhập thị trường, thời gian chờ đăng ký và cấp giấy đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm điều tra PCI. Hiện nay, kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại, một doanh nghiệp trung bình chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong tay, thay vì 10-12 ngày như trước. Thời gian để chuẩn bị và hoàn tất sửa đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ 7 ngày xuống 5 ngày.
Về tính minh bạch, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch cấp tỉnh như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng được cải thiện. Trang web, cổng thông tin điện tử của chính quyền các tỉnh, thành phố dần trở thành kênh cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố tăng mạnh từ 64% (năm 2014) lên 72%. Các hiệp hội doanh nghiệp địa phương cũng dần nâng cao được vai trò của mình trong công tác xây dựng và phản biện chính sách, với 43% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao vai trò này của các hiệp hội.
Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính năm 2015 cũng đánh dấu những cải thiện với nhiều doanh nghiệp nhỏ ghi nhận thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn (51%), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký (61%), cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả (67%) và thân thiện, nhiệt tình (59%).
Đặc biệt, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế cũng được ghi nhận rõ nét. Hiện nay, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ đối với trung bình một cuộc thanh tra, mức thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây.
Nhưng điều tra PCI 2015 cho thấy một vài xu hướng đáng lo ngại khi các nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cũng như tạo ra sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hiệu quả.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với năm 2014 (10%). Có 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.
Tại tỉnh trung vị, 39% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2014. Đồng thời, gần 49% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 6 điểm so với năm trước đó.
Điểm cộng cho ĐBSCL và điểm trừ cho Hà Nội
Đi vào chi tiết 10 lĩnh vực điều hành kinh tế trong PCI 2015 cũng có một số điểm thú vị. Theo đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tỏ ra xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Đứng đầu chỉ số thành phần gia nhập thị trường năm nay là Hậu Giang với 9,23 điểm. Bến Tre được đánh giá tốt nhất cả nước trong lĩnh vực tiếp cận đất đai (7,82 điểm), Sóc Trăng đứng đầu chỉ số chi phí không chính thức (7,12 điểm). Trong khi Bạc Liêu ghi điểm cao nhất ở chỉ số cạnh tranh bình đẳng (7,29 điểm), Kiên Giang dẫn đầu lĩnh vực thiết chế pháp lý (7,62 điểm). Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng như năm ngoái ở hai chỉ số: chi phí thời gian và tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh. Còn TPHCM tiếp tục dẫn đầu ở các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngược lại, nhóm cuối bảng của các chỉ số thành phần lại có sự góp mặt của một số tỉnh thành mạnh về kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Hồng là Hưng Yên, Hà Nội. Trong đó Hà Nội đứng chót bảng ở hai chỉ số gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai. Còn Hưng Yên xếp chót về tính minh bạch.
Tấn Đức
tbktsg
|