Một góc bình yên của tỷ giá
Không giống như kỳ vọng cũng như dự đoán của đa số chủ thể trên thị trường, tỷ giá hối đoái đã có gần ba tháng đầu năm nay khá bình yên - sự bình yên được tạo dựng bởi những yếu tố bất ngờ, đúng hơn là bất khả kháng, đến từ bên ngoài nhiều hơn trong nước. “Trong rủi có may”, có lẽ chưa bao giờ câu ngạn ngữ này lại hợp với câu chuyện tỷ giá đến thế ở thời điểm hiện tại!
Tỷ giá lấy lại “phong độ” là nhờ gió trên thị trường tài chính quốc tế xoay chiều. Ảnh: TUỆ DOANH
|
Dự trữ ngoại hối tăng hơn 3 tỉ đô la Mỹ
Bắt đầu từ giữa tháng 1-2016, tỷ giá hối đoái trên thị trường liên ngân hàng sụt giảm do nguồn cung lấn lướt cầu. Có hai lý do khiến cầu bỗng trở nên dư dả. Thứ nhất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán 1 tỉ đô la Mỹ giao sau kỳ hạn ba tháng (forward) cho các tổ chức tín dụng. Bán forward thực ra NHNN chưa giao ngay cho bên mua đồng nào, nhưng cam kết đến ngày 31-3-2016, người mua chắc chắn có ngoại tệ với mức giá cố định. Cầu trong tương lai gần như được cam kết, áp lực ở hiện tại tụt xuống, tỷ giá xuống thang.
Lý do thứ hai kiều hối về nhiều. Khoảng 12-13 tỉ đô la Mỹ kiều hối chảy về Việt Nam năm ngoái thì ước có đến 20% về vào trước Tết Nguyên đán. Các ngân hàng mua được nhiều ngoại tệ từ dân cư và doanh nghiệp ngấp nghé trông NHNN phát tín hiệu mua vào. Tuy nhiên cơ quan này rất “dửng dưng”, cho đến tuần cuối cùng của tháng 1-2016, Sở Giao dịch NHNN mới chào mua đô la Mỹ ở mức giá 22.300 đồng. Một, hai hôm đầu NHNN vừa mua vừa trông chừng, xem có ngân hàng nào đầu cơ bán âm trạng thái ngoại hối, nhưng không có. Cung ngoại tệ dồi dào là thật. Trước Tết, theo số liệu mà chúng tôi thống kê được từ các tổ chức tín dụng, NHNN mua được 1,1-1,2 tỉ đô la Mỹ. Một quan chức NHNN cho biết con số chính xác “gần tương đương”.
Sau Tết các ngân hàng tiếp tục thừa ngoại tệ, tiếp tục bán và NHNN ở vai trò người mua/bán cuối cùng trên thị trường đã mua vào thêm hơn 2 tỉ đô la Mỹ nữa. Tổng cộng đến nay, theo số liệu tập hợp từ các ngân hàng đã và đang bán ngoại tệ cho sở giao dịch, NHNN đã mua vào ít nhất 3,2-3,4 tỉ đô la Mỹ. Dự trữ ngoại hối đã tăng thêm trên 3 tỉ đô la Mỹ. Khi người viết bài này phỏng vấn trực tiếp Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vào tháng 7-2015, ông cho biết lúc ấy dự trữ ngoại hối đạt 37 tỉ đô la Mỹ và 100 tấn vàng. Nếu tính cả dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và một số khoản khác, dự trữ ngoại hối lên gần 40 tỉ đô la Mỹ. Đấy là đỉnh cao của dự trữ ngoại hối Việt Nam.
Trong vòng bốn tháng, từ tháng 8 đến tháng 12-2015, tỷ giá biến động mạnh, cơ quan quản lý đã bán ra một lượng ngoại tệ lớn can thiệp. Mức bán ra, như phỏng đoán của một số định chế tài chính quốc tế, và nhất là từ số liệu của các ngân hàng đầu mối đã mua được ngoại tệ từ NHNN, đã làm dự trữ ngoại hối rơi về quanh mức 30 tỉ đô la Mỹ.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã đăng ký mua forward đô la Mỹ với NHNN, đã xin hủy hợp đồng mua do tỷ giá mua forward cao hơn tỷ giá trên thị trường hiện nay. Theo nguồn tin đáng tin cậy, khoảng 80% số hợp đồng mua forward đã được hủy, tức NHNN không phải bán ra số ngoại tệ đã cam kết bán, đồng nghĩa với việc nguồn bổ sung cho dự trữ ngoại hối tăng thêm đâu đó 800 triệu đô la Mỹ nữa.
Như vậy, dự trữ ngoại hối đến cuối quí 1-2016 có thể lên lại mức 34-35 tỉ đô la Mỹ. Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ông Vũ Bằng, khi phát biểu với giới đầu tư gần đây, thừa nhận dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã bằng 12 tuần nhập khẩu - mức khuyến cáo tối thiểu mà một quốc gia nên có theo IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) và WB (Ngân hàng Thế giới).
... đọc tiếp tại đây
Hải Lý
tbktsg
|