Công ty Trung Quốc “phá bĩnh” thương vụ Sheraton-Marriott
Nhóm công ty Trung Quốc trên được dẫn đầu bởi Anbang - công ty bảo hiểm đang có những bước tiến lớn vào lĩnh vực khách sạn...
Một khách sạn Sheraton thuộc Starwood - Ảnh: Guardian.
Chuỗi khách sạn Marrriott International đang gặp trở ngại mới trong nỗ lực mua lại đối thủ Starwood - tập đoàn sở hữu thương hiệu Sheraton - sau khi một nhóm công ty Trung Quốc bất ngờ đưa ra mức giá chào mua cao hơn.
Theo tờ báo Anh Guardian, nhóm công ty Trung Quốc trên được dẫn đầu bởi Anbang - công ty bảo hiểm đang có những bước tiến lớn vào lĩnh vực khách sạn.
Mới cách đây ít hôm, Anbang đã hoàn tất thỏa thuận trị giá 6,5 tỷ USD mua lại công ty khách sạn và nghỉ dưỡng Strategic Hotels & Resorts của Mỹ. Năm 2014, Anbang mua lại khách sạn Waldorf Astoria ở New York với giá khoảng 2 tỷ USD.
Ban đầu là một công ty bảo hiểm xe hơi cấp tỉnh, Anbang đã dần lớn mạnh và thâu tóm hàng loạt công ty bảo hiểm ở Hàn Quốc, Bỉ và Hà Lan, cũng như nhiều tòa cao ốc văn phòng ở Canada.
Mức giá mà nhóm công ty do Anbang dẫn đầu chào mua Starwood là 14 tỷ USD, bằng tiền mặt, tương đương 76 USD/cổ phiếu.
Trước đó, vào tháng 11/2015, Starwood đã nhất trí “bán mình” cho Marriott với mức giá 12 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại, do giá cổ phiếu Starwood giảm 6%, giá trị của thỏa thuận này chỉ còn 10,8 tỷ USD, tương đương 63,74 USD/cổ phiếu.
Cổ đông của Marriott và Starwood dự kiến sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận giữa hai bên vào ngày 28/3. Nếu được cổ đông thông qua, kết quả của thương vụ này sẽ là chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới với hơn 5.500 khách sạn.
Starwood, công ty có trụ sở tại Stamford, Connecticut, Mỹ, có khoảng 1.300 khách sạn tại khoảng 100 quốc gia. Trong khi đó, Marriott có hơn 4.400 khách sạn, với các thương hiệu như Courtyard, Ritz-Carlton và Fairfield Inn.
Lời chào mua Starwood đầy tham vọng của Anbang được đưa ra trong bối cảnh các công ty Trung Quốc mạnh tay thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài. Theo số liệu của công ty phân tích Dealogic, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chi 102 tỷ USD cho hoạt động mua lại ở nước ngoài, cách không xa con số kỷ lục 106 tỷ USD vào năm ngoái.
Tại Anh, các công ty Trung Quốc gần đây đã mua lại các hãng bán lẻ Hamleys và House of Fraser, công ty may mặc Gieves & Hawkes, công ty đóng du thuyền Sunseeker, các nhà hàng Weetabix và Pizza Express.
Tại Mỹ, công ty sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới Smithfield đã bị một công ty Trung Quốc mua lại với giá 4,7 tỷ USD vào năm 2013. Hãng phim Legendary Entertainment nổi tiếng với các bộ phim như “Công viên kỷ Jura” hay “Siêu đại chiến Thái Bình Dương” đã về tay tập đoàn Dalian Wanda của Trung Quốc mới đây với giá 3,5 tỷ USD.
Trước đó, năm 2010, tập đoàn Trung Quốc Geely thâu tóm hãng xe Volvo của Thụy Điển.
Theo giới phân tích, tài sản Mỹ và châu Âu được các công ty Trung Quốc coi là sự phòng hộ chắc chắn trước khả năng mất giá của đồng Nhân dân tệ trong tương lai.
Giá cổ phiếu của Starwood niêm yết tại thị trường chứng khoán New York đã tăng 8%, lên mức 76,08 USD/cổ phiếu trong phiên ngày 14/3 sau khi thông tin về việc Anbang chào mua được tiết lộ.
Về phần mình, Marriott tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và tiếp tục các công việc để hoàn tất việc mua lại Starwood và “hợp nhất thành công hai công ty”.
Bình Minh
vneconomy
|