Thứ Hai, 29/02/2016 10:26

Tháo gỡ vướng mắc cho Nghị định 60

Ngày 26/2 tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

 

Hội thảo nhằm tập trung giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi Nghị định 60, trong đó 2 vấn đề chính được bàn thảo nhiều nhất đó là liên quan đến sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và quy định về chào bán về cổ phiếu không có quyền biểu quyết (bổ sung thêm loại cổ phiếu ưu đãi hoàn lại).

Ngoài ra, việc ban hành Nghị định cũng để đảm bảo tính pháp lý do một số quy định của chứng khoán tại các Thông tư 210, Thông tư 07 sửa đổi, bổ sung Thông tư 210, Thông tư 203, Thông tư 212, Thông tư 91... không còn hiệu lực pháp lý kể từ ngày 01/07/2016 theo quy định tại Khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư 2014.

Nước ngoài sở hữu trên 51% vẫn là NĐT trong nước trong hoạt động đầu tư

Trong dự thảo lần này, vấn đề được các thành viên thị trường trao đổi nhiều liên quan đến tư cách nhà đầu tư khi trở thành tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài (theo Luật Đầu tư quy định từ 51% trở lên). Theo đó, đối với các công ty chứng khoán (CTCK), nếu nâng tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài theo Nghị định 60, thì tổ chức được cư xử như NĐT nước ngoài hay NĐT trong nước khi đã tiếp nhận vốn nước ngoài trong hoạt động đầu tư chứng khoán? Tổ chức có được đầu tư vào những cổ phiếu đang bị hạn chế cho NĐT nước ngoài hay không? Vì nếu không được, điều này có ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động khác như môi giới, tạo lập thị trường...

Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động khác phân biệt rõ giữa tổ chức trong nước và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại luật, nghị định nằm ngoài Luật chứng khoán. Ví dụ như thuế đối với các giao dịch các trái phiếu, quy định về quyền sở hữu tài sản... Đặc biệt liên quan đến hoạt động ký quỹ tại các CTCK khi mà các Ngân hàng có quy định NĐT nước ngoài không được phép đi vay để đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch UBCKNN thì việc quy định tư cách nhà đầu tư của tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phải tuân thủ theo Luật Đầu tư. Dự thảo lần này quy định rõ đối với tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch. Do tích chất biến động liên tục của tỷ lệ sở hữu nước ngoài nên việc ấn định tỷ lệ chính xác trong thực tế dễ nảy sinh những vấn đề pháp lý. Vì vậy, dự thảo quy định “coi các tổ chức đó như tổ chức trong nước nhưng chỉ trong các hoạt động đầu tư” và phù hợp với quy định tại Điều 23 của Luật Đầu tư.

Bổ sung quy định về cổ phiếu ưu đãi hoàn lại

Dự thảo lần này bổ sung quy định một dạng cổ phiếu không có quyền biếu quyết là cổ phiếu ưu đãi hoàn lại bên cạnh cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Theo đó, quy định tổng số cổ phiếu không có quyền biểu quyết được phát hành tối đa không quá 50% vốn điều lệ.

Lãnh đạo một Công ty Quản lý quỹ cho biết cần làm rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của công ty và cổ đông. Chẳng hạn, công ty có trách nhiệm mua lại cổ phần hay không, giá trị hoàn lại được xác định như thế nào? Cũng nên có quy định cụ thể về nguồn vốn để mua lại...

Quy đinh về cổ phiếu ưu đãi hoàn lại là điểm mới mẻ trong dự thảo lần này trên tinh thần đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động dòng vốn ngoại. Thực tế cho thấy loại chứng khoán này trên TTCK Thái Lan có thanh khoản khá thấp. Các thành viên thị trường đề xuất bổ sung những sản phẩm mới như cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết như của TTCK Malaysia hay chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) như của TTCK Thái Lan để thu hút hơn đối với NĐT nước ngoài.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBCKNN cho biết, “Do Điều 113 của Luật doanh nghiệp quy định công ty cổ phần chỉ được phát hành hai loại là cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi. Và Điều 114 ghi mỗi cổ phiếu phổ thông có một quyền biểu quyết. Cho nên không thể tước quyền hay làm giảm quyền đó của cổ đông”. Có lẽ, thị trường vẫn phải trông chờ vào sự linh hoạt của luật để cho ra đời những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Các tin tức khác

>   Vẫn mập mờ chào mua công khai (03/03/2016)

>   UBCKNN chính thức có chức năng thanh tra chuyên ngành về chứng khoán và TTCK (19/02/2016)

>   Nâng hạng thị trường chứng khoán và câu chuyện “mở room” (17/02/2016)

>   Ba điểm cho vay đầu tư chứng khoán sẽ sửa đổi (11/02/2016)

>   UBCKNN lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán (01/02/2016)

>   HOSE: Thành lập và bổ sung thành viên cho Hội đồng tư vấn phát triển thị trường (01/02/2016)

>   CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng từ 260% mới được cấp dịch vụ bù trừ giao dịch CKPS (26/01/2016)

>   Đã chính thức có văn bản sửa đổi Thông tư 183 về quỹ mở (25/01/2016)

>   HOSE: Chính thức phân ngành các công ty niêm yết theo chuẩn GICS® (25/01/2016)

>   Năm 2017 sẽ cho phát hành chứng khoán theo giá thị trường (23/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật