Du lịch TPHCM khó bật lên
Tuy dẫn đầu cả nước về thu hút du khách nhưng để ngang bằng Singapore, Bangkok, Kumla Lampur…, TP HCM cần có chính sách đột phá để phát triển ngành du lịch mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, đã nhận định như trên tại hội nghị tổng kết hoạt động của Hiệp hội Du lịch TP HCM, tổ chức ngày 19-2.
20 năm… không có gì mới!
TP HCM hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút khách quốc tế với 4,6 triệu lượt khách trong năm 2015, chiếm hơn 50% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam; tổng thu đạt 94.600 tỉ đồng, chiếm hơn 30% doanh thu du lịch của cả nước. Tuy nhiên, nếu so với những năm trước, tỉ trọng đóng góp của TP vào ngành du lịch lại đang giảm dần.
Đến nay, dự án Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi đã có trong quy hoạch hơn chục năm trước, Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc diện tích 500 ha, Khu Du lịch sinh thái biển Cần Giờ vẫn chưa lộ diện. Ngay cả dự án Công viên Văn hóa Bạch Đằng - được xem là bộ mặt của TP - cũng chưa có gì.
Tour Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sản phẩm mới của du lịch TP HCM nhưng chưa hấp dẫn du khách Ảnh: Hoàng Triều
|
Dẫn ra hàng loạt dự án từng được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch TP “thay da đổi thịt”, ông Đỗ Quốc Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist, đánh giá đến nay, những dự án này vẫn nằm trên giấy và sản phẩm du lịch của TP sau 20 năm vẫn không có gì mới.
“Du khách đến TP HCM vẫn chỉ loanh quanh ở nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, địa đạo Củ Chi. Mới đây, có thêm tour đường sông Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng cũng không hấp dẫn du khách. Ước ao của những người làm du lịch là TP có một nhà hát đa năng, sáng đèn hằng đêm nhưng cũng không được. Du khách đến TP buổi tối không biết đi đâu, xem gì. Sản phẩm du lịch hầu như không mới, chỉ được là ẩm thực phong phú hơn. Do TP không có sản phẩm hấp dẫn khiến các hãng lữ hành phải khai thác của các địa phương khác” - ông Thông nêu.
Ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết cách đây 10 năm, ông đã cảnh báo TP sẽ mất hàng trăm triệu USD nếu không làm du lịch đường sông nhưng tới nay vẫn chưa có gì. Tại sao du lịch đường sông không phát triển? Vị chủ tịch hiệp hội đặt câu hỏi rồi tự lý giải: “Đừng trông chờ vào ngân sách bởi TP không có nhiều tiền để đầu tư mọi thứ cho du lịch. Đổi lại, các doanh nghiệp có thể chung tay, liên kết với nhau làm từng bước… TP cần tổ chức ngay một hội nghị về bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, mời cả lãnh đạo cao nhất dự để giải quyết triệt để”.
Chính sách về visa thiếu linh hoạt
Theo Hiệp hội Du lịch TP HCM, chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Belarus của Chính phủ trong năm 2015 (có hiệu lực đến ngày 30-6-2016) nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, lượng khách đến Việt Nam từ chính sách này lại vẫn chưa như kỳ vọng.
Ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, phân tích chính sách miễn visa cho những nước nêu trên chỉ áp dụng khi du khách đến Việt Nam trong 15 ngày. Nếu trên 15 ngày phải xin visa như bình thường. Trong khi du khách các thị trường này thường đi từ 15-30 ngày. Với tour liên tuyến từ Việt Nam qua Campuchia, Lào rồi trở lại Việt Nam trong 30 ngày, du khách vẫn phải xin visa. Quy định miễn visa chỉ thí điểm một năm (từ tháng 6-2015 đến tháng 6-2016) trong khi ở thị trường quốc tế, doanh nghiệp lữ hành thường phải quảng bá, xúc tiến trước cả năm.
Theo ông Đỗ Quốc Thông, nhiều nước Tây Âu và Bắc Âu được miễn visa nhưng các nước nằm giữa 2 khu vực này như Hà Lan, Bỉ và Luxembourg lại không được, trong khi khách Hà Lan đến Việt Nam tăng đều qua các năm. “Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gần như chúng ta đã mở cửa tất cả lĩnh vực. Vậy tại sao ngành du lịch lại không đi trước, nắm bắt thời cơ, miễn visa cho tất cả nước thành viên TPP?” - ông Thông đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, theo nhiều đại biểu, thủ tục cấp visa tại cửa khẩu, kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm an toàn cho du khách cũng cần tăng cường.
Bị qua mặt ngay trên sân nhà
Nhiều doanh nghiệp lo ngại về khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực. Ông Đỗ Quốc Thông cho rằng mỗi năm, lượng khách từ Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc tràn ngập trong cả nước nhưng doanh nghiệp nội địa lại không khai thác được. “Họ đi theo đường nào vào Việt Nam? Nếu cơ quan quản lý không biết rồi doanh nghiệp lữ hành nội địa không khai thác được lượng khách này, nhà nước sẽ không thu được thuế và doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh không lành mạnh” - ông Thông cảnh báo.
Một lo ngại khác, theo ông Nguyễn Hữu Thọ, để cạnh tranh trong AEC, quan trọng nhất là kỹ năng, thái độ phục vụ và ngoại ngữ. Hàng loạt người lao động từ Philippines, Indonesia, Thái Lan… có ngoại ngữ và kỹ năng tốt đang sẵn sàng qua Việt Nam làm du lịch với mức lương 1.000 USD/tháng. Khi đó, nguồn nhân lực trình độ đại học và thạc sĩ làm du lịch của Việt Nam sẽ bị đe dọa.
|
Thái Phương
người lao động
|