Hoàn thuế: 20 năm vẫn... mệt nhoài
Thuế giá trị gia tăng được ban hành gần 20 năm trước và việc hoàn thuế đã thực hiện từ năm 1999, khoảng thời gian quá dài để hoàn thiện quy trình này. Thế nhưng qua nhiều lần sửa luật, đến nay xã hội vẫn bức xúc về việc hoàn thuế.
Ở từng thời điểm, nỗi bức xúc có tên gọi khác nhau, vài năm gần đây là chiếm dụng vốn của doanh nghiệp (“Không có tiền lấy đâu hoàn thuế”, Tuổi Trẻ ngày 5-3).
Chiếm dụng vốn nhưng ngành tài chính lại chậm xử lý, để bất công kéo dài, xem như là mặc nhiên được làm như thế. Cơ quan thuế được phạt 0,05%/ngày nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế nhưng ngược lại Bộ Tài chính chẳng phải trả đồng nào cho số tiền chiếm dụng của người nộp thuế.
Quỹ hoàn thuế được lập từ nguồn thu thuế, do bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền cho tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quản lý. Quỹ không còn tiền hoàn thuế là trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Không được hoàn thuế đúng hạn, thiếu vốn, doanh nghiệp phải vay ngân hàng và phải trả lãi, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Hậu quả của tình trạng này còn làm thui chột động lực kinh doanh, gây ức chế cho doanh nghiệp. Bởi mục đích của hoàn thuế là giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, khuyến khích xuất khẩu và đầu tư mở rộng sản xuất.
Chậm hoàn thuế, các mục tiêu trên không đạt được, doanh nghiệp phải làm chủ nợ bất đắc dĩ, có tiền mà vẫn là con nợ...
Chưa kể việc chiếm dụng vốn của doanh nghiệp có lúc làm “méo mó” những số liệu về thu - chi cũng như bội chi ngân sách bởi có hàng chục ngàn tỉ đồng thuế do doanh nghiệp tạm nộp vào ngân sách nhưng vẫn được ghi vào “thu ngân sách” và tất nhiên sẽ dùng vào “chi ngân sách” nhưng thật ra khoản này phải trả lại cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nỗ lực để bớt đi những phức tạp trong thủ tục hoàn thuế nhưng cũng không thể quên những tồn tại trong quản lý và hoàn thuế giá trị gia tăng. Đó là những chuyện dài không êm ả. Khi thì hàng trăm tỉ đồng của ngân khố quốc gia bị hoàn cho những người lừa đảo.
Tiếng kêu thủ tục hoàn thuế nhiêu khê chưa bao giờ dứt, cái khó luôn được đẩy về người nộp thuế khiến nhiều người phải thốt lên rằng thuế chỉ có vào chứ không có ra, lấy tiền của ông tài chính còn “khó hơn đi bộ trên mặt nước”.
Đề xuất Bộ Tài chính phải trả lãi cho số tiền đang chiếm dụng của doanh nghiệp là chính đáng. Nhưng tốt nhất không nên có chuyện nợ tiền hoàn thuế và việc hoàn thuế phải thật sự là động lực khuyến khích sản xuất kinh doanh.
Chỉ có đưa ra giải pháp đột phá để xử lý trọn gói như ngành giao thông vận tải đã mạnh tay chấn chỉnh nạn xe chở quá tải, như ngành ngân hàng kiên trì dẹp “loạn” giá vàng - giá USD và chống đôla hóa trong nền kinh tế... thì chuyện hoàn thuế mới không còn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp.
Đành rằng xới ra thì lắm việc phải làm, vất vả, đụng chạm, thậm chí gây khó khăn cho việc điều hành. Nhưng làm được vậy, mọi vấn đề tồn tại, lưu cữu nhiều năm mới được mang ra mổ xẻ, giải quyết tận gốc để một ngày nào đó doanh nghiệp thở phào tạm gác hồ sơ “đau đầu, mệt nhoài vì hoàn thuế”.
Còn tiếp tục giải quyết theo sự vụ thì tiếng kêu về hoàn thuế của hàng chục ngàn doanh nghiệp vẫn kéo dài, khó mà cải thiện được môi trường kinh doanh, đi ngược lại chủ trương nỗ lực khuyến khích làm ăn, đầu tư.
THANH TUYỀN
Tuổi trẻ
|