MobiFone chờ gì ở AVG?
Trước Tết Bính Thân, MobiFone đã bắt đầu để logo của MobiFone trên logo của AVG trên các kênh truyền hình của AVG. Động thái này cho thấy MobiFone đang gấp rút hoàn tất thâu tóm AVG, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra đối với thương vụ này.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT-TT cách đây không lâu, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, MobiFone đang triển khai tiếp quản nhân sự, kỹ thuật và tài chính của AVG. Sắp tới, MobiFone sẽ tích hợp truyền hình của AVG vào các lĩnh vực kinh doanh của MobiFone. Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho MobiFone được kinh doanh lĩnh vực này.
Giải pháp tối ưu?
Trước đó, MobiFone đã ra thông báo công bố thông tin chính thức mua cổ phần tại AVG và lấn sân sang kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Có nguồn tin cho rằng MobiFone mua đến 95% cổ phần của AVG. Tuy nhiên giá trị hợp đồng và tỉ lệ sở hữu giữa MobiFone và AVG chưa được tiết lộ. MobiFone cho rằng, đây là bước đi quan trọng, cụ thể hoá 4 lĩnh vực trong chiến lược kinh doanh của MobiFone là: di động – bán lẻ – truyền hình – đa phương tiện.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ TT-TT, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết: “MobiFone sẽ đầu tư hạ tầng để cung cấp dịch vụ truyền hình, đồng thời sẽ tham gia vào Đề án số hóa truyền hình của Chính phủ. Việc đầu tư phát triển dịch vụ truyền hình sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh của MobiFone trên thị trường”.
Thông điệp của MobiFone là khá rõ ràng nhưng việc chọn AVG có phải là giải pháp tối ưu cho các mục tiêu mà doanh nghiệp này hướng tới?
Truyền hình AVG chính thức phát sóng từ cuối năm 2011. Thời điểm đó, lãnh đạo AVG giới thiệu là công nghệ truyền hình tiên tiến nhất thế giới trong việc truyền dẫn, phát sóng và là đơn vị đầu tiên của châu Á thử nghiệm thành công và triển khai áp dụng trên diện rộng. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, nhiều đài truyền hình như VTV, Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV)… cũng đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2) như AVG. Mặt khác AVG chỉ là nhà cung cấp dịch vụ và xây dựng hạ tầng truyền hình nên không được độc lập đứng tên làm chủ các kênh truyền hình và tự chủ sản xuất nội dung mà phải liên kết với các đài phát thanh và truyền hình để sản xuất. Lợi thế lớn nhất của AVG đó là khoảng hơn 400.000 thuê bao. Tuy nhiên nếu so sánh với tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền hiện nay và so với các doanh nghiệp lớn về truyền hình trả tiền thì lượng thuê bao của AVG cũng gần như là thấp nhất.
Trong khi đó, MobiFone đặt mục tiêu làm truyền hình khác với các nhà đài khác trên thị trường như VTVcab, K+ hay như Viettel mà sẽ xây dựng truyền hình như một phần trong “dải sinh thái” phục vụ hơn 40 triệu khách hàng đang sử dụng mạng MobiFone hiện có. Đó sẽ là một kênh truyền hình kết hợp viễn thông theo công nghệ mới nhất. Cách kinh doanh và khai thác của MobiFone sẽ không giống như truyền hình trả tiền là hiện gần như phụ thuộc lớn vào phí thuê bao mà “rất có thể nhiều dịch vụ sẽ miễn phí”. Bên cạnh đó, MobiFone sẽ có cả thu phí dịch vụ và cung cấp truyền hình qua mobile. MobiFone kỳ vọng rằng: chỉ cần mỗi thuê bao trong 40 triệu thuê bao của MobiFone trả mỗi tháng trả 1USD sẽ là một con số khổng lồ. Vì vậy Về phương thức, có vẻ như MobiFone đang có hướng tiếp cận khác với những gì mà AVG đang triển khai.
Câu hỏi đặt ra là vì sao MobiFone không tự xây dựng hạ tầng mà lại mua lại AVG, trong khi việc xây dựng này không khó khăn? Câu trả lời AVG có lẽ chỉ là một phần trong kế hoạch triển khai truyền hình của Mobifone.
Hiện MobiFone là DN 100% vốn nhà nước, nếu thương vụ này được thực hiện trước khi MobiFone cổ phần hóa, thì MobiFone phải tuân theo quy định quản lý tài chính của DN Nhà nước.
|
Đáng giá bao nhiêu?
Bên cạnh các yếu tố về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thì giá mua AVG bao nhiêu cũng là nội dung được nhiều người quan tâm. Câu trả lời sẽ chính xác nhất nếu đến từ lãnh đạo MobiFone. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thông tin này vẫn chưa được công bố..
Về phương thức, MobiFone cũng chưa công bố rõ là sẽ trả tiền mặt hay bằng cách “hoán đổi” cổ phần và không rõ thương vụ này sẽ hoàn tất trước thời điểm MobiFone cổ phần hoá hay sau cổ phần hoá. Bởi hiện MobiFone là DN 100% vốn nhà nước, nếu thương vụ này được thực hiện trước khi MobiFone cổ phần hóa, thì MobiFone phải tuân theo quy định quản lý tài chính của DN Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sau đó sẽ được tiến hành. Còn nếu mua sau cổ phần hóa sẽ phải được sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông, thủ tục, quy trình sẽ phức tạp hơn.
Với những động thái đang triển khai, MobiFone cho thấy quyết tâm hoàn tất thương vụ mua AVG trong tương lai gần. Tuy nhiên liệu đây có phải là giải pháp tối ưu khi mà những nền tảng AVG hiện có không quá tương thích và không tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho các mục tiêu mà MobiFone đề ra. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thương vụ hoàn tất AVG có lẽ có lợi hơn cả bởi nếu AVG đứng một mình như hiện nay chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh vẫn phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các “ông lớn” như SCTV và VTVcab và sự trỗi dậy của truyền hình cáp quang từ các đại gia viễn thông như VNPT, Viettel, FPT. Vì vậy thương vụ hoàn tất sẽ giúp AVG thoát khỏi tình trạng sa lầy bi bết như hiện nay.
Phan Nam
dđdn
|