Kích cầu du lịch: Cần cả cung lẫn cầu
Một sản phẩm kích cầu là thành quả hợp tác của nhiều nhà cung cấp dịch vụ du lịch để cùng chia sẻ lợi nhuận và mang đến lợi ích chung.
Sự hợp tác của các hãng hàng không đã giúp lữ hành tung ra các gói kích cầu rất ấn tượng. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
|
Kích cầu không còn là chuyện nhỏ lẻ
Vài năm gần đây, nhiều nhà cung cấp dịch vụ du lịch trong nước đã thỏa thuận hợp tác để đưa ra mức giá hấp dẫn để kích cầu mỗi mùa du lịch.
Điều này thể hiện rất rõ nhất ở VITM - Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội do Hiệp hội Du lịch Việt Nam khởi xướng, chủ trì.
Tại Hội chợ, các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra mức giá dịch vụ rất hấp dẫn tùy theo mùa cao điểm và thấp điểm như voucher khách sạn nhà hàng, tour du lịch giảm giá từ 15-50%; hàng nghìn vé máy bay có mức giá từ 0-999.000 đồng trên cả đường bay nội địa và quốc tế.
Sau mỗi VITM, các doanh nghiệp lữ hành đều rất vui vì doanh số bán tại hội chợ rất tốt khi ngay ngày đầu tiên của mỗi Hội chợ, các tour kích cầu đều “cháy hàng”; người tiêu dùng chen nhau, hoặc nhẫn nại xếp hàng rất dài để mua vé máy bay, tour du lịch giá rẻ. Doanh thu của doanh nghiệp lữ hành tham gia đều tăng từ 15-30% sau mỗi kỳ hội chợ.
Không dừng lại ở đó, số lượng các hãng hàng không, cũng như lượng vé máy bay giá rẻ được tung ra tại VITM liên tục tăng. Tại VITM đầu tiên được tổ chức vào năm 2012 chỉ có 3 hãng hàng không tham gia, thì tới VITM 2016 có tới 11 hãng hàng không tham gia, trong đó Vietnam Airlines xác định tập trung cho VITM và sẽ tung ra lượng vé máy bay giá rẻ còn lớn hơn cả năm trước.
Từ hiệu ứng VITM, các hãng lữ hành tiếp tục cùng với các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng sản phẩm kích cầu cho các mùa du lịch Tết, 30/4, 2/9. Tổng cục Du lịch cũng đã phát động phong trào “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” để kích cầu du lịch nội địa.
Kích cầu du lịch vì thế đã trở thành điều tất yếu của du lịch, chứ không chỉ là một vài phong trào nhỏ lẻ mang tính sự kiện nữa.
Cần cơ chế để kích cầu bền vững
Chỉ hơn 1 tháng nữa mùa du lịch 2016 bắt đầu. VITM 2016 cũng bắt đầu khởi động với hứa hẹn trao hàng nghìn sản phẩm khuyến mãi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, để mang đến thêm cơ hội đi du lịch giá “mềm” cho du khách, cần một cách làm bền vững.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VITM 2016 cho biết, Hội chợ sẽ tiếp tục tập trung vào phục vụ người dân bên cạnh việc tạo cơ hội gặp gỡ đối tác của các nhà cung cấp và quảng bá tại chỗ cho du lịch Việt.
“Sẽ có hàng nghìn sản phẩm tour kích cầu, vé máy bay của 11 hãng hàng không, hàng nghìn khách sạn tại VITM dành cho người đi du lịch.
Chưa kể, VITM online sẽ cung cấp liên tục các sản phẩm đến với người đi du lịch. Thay vì phải tới tận nơi xếp hàng, chen chúc, khách hàng chỉ cần truy cập vào VITMonline để xem và so sánh xem các dịch vụ, sản phẩm, vé máy bay nào đang bán có mức giá hấp dẫn nhất, nơi nào đang bán, số lượng… và có thể đăng ký mua online luôn”, ông Bình chia sẻ.
Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ khác như ngân hàng, viễn thông, vận tải… cũng đã bắt tay với du lịch để chăm sóc cho khách hàng của mình và tìm kiếm khách hàng tiềm năng, mở rộng thị phần.
Đây là điều đáng mừng cho du lịch Việt Nam, vì với sự bắt tay này, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đã tiến gần hơn tới khách hàng để đáp ứng nhu cầu đi du lịch của họ.
Tổng lượng khách nội địa tăng mạnh mẽ trong những năm qua chính là con số hùng hồn nhất để chứng tỏ nhận định này. Gần 58 triệu lượt khách du lịch nội địa năm 2015 với 328.000 tỷ đồng doanh thu chính là cứu cánh về doanh thu cho du lịch Việt Nam trong thời điểm du lịch quốc tế đang sa sút.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, mặc dù đã có nhiều thay đổi rất đáng ghi nhận, nhưng lượng vé máy bay, tour du lịch, phòng khách sạn tung ra trong dịp tổ chức VITM hàng năm vẫn chỉ là "muối bỏ bể" so với nhu cầu của du khách Việt. Điều đó cho thấy, các nhà cung cấp dịch vụ cần tiếp tục ngồi lại với nhau nhiều hơn, thường xuyên hơn.
Không chỉ có vé máy bay, khách sạn, các nhà cung cấp dịch vụ khác như vận tải đường bộ, đường thủy, nhà hàng ăn uống, mua sắm, dịch vụ giải trí, điểm đến cũng cần ngồi lại với doanh nghiệp lữ hành để cùng có chính sách hợp lý kích cầu du khách và hỗ trợ giảm giá tour cho lữ hành.
Dù rất hiệu quả, VITM vẫn là câu chuyện thời điểm. Sự phối hợp của một số nhà cung cấp dịch vụ với các hãng lữ hành chưa trở thành "chuyện thường ngày". Điều này chắc chắn trong tương lai gần sẽ chưa thể thay đổi câu chuyện về giá của du lịch Việt Nam nếu chính sách về thuế đất, giá điện nước cho cơ sở lưu trú, chính sách visa còn khó khăn chưa thay đổi.
Nguyệt Hà
chính phủ
|