Mũi tên chưa trúng đích
Trước khi đưa sàn giao dịch vận tải VinaTrucking (sanvantaiviet.vn) vào hoạt động, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kỳ vọng sàn giao dịch này sẽ là mũi tên trúng nhiều đích: giúp doanh nghiệp giảm xe chạy rỗng một chiều, giảm giá cước vận tải, giảm chi phí logistics, giảm ô nhiễm môi trường… Thế nhưng qua gần ba tháng giao dịch, số lượng doanh nghiệp tham gia là rất ít.
Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng khi đưa sàn giao dịch vận tải Vina Trucking vào hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp giảm xe chạy rỗng một chiều, giảm giá cước vận tải, giảm chi phí logistics, giảm ô nhiễm môi trường...Ảnh: THÀNH HOA
|
Kể từ khi đăng ký trên sàn giao dịch vận tải, tính đến nay đã gần ba tháng, bà Phương, chủ một doanh nghiệp vận tải tư nhân chỉ nhận được vỏn vẹn hai cuộc điện thoại của chủ hàng. Rồi qua hai cuộc điện thoại đó, chủ hàng cũng bặt tin, giao dịch thất bại. Qua dò hỏi, bà Phương cho rằng dường như các chủ hàng chưa tin tưởng hình thức giao dịch qua mạng. Một số động thái liên hệ chỉ là để tham khảo, thăm dò giá cả để đi đến sự lựa chọn khác.
Cũng từng đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch vận tải, ông Thông, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM, cho biết kể từ khi đăng ký đến nay, số lượng giao dịch thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việc ông duy trì tài khoản trên sàn giao dịch chỉ... để đó thôi chứ ông không kỳ vọng nhiều vào kênh giao dịch này.
Quả thật khi truy cập vào sàn giao dịch này, chúng tôi nhận thấy lượng lô hàng và số doanh nghiệp vận tải mới đăng ký trong vòng một tuần trở lại đây là rất ít. Cụ thể chỉ có bốn lô hàng đăng ký vận chuyển còn hiệu lực và năm doanh nghiệp vận tải có nhu cầu chở hàng. Theo thống kê của sàn giao dịch, tính đến ngày 22-2 mới chỉ có 325 thành viên đăng ký tài khoản giao dịch trên sàn, trong đó có 66 chủ hàng, 228 chủ xe, tuy nhiên, chỉ có 103 giao dịch được thực hiện.
Cách tham gia sàn giao dịch vận tải
Để tham gia vào sàn giao dịch vận tải VinaTrucking (sanvantaiviet.vn), doanh nghiệp vận tải và chủ hàng cần phải đăng ký là thành viên của sàn trước khi thực hiện giao dịch. Khi đã có tài khoản, chủ xe hoặc chủ hàng chỉ cần truy cập vào sàn để ghi nhận lại mã số chuyến xe hay chuyến hàng mình lựa chọn rồi gửi thông tin yêu cầu cho chủ xe hoặc chủ hàng và có thể chào giá cước mình mong muốn cho đối tác. Nếu đối tác đồng ý sẽ có phản hồi bằng e-mail hoặc tin nhắn, sàn giao dịch sẽ thông báo cho các bên liên quan và đề xuất hình thức giao dịch. Hiện tại việc đăng ký và giao dịch qua sàn không phải mất phí, sàn giao dịch chỉ thu phí nếu tổ chức đấu thầu khối lượng vận tải lớn
|
Trao đổi với TBKTSG, ông Tạ Công Thuận, Tổng giám đốc sàn giao dịch VinaTrucking, thừa nhận lượng giao dịch trên sàn chưa nhiều, có thể là vì sàn mới hoạt động một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp còn chưa biết đến sự hiện diện của sàn. Cũng theo ông Thuận, lâu nay, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm khách hàng và kinh doanh theo phương cách truyền thống, chưa có thói quen giao dịch trên trang web, cần có thời gian để cho họ thay đổi thói quen. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông để doanh nghiệp biết nhiều hơn về sàn giao dịch này, đồng thời, lắng nghe góp ý để có những cải tiến”, ông nói.
Một số doanh nghiệp đã giao dịch trên sàn vận tải cho biết việc bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký tài khoản mới được giao dịch trên sàn khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà. Một hạn chế nữa là sàn giao dịch chưa công khai giá vận chuyển mà chủ lô hàng đề xuất để doanh nghiệp dựa vào đó xem mức giá trả cho dịch vụ có phù hợp hay không, nếu phù hợp thì doanh nghiệp liên hệ chủ hàng để vận chuyển, còn không thì đỡ tốn thời gian giao dịch.
Ông Khánh, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM, góp ý là sàn nên công khai cả giá đề nghị của chủ hàng cũng như giá yêu cầu của doanh nghiệp vận tải. Khi đó, chỉ cần truy cập vào sàn, hai bên thấy mức giá cả phù hợp thì liên hệ với nhau. Còn như hiện tại, giá cả được giấu kín làm mất thời gian giao dịch của cả hai bên.
Tuy nhiên, theo ông Thuận, việc bắt buộc doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên sàn giao dịch kèm theo giấy phép kinh doanh vận tải (đối với doanh nghiệp vận tải) là nhằm xác thực thông tin về năng lực của bên vận tải cũng như nhu cầu vận tải của chủ hàng là có thật hay không. Trong trường hợp xảy ra các tranh chấp thì có cơ sở để giải quyết. Việc khai báo này là rất quan trọng vì sau này, sàn giao dịch vận tải có thể thực hiện cả các chức năng khác như khai báo hải quan, đại lý bảo hiểm hàng hóa...
Trước khi đưa sàn giao dịch vận tải vào hoạt động, Bộ GTVT kỳ vọng sàn giao dịch này sẽ là mũi tên trúng nhiều đích. Thị trường vận tải sẽ được công khai minh bạch về giá, doanh nghiệp vận tải trên cả nước có điều kiện tiếp xúc với chủ hàng để ký kết hợp đồng cho chiều đi và chiều về, giảm xe chạy rỗng một chiều, giảm chi phí nhiên liệu, giảm giá cước vận tải, kéo giảm chi phí logistics. Hiện nay, chi phí cho vận tải đường bộ chiếm đến 58% trong chuỗi cung ứng. Mặt khác, khi lượng xe chạy trên đường giảm sẽ góp phần giảm nguy cơ tai nạn giao thông, giảm lượng khí thải ra môi trường. Thế nhưng với thực tế trên sàn giao dịch hiện nay, dường như “mũi tên” mà Bộ GTVT kỳ vọng chưa đi trúng đích.
Lê Anh
tbktsg
|