Hơn nửa triệu dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt
Ngoài việc người dân bị thiếu nước, hàng trăm ngàn hecta lúa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn gây ra.
Sáng nay, 7-3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL về công tác phòng, chống xâm nhập mặn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết tổng diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay là 139.000 ha. Trong đó, có 86.000 ha bị thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000 ha thiệt hại từ 30-70% năng suất và 9.800 ha thiệt hại dưới 30% năng suất. Đối với vụ hè thu, nếu tình hình khô hạn kéo dài đến tháng 6-2016 thì toàn vùng sẽ có 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước.
Lúa chết trên đồng do mặn xâm nhập ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Khánh
|
“Các vùng chịu ảnh hưởng của nước mưa, phải chờ mưa và đủ nước rửa mặn mới xuống giống được ở khu vực ven biển đến 70 km thuộc Long An (phía Nam), Tiền Giang (phía Đông), Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, Duyên Hải), Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm), Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hoà Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai), Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng) và Cà Mau. Tổng cộng có khoảng 350.000 ha”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Ngoài ra, qua thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, tại tỉnh Bến Tre hiện nay chỉ còn 4 xã của huyện Chợ Lách là có nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Do hạn hán, nguồn nước cạn kiệt, nhiều khu vực đang nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt và 2 cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị:“Ưu tiên nguồn nước ngọt cho cấp nước sinh hoạt, những nơi có cống nước thì kéo ống cấp nước cho dân, nơi không có điều kiện thì chuyên chở cho dân. Đối với vụ hè thu, nếu những nơi nào chưa có mưa hoặc nguồn nước ngọt đổ về và bị mặn tấn công thì không nên xuống giống”.
Ca Linh
người lao động
|