Bộ Tài chính lên tiếng vụ "Làm được 10 đồng, thuế “ăn” 4 đồng"
Ngày 26/02/2016, Chuyên mục “Vấn đề nóng” tại trang 6 Báo Tuổi trẻ có đăng bài viết “Làm được 10 đồng, thuế “ăn” 4 đồng”, trong đó phản ánh việc doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế là quá lớn, vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao.
Về nội dung bài báo trên, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Trong nội dung của bài viết có đề cập tới chính sách thu từ thuế thuộc lĩnh vực tài chính bên cạnh các khoản đóng góp của doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn thuộc lĩnh vực lao động, lĩnh vực y tế và chủ yếu là vấn đề tăng mức thu của các khoản đóng góp này trong thời gian qua. Nhưng với tiêu đề chung của bài viết “Làm được 10 đồng, thuế “ăn” 4 đồng” dẫn đến cách hiểu tỷ lệ thu thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp tại Việt Nam ở mức cao là chưa đúng, cần phải được phân tích, tách bạch để có cách hiểu chính xác như sau:
1. Đối với thuế, phí trong lĩnh vực tài chính, là khoản huy động của Nhà nước từ doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội nhằm phục vụ tài chính cho các hoạt động của Nhà nước và mang tính chất hoàn trả gián tiếp.
a) Để so sánh tương quan giữa các quốc gia, thường sử dụng tiêu chí về tỷ lệ % giữa số huy động từ thuế, phí tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). So với các nước, việc xây dựng, tính toán số thu ngân sách ở Việt Nam có đặc thù cần lưu ý khi so sánh về mức độ động viên ngân sách của Việt Nam với các nước, cụ thể như sau:
- Hiện nay, số thu ngân sách từ thuế, phí của nhiều nước theo số liệu được tổ chức quốc tế tổng hợp và công bố thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền trung ương do hệ thống ngân sách của các nước này có sự độc lập giữa các cấp ngân sách. Trong khi đó, hệ thống ngân sách của Việt Nam bao gồm 4 cấp: trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Vì vậy số thu ngân sách được công bố, công khai hàng năm luôn bao gồm nguồn thu của tất cả 4 cấp ngân sách trong hệ thống ngân sách (tức là bao gồm cả Trung ương và địa phương).
- Về các chỉ tiêu trong tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, theo phương thức thống kê thu ngân sách của Việt Nam thì nguồn thu từ dầu thô, từ quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng được tính chung vào nguồn thu ngân sách, trong đó riêng thu từ dầu thô đang được xếp vào khoản thu từ thuế như thu từ các sắc thuế khác. Tuy nhiên xét về bản chất thì các khoản thu này không mang tính chất là khoản động viên từ nền kinh tế. Ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu “từ vốn” (thu từ bán tài nguyên quốc gia) và không được tính vào nguồn thu ngân sách như là khoản động viên từ thuế, phí. Ví dụ như trường hợp của Trung Quốc, nguồn động viên ngân sách không thể hiện các khoản thu từ dầu thô, thu từ đất đai, thu từ bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước như ở Việt Nam.
Do đó, để đảm bảo tính chính xác, phản ánh đúng thực tế thì việc so sánh về tỷ lệ thu ngân sách nhà nước tính trên GDP ở Việt Nam với các nước cần phải dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất. Theo số liệu thống kê thì tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23.3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20.9%. Trong khi tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của một số nước trong khu vực giai đoạn 2011-2015 như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16.6%, Lào 23.4%, Malaysia là 24.5%, Ấn Độ là 19.5%...
Nếu chỉ so sánh riêng tỷ lệ huy động từ thuế, phí tính trên GDP thì với những đặc thù về cơ cấu thu và phương thức hạch toán thu ngân sách có sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước như phân tích ở trên thì nguồn số liệu ngân sách ở Việt Nam được sử dụng để so sánh với các nước cần phải loại trừ các khoản thu có tính chất khác biệt, các khoản thu có bản chất “thu từ vốn” và không mang tính chất động viên từ hoạt động kinh tế. Cụ thể, tính trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015:
- Tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí (bao gồm cả thu từ dầu thô) ở Việt Nam khoảng 20.9% GDP.
- Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17.2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15.6%.
b) Tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần:
- Về thuế TNDN: Trong thời kỳ 10 năm từ 1999 đến 2009, thuế suất thuế TNDN đã được điều chỉnh giảm từ mức 32% năm 1999, mức 28% từ năm 2004 và 25% từ năm 2009 theo đúng chiến lược, lộ trình cải cách thuế. Mức thuế suất phổ thông từ 2014 là 22% và từ 1/1/2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%. Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philipine, Thái Lan; Trung Quốc 25%, Malaysia 25% thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp.
- Về thuế TNCN: Kể từ 01/01/2009, Luật thuế TNCN có hiệu lực, theo đó thuế suất thuế TNCN được quy định các mức từ 5%-35%, quy định mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 4trđ/tháng, cho mỗi người nộp thuế là 1.6 trđ/tháng. Từ 01/7/2013, Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 9trđ/tháng, cho mỗi người phụ thuộc lên 3.6 trđ/tháng. Đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, từ 01/01/2015, theo Luật số 71/2014/QH13 nộp thuế theo mức khoán trên doanh thu theo tỷ lệ phù hợp với từng ngành nghề sản xuất kinh doanh.
- Về thuế GTGT: hiện nay, mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10% (cùng với mức thuế suất 5% được áp dụng cho nhiều loại hàng hoá, dịch vụ). Theo thống kê về thuế suất thuế GTGT của 112 nước trên thế giới thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức 10%. Các nước xung quanh như Lào, Philipine, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%.
- Về thuế TTĐB: Đối tượng hàng hoá và dịch vụ chịu thuế TTĐB chủ yếu là những chủng loại mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu bia) hoặc việc tiêu dùng được tập trung vào những bộ phận có thu nhập cao (như ô tô, chơi gôn) hay những dịch vụ mang tính nhạy cảm về mặt xã hội (kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, casino). Quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tích cực trong việc hình thành một xu thế tiêu dùng xã hội lành mạnh; Khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn.
- Về thuế xuất - nhập khẩu: Kể từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hải quan thế giới và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do trong và ngoài khu vực. Theo đó, Việt Nam hàng năm đều thực hiện cắt giảm thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng nghìn dòng thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế. Tỷ trọng thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm (từ bình quân 9.51% giai đoạn 2005 -2010 giảm xuống còn bình quân 8.31% giai đoạn 2011-2014)
- Về các khoản thu đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn: thực hiện miễn, giảm nhiều khoản thu như miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền từ năm 2003 đến hết năm 2020, miễn thu thuỷ lợi phí.
- Về thuế bảo vệ môi trường (BVMT): Theo quy định tại Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015 của UBTVQH sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 về biểu thuế BVMT, có hiệu lực từ ngày 01/5/2015, mức thuế BVMT đối với xăng tăng từ 1,000 đồng/lít lên 3,000 đồng/lít (tăng 2,000 đồng/lít); các mặt hàng xăng dầu khác tăng lên tương ứng; riêng dầu hỏa giữ nguyên. Việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT nêu trên là đảm bảo nằm trong khung thuế BVMT do Quốc hội quy định và thuộc thẩm quyền của UBTVHQ; đồng thời là nhằm ứng phó với tình hình giá dầu giảm và duy trì ở mức thấp; khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5, E10); đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi giá dầu trên thế giới giảm và thực hiện cam kết quốc tế về thuế nhập khẩu.
Để việc tăng thuế BVMT không dẫn đến tăng tỷ lệ thuế trong giá bán xăng dầu cũng như tăng giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu cùng với việc điều chỉnh thuế BVMT (đã ban hành các Thông tư số 48/2015/TT-BTC ngày 13/4/2015, Thông tư số 61/2015/TT-BTC ngày 17/4/2015, Thông tư số 78/2015/TT-BTC ngày 20/5/2015).
- Về thuế tài nguyên: Mỗi chính sách thu hiện hành liên quan đến tài nguyên (trong đó có thuế tài nguyên) đều được gắn với mục tiêu điều chỉnh riêng, là công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân; Mức thuế suất thuế tài nguyên thể hiện mức độ điều tiết của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên.
Ngày 10/12/2015, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 về ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, thay thế Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13), trong đó đã điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số nhóm, loại tài nguyên. Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tại Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên; góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khi phải thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, đảm bảo bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế (Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên để thay thế cho thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế; Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế).
- Về thu phí, lệ phí: Mỗi khoản phí gắn với một dịch vụ cung cấp, doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ nào thì trả khoản phí tương ứng với dịch vụ được cung cấp.
Theo quy định của Luật phí và lệ phí đã được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017, sẽ có 26 khoản phí, 68 khoản lệ phí được bãi bỏ; 45 khoản phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá qua đó khuyến khích nguồn lực xã hội tham gia cung cấp dịch vụ công và cải cách thủ tục hành chính.
Hệ thống chính sách thuế trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách phân bổ nguồn lực, phân phối và phân phối lại theo hướng đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; đảm bảo nguồn thu quan trọng và ổn định cho ngân sách nhà nước, bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, minh bạch các hoạt động kinh tế, chống gian lận; thúc đẩy hạch toán kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; công tác tổ chức thu nộp và quản lý sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí được công khai, minh bạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; từng bước đổi mới cơ chế quản lý phí, lệ phí gắn với xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động cho các đơn vị quản lý thu nộp và sử dụng phí, lệ phí; phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực phí, lệ phí.
Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp do ảnh hưởng của suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới, từ năm 2008 đến năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ, trình Quốc hội quyết định và thực hiện nhiều giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh như: giảm và giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; miễn, giảm và giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp, người lao động là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của suy thoái kinh tế; miễn, giảm và giãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính...
Trong giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống thuế sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo đúng mục tiêu theo chiến lược cải cách đã đặt ra là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư. Theo đó, tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước và tỷ lệ động viên từ thuế phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý tăng khả năng cạnh tranh và tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Các khoản đóng góp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thì không thuộc về khoản huy động tài chính của nhà nước mà đây là các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm các chính sách an sinh cho bản thân người lao động, vì vậy bài báo gộp cả những khoản đóng góp này vào để cho rằng “thuế “ăn” là không chính xác. Cụ thể:
Việc đóng góp bảo hiểm xã hội nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết; hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn; việc đóng góp bảo hiểm y tế là nhằm chăm lo sức khoẻ, chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động khi ốm đau, bệnh tật, nhất là những người mắc bệnh nặng phải điều trị dài ngày với chi phí lớn. Còn khoản đóng góp kinh phí công đoàn chủ yếu là để sử dụng cho các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động tại doanh nghệp. Như vậy, các khoản đóng góp này mang tính chất hoàn trả trực tiếp cho người đóng bảo hiểm, đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Về công tác quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay kinh phí công đoàn được thực hiện bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…).
Để hỗ trợ doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) trong việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, về phía Bộ Tài chính, trong việc xây dựng chính sách về tài chính (đặc biệt là chính sách thuế) đã có quy định việc chi phí của doanh nghiệp để đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được tính vào khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; các dịch vụ bảo hiểm cũng không phải chịu thuế GTGT…/.
|