Thứ Sáu, 26/02/2016 10:31

Làm được 10 đồng, thuế “ăn” 4 đồng

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tổng thuế mà doanh nghiệp phải nộp chiếm tới gần 39,4% lợi nhuận.

Đóng nhiều loại phí, thuế khiến doanh nghiệp khó khăn về vốn để mở rộng đầu tư - Ảnh: Thanh Tùng

Mặc dù thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 25% về 22% nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng thuế mà doanh nghiệp phải nộp vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực, tới gần 39,4% lợi nhuận...

Trong báo cáo Doing Bussiness 2016 vừa được WB công bố, doanh nghiệp VN phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác...

Thuế “ăn” hết lợi nhuận

Bà Nguyễn Minh Thảo - phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho biết theo báo cáo 2016 của WB, tỉ trọng thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp VN đã giảm nhẹ so với báo cáo năm 2015 nhưng vẫn đứng ở mức khá cao, lên tới 39,4% lợi nhuận để nộp thuế. Và theo cách tính của WB, các khoản được xem là thuế bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... “Đó là chưa kể thuế VAT đã không được WB tính vào” - bà Thảo cho biết.

Cũng theo bà Thảo, dù tỉ trọng thuế trên lợi nhuận mà doanh nghiệp VN phải nộp thấp hơn một số nước như Mỹ, Trung Quốc... nhưng cao hơn rất nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỉ lệ này tại Singapore là 18,4%, Thái Lan cũng chỉ khoảng 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%... “Hàn Quốc là nước phát triển và có cách tính thuế phức tạp nhưng tổng thu thuế cũng chỉ chiếm 33% lợi nhuận của doanh nghiệp” - bà Thảo nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tổng số thuế phải nộp trên lợi nhuận tại VN lên đến gần 40% là do mức nộp vào Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) quá cao, lên tới 18%.

Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ bảo hiểm phải nộp tại VN quá cao là do Quỹ BHXH chỉ mới được thành lập vào năm 1994 nhưng bắt đầu chi lương hưu từ năm 1995 cho những người nghỉ hưu trí trước thời điểm này, tức là những người chưa bao giờ hoặc chỉ mới đóng BHXH.

“Đây là lý do khiến BHXH phải dần tăng thu để bù đắp và mức hiện nay là quá cao đối với doanh nghiệp” - ông Xoa nói. Chưa hết, theo các chuyên gia, dù thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm nhưng nhiều sắc thuế khác lại tăng. Chẳng hạn, thay vì giảm thuế theo lộ trình hội nhập, thuế suất thuế môi trường tại VN đã tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít xăng, tức tăng đến 300%. Đặc biệt, một khoản đóng góp khác cũng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu là quỹ công đoàn.

Cụ thể, kể từ năm 2013, theo Luật công đoàn (2012), tất cả doanh nghiệp đều phải đóng phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động, thay vì chỉ những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới phải đóng phí như trước. Khoản đóng góp này cũng là một gánh nặng của doanh nghiệp.

“Công đoàn phải hoạt động từ đoàn phí công đoàn. Nếu tổ chức này mang lại lợi ích thực sự, người lao động sẽ tự nguyện tham gia và đóng phí, đằng này lại buộc doanh nghiệp phải chịu thêm khoản đóng góp này” - một chuyên gia nói.

Doanh nghiệp “kiệt sức”

Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, cho biết dù thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm so với năm trước, nhưng năm nay doanh nghiệp cũng chẳng dễ thở hơn chút nào vì mức đóng BHXH theo quy định mới làm chi phí của doanh nghiệp bị đội lên rất cao. Cụ thể, với việc gộp cả phụ cấp vào lương để đóng BHXH thay vì chỉ đóng BHXH theo lương như trước, áp dụng từ năm 2016, số tiền BHXH mà Garmex phải nộp cho khoảng 4.300 lao động đang làm việc tại công ty đã bị thêm 6,7 tỉ đồng so với quy định cũ.

Và đến năm 2018, nếu áp dụng việc đóng BHXH theo mức lương thực trả (bao gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), mức đóng BHXH của doanh nghiệp này sẽ tăng lên xấp xỉ 19 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với mức đóng trước đó!

“Lợi nhuận của doanh nghiệp làm được đã bị bào mòn hết thì làm gì còn kinh phí trích ra để tái đầu tư, thay đổi trang thiết bị” - ông Hùng nói.

Chưa hết, các khoản khác đang “ăn theo” mức đóng BHXH cũng bị phình ra, như phí công đoàn phải đóng 2% trên quỹ tiền lương, càng làm cho doanh nghiệp mất đi khả năng cạnh tranh, vốn đang rất kém so với các nước có cùng lĩnh vực sản xuất.

Tương tự, tổng giám đốc một công ty sản xuất giấy cho biết trước phải chi 863 triệu đồng/tháng để đóng BHXH cho gần 1.100 lao động, nhưng hiện nay phải đóng đến 1,46 tỉ đồng/tháng, tăng gần 70%. “Doanh nghiệp chắt chiu từng đồng lợi nhuận một, phải cắc củm để dành nhiều năm mới có kinh phí mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường hoạt động marketing. Nhưng các khoản phí, lệ phí cứ tăng vù vù như vậy làm sao doanh nghiệp còn động lực để phát triển” - vị này nói.

Trong khi đó, ông L.N.V., phó tổng giám đốc Công ty giày HĐ (Bình Dương), cho biết kế hoạch đầu tư mở rộng thêm phân xưởng sản xuất giày, trị giá gần 12 tỉ đồng, để cung ứng cho thị trường xuất khẩu lẫn nội địa trong năm nay đã bị công ty tạm thời đình lại do chi phí phát sinh nhiều, trong đó việc điều chỉnh lương, đóng BHXH theo quy định mới cộng các khoản đóng khác đã làm tăng thêm hơn 1 tỉ đồng/tháng so với trước.

“Chúng tôi vẫn đang tính toán lại, chưa biết khi nào kế hoạch mở rộng mới triển khai lại được. Cơ hội đón đầu TPP đã bị bỏ qua nhưng biết làm sao được bởi rủi ro từ chi phí phát sinh khá lớn” - ông V. cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng mức thu tới khoảng 40% lợi nhuận là quá lớn, vượt quá mức chịu đựng của các doanh nghiệp và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp VN giải thể, dừng hoạt động lên tới hàng chục ngàn/năm trong mấy năm khó khăn vừa qua. “Đóng đến 40% lợi nhuận thì lấy đâu ra mà tái đầu tư mở rộng sản xuất, có vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, con người...” - bà Lan nói.

Phải nuôi dưỡng nguồn thu

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, ngoài các khoản thuế, trong thực tế doanh nghiệp còn phải đóng góp hàng trăm loại phí khác, như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành (như một quả trứng gánh 14 loại phí đã được Quốc hội nêu), phí kiểm dịch... “Nếu tính cả các loại phí, mức thực tế doanh nghiệp phải đóng góp có thể không chỉ là gần 40% lợi nhuận mà còn cao hơn nhiều” - bà Thảo nêu. Do đó, theo bà Thảo, nhiều doanh nghiệp không thấy hấp dẫn khi mở rộng đầu tư là điều dễ hiểu.

Để nuôi dưỡng nguồn thu thay vì tận thu doanh nghiệp đến “kiệt sức”, bà Thảo cho rằng nếu không giảm được các khoản thuế do được quy định cứng trong luật, cơ quan quản lý cần rà soát, cắt giảm các khoản phí như đã làm với phí trên quả trứng gà. “Đặc biệt, phí kiểm tra chuyên ngành cần giảm đi. Đã là dịch vụ công, Nhà nước nên trả chứ không nên bắt doanh nghiệp phải chịu” - bà Thảo nói.

Trong khi đó, theo luật sư Trần Xoa, trong tỉ lệ đóng góp BHXH (18%) của doanh nghiệp, trừ 3% quỹ ốm đau và thai sản và 1% quỹ tai nạn lao động, 14% còn lại được nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Do đó, nếu Nhà nước chịu phần chi cho những người chưa đóng hoặc mới đóng BHXH (trước thời điểm có Quỹ BHXH), phần đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của doanh nghiệp có thể chỉ từ 7-10%, thay vì 14% như hiện nay, doanh nghiệp sẽ được giảm đáng kể khoản phải nộp.

Tổng giám đốc một công ty giấy tại quận 1, TP.HCM cũng cho rằng với mức đóng góp cho ngân sách như hiện nay, doanh nghiệp VN rất khó cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, với thuế suất dành cho hàng nhập khẩu giảm mạnh. “Với việc các khoản thu bắt buộc tăng cao khiến doanh nghiệp còn ngân sách đâu mà đổi mới công nghệ, đầu tư mới sản phẩm để cạnh tranh, thậm chí để tồn tại cũng đã khó rồi. Do đó, Nhà nước cần xem xét giảm bớt các khoản đóng góp của doanh nghiệp, trước hết là phí...” - vị này đề nghị.

Theo ông Lê Khánh Lâm - phó tổng giám đốc Công ty tư vấn thuế RSM DTL, với việc ký kết hàng loạt hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là TPP, VN đang đứng trước những cơ hội, tạo được sự quan tâm cho nhà đầu tư.

Nếu tỉ lệ đóng góp của VN quá cao sẽ làm nản lòng nhà đầu tư hoặc khiến họ do dự và thận trọng hơn trong những quyết định đầu tư của mình. Do đó, theo ông Lâm, ngoài việc cắt giảm các loại phí, cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp kéo giảm tỉ lệ thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, theo ông Lâm, trong thời gian tới cần tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tỉ lệ đóng góp bảo hiểm kể cả về phía người lao động lẫn người sử dụng lao động, thay vì tăng tỉ lệ đóng BHXH như lộ trình...

“Có như vậy, doanh nghiệp Việt mới có cơ hội tồn tại và phát triển, chứ không phải liên tục thu hẹp và dần rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại như hiện nay” - ông Lâm nói.

* Bà Nguyễn Minh Thảo (phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Cần dựa trên sức chịu đựng của người dân

Việc đóng BHXH quá cao cũng khiến cho chính người lao động có nguy cơ bị mất quyền lợi do doanh nghiệp muốn trốn khoản này hoặc tìm mọi cách lách.

Tại các nước có lương cao, người lao động cũng muốn đóng BHXH nhiều để sau này lương hưu cao. Nhưng ở VN, lương của phần lớn người lao động còn chưa đủ lo cho hiện tại, nên áp đặt mức cao thì tâm lý không thích, thậm chí tránh là dễ hiểu.

Đó là chưa kể công việc họ cũng bấp bênh, làm công nhân khu công nghiệp lương thấp, khó ai làm đến già để hưởng lương hưu. Vì vậy, các bộ ngành liên quan cần có nghiên cứu xem có thể giảm phần đóng góp hay không.

* Ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính):

Thuế phải để cho doanh nghiệp “sống” được

Trong khi mức đóng góp của các doanh nghiệp FDI tại VN có thể thấp hơn con số 40% như báo cáo được WB công bố, nhờ được hưởng các chính sách ưu đãi khi đầu tư vào VN, các doanh nghiệp Việt lại có mức đóng góp thậm chí lớn hơn tỉ lệ công bố bởi nhiều khoản phí không tên khác.

Do đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt đã bị ảnh hưởng ngay tại sân nhà, chứ chưa nói đến ở “sân khách” - nước ngoài, hay động lực đầu tư, mở rộng phát triển.

Điều đáng nói là không những không giảm, một số sắc thuế như thuế tài nguyên, thuế môi trường và cả khoản đóng BHXH... lại có chiều hướng tăng lên trong những năm gần đây. Chỉ riêng với thuế tài nguyên môi trường, tiếng là các doanh nghiệp khai thác tài nguyên phải nộp nhưng các công ty này cung cấp đầu vào cho nền kinh tế nên gián tiếp khiến giá bị đội lên, nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, hàng loạt chi phí khác cũng ảnh hưởng đến cả người dân lẫn doanh nghiệp. Đó là giá nhà đất ở VN cao khiến chi phí thuê mặt bằng ở VN rất cao, lãi suất cho vay tại VN gấp nhiều lần các nước, bản thân người lao động phải chi phí nhiều tiền cho thuê nhà cũng khiến mức lương theo xu hướng tăng.

Hiện tượng doanh nghiệp “chết” hàng loạt trong những năm gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, có một phần nguyên nhân từ thuế quá cao.

Trong thực tế, nếu trả đủ chi phí BHXH và y tế cho nhân viên, rất nhiều doanh nghiệp hiện không sống nổi chứ chưa nói tồn tại hay phát triển. Do đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã không đóng bảo hiểm cho nhân viên. Đơn cử, một doanh nghiệp xây dựng có hàng ngàn nhân công trên công trường nhưng nhân viên chính thức chỉ khoảng 300, còn lại thuê bên ngoài bởi doanh nghiệp không thể sống được nếu đóng bảo hiểm cho hàng ngàn lao động. Cũng do thuế quá cao, các doanh nghiệp đã tìm mọi cách để trốn thuế, “cả làng” trốn thuế bởi anh nào không trốn thì phá sản ngay vì không cạnh tranh nổi.

Tất nhiên, việc trốn thuế này còn do công tác quản lý thuế ở VN còn lỏng lẻo. Do đó, cần sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm công chức nhà nước để giảm chi phí cho bộ máy này, tiến tới giảm thu cho doanh nghiệp. Có như vậy doanh nghiệp mới sống được, mới làm ăn đàng hoàng được.

C.V.Kình


C.V.Kình - Tr.V.Nghi - A.Hồng - Tr.Hà

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Cần minh bạch về xóa nợ thuế (03/03/2016)

>   Miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia nước ngoài từ 1/5 (24/02/2016)

>   Đề nghị xóa 13.064 tỉ đồng nợ thuế cho doanh nghiệp (29/02/2016)

>   Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá với đá granite nhập khẩu từ Việt Nam (23/02/2016)

>   Đề xuất giảm thuế cho lọc dầu Dung Quất (23/02/2016)

>   Chất vấn Thủ tướng về “ba chưa” trong quản lý vốn trái phiếu (19/02/2016)

>   Quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước (16/02/2016)

>   Công ty con của OCH bị Cục Thuế Hà Nội nêu tên nợ thuế 103 tỷ đồng (15/02/2016)

>   Hà Nội công bố tiếp 118 đơn vị nợ thuế gần 353 tỷ đồng (15/02/2016)

>   "Trong năm 2016 tỷ lệ thu hồi nợ thuế sẽ cao hơn năm trước" (14/02/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật