Dầu tái diễn kịch bản giảm giá trước sự nghi ngờ của nhà đầu tư
Mối nghi ngờ về thỏa thuận cắt giảm sản lượng lại nổi lên sau đà tăng vọt 8% hôm thứ Tư
Hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm giá vào ngày thứ Năm, xóa bớt một phần đà tăng vọt 8% trong ngày thứ Tư, khi mối nghi ngờ về khả năng các nhà sản xuất dầu lớn cắt giảm sản lượng lấn át sự hỗ trợ từ đồng USD yếu, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex rớt 56 xu (tương ứng 1.7%) xuống 31.72 USD/thùng. Được biết, có thời điểm trong phiên, giá dầu WTI đã tăng lên mốc 33.60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 29/01/2016.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn London mất 58 xu (tương ứng 1.7%) còn 34.46 USD/thùng, sau khi rút khỏi mức cao nhất trong phiên tại 35.84 USD/thùng.
Được biết, giá dầu WTI đã nhảy vọt vào ngày thứ Tư bất chấp số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô tăng mạnh hơn dự báo 7.8 triệu thùng. Đà tăng này đã nâng tổng nguồn cung tại Mỹ lên 502.7 triệu thùng, mức cao kỷ lục dựa trên dữ liệu EIA thu thập được từ những năm 1980.
Bên cạnh đó, trong ngày thứ Tư và đầu ngày thứ Năm, giá dầu còn nhận được sự hỗ trợ từ đà suy yếu của đồng USD. Đồng USD suy yếu khiến cho dầu, nguyên liệu neo giá theo đồng bạc xanh, trở nên rẻ hơn đối với những người sử dụng các đồng tiền khác.
Trong khi đó, thị trường cũng nhận thấy dự báo về việc Nga sẵn sàng thảo luận với các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để cắt giảm sản lượng.
Faward Razaqzada, nhà phân tích kỹ thuật tại Forex.com và City Index, cho biết: “Nếu điều này xảy ra, tình trạng dư cung sẽ suy giảm và giá có thể tăng mạnh trở lại. Ngược lại, nếu thỏa thuận không thành công thì nhiều chuyên viên giao dịch sẽ thất vọng, dẫn tới đà bán tháo mạnh và qua đó gây áp lực lên dầu”.
Trong ngày thứ Tư, Mạng lưới Thông tin Năng lượng, hay còn gọi là SHANA theo chữ viết tắt tiếng Ba Tư, công bố Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela cho biết 6 quốc gia sản xuất dầu đã đồng ý tổ chức cuộc họp khẩn cấp giữa OPEC và các nhà sản xuất ngoài OPEC. Tuy nhiên, báo cáo này lại không hề đề cập tới Ả-râp Xê-út. Sự tham gia của quốc gia sản xuất dầu đứng đầu OPEC là rất cần thiết cho bất kỳ kế hoạch cắt giảm sản lượng nào.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 3 tiến 1.5 xu (tương ứng 1.5%) lên 1.028 USD/gallon, trong khi hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 cộng gần 0.5 xu lên 1.081 USD/gallon.
Trong khi đó, khí thiên nhiên giảm giá sau khi EIA công bố báo cáo cho thấy nguồn cung khí thiên nhiên giảm 152 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 29/01/2016, trùng khớp với con số dự báo giảm 148-152 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 rớt 6.6 xu (tương ứng 3.2%) xuống 1.972 USD/MMBtu./.
|