Công ty Anh muốn xử lý bụi tại “thung lũng thép”
Công ty Zincox Resources PLC (Vương quốc Anh) sẽ bỏ ra 115 triệu đô la Mỹ để xây nhà máy xử lý bụi lò hồ quang thải ra từ các nhà máy thép ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khu vực chứa thép phế liệu tại một nhà máy thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Văn Nam
|
Quyết định chủ trương đầu tư dự án xử lý bụi thép nói trên được chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trao cho nhà đầu tư Zincox Resources PLC ngày 16-2 vừa qua chấp thuận để nhà đầu tư này xây nhà máy xử lý bụi thép công suất 100.000 tấn/năm.
Theo đại diện Công ty Zincox Resources PLC, các khu công nghiệp Phú Mỹ ở Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi lý tưởng để nhà đầu tư đến từ Vương quốc Anh này bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ xây nhà máy xử lý bụi lò hồ quang điện, bởi đây là địa phương tập trung ngành công nghiệp sản xuất thép, chiếm hơn 2/3 tổng sản lượng thép của Việt Nam, và trong thời gian tới một số dự án mới của Posco-Vina và Vina-Kyoei sẽ hoạt động đủ công suất thiết kế.
Zincox Resources PLC cho rằng công nghệ xử lý tái chế bụi của doanh nghiệp này là phù hợp trong bối cảnh ngành công nghiệp thép trong các khu công nghiệp tại Phú Mỹ (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3 – PV) chưa có giải pháp hài hòa về kinh tế và môi trường bền vững cho việc tái chế bụi lò hồ quang điện được thải ra từ các nhà máy sản xuất thép.
Giống như các cơ sở tái chế bụi lò hồ quang điện khác trên thế giới, sản phẩm đầu ra của nhà máy xử lý bụi của Zincox Resources PLC tại Bà Rịa – Vũng Tàu là oxide kẽm có độ tinh khiết cao có thể sử dụng trực tiếp cho các ngành công nghiệp sản xuất cao su và gốm sứ.
Theo đại diện của Zincox Resources PLC, sẽ mất vài tháng để doanh nghiệp này chuẩn bị các bước đàm phán với các nhà máy sản xuất thép trong khu vực để đảm bảo nguồn cung bụi lò hồ quang điện; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; nghiên cứu chi phí để huy động vốn cho nhà máy …
Zincox Resources PLC kỳ vọng sẽ cung cấp cho các nhà máy thép ở Bà Rịa – Vũng Tàu dịch vụ xử lý, tái chế bụi, vừa giúp ngành thép nơi đây hoạt động với “zero” chất thải, vừa giúp các ngành sản xuất cao su và lốp xe có thêm nguồn nguyên liệu oxide kẽm.
Theo một chuyên gia ngành thép, hiện nay hầu hết các nhà sản xuất thép ở Việt Nam sử dụng công nghệ nấu phế liệu trong các lò hồ quang điện và ngành thép chưa thể phát triển bền vững về môi trường bởi bụi được tạo ra từ các lò hồ quang này không được tái chế.
Thông thường thép được mạ kẽm để chống gỉ, và khi thép phế được nung chảy, kẽm được nấu sôi sinh ra rất nhiều oxide kẽm trong bụi được các nhà máy sản xuất thép thải ra. Oxide kẽm là chất thải của ngành thép nhưng có thể tái chế sẽ là nguyên liệu cần thiết trong ngành sản xuất cao su và gốm sứ, trung bình mỗi lốp xe hơi và các sản phẩm cao su chứa 2-5% oxide kẽm.
Hiện ở Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 nhà máy thép đang hoạt động gồm Thép Miền Nam, Fuco, Pomina 2, Pomina 3, Đồng Tiến, Posco – Vina, Vina - Kyoei … với công suất trên khoảng 5 triệu tấn phôi thép/năm.
Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, tương ứng với hàng triệu tấn thép ra đời thì mỗi ngày các nhà máy luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 800 tấn bụi lò, xỉ thép và đất phế. Ngoài các chất độc hại như chì, asen, cadimi … thì bụi lò từ các nhà máy thép còn chứa khoảng gần 30% lượng kẽm.
Vài năm trước, do không có nhà máy xử lý bụi thải thép nên đã có thời điểm khối lượng bụi thép đang tồn đọng tại các nhà máy thép rất lớn, lên đến hơn 30.000 tấn trong tình trạng để ngoài trời, đựng trong bao chứa đã rách nát, tràn đổ ra môi trường.
Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay (17-2), ông Lê Tân Cương, Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết do bụi từ các nhà máy thép là chất thải nguy hại nếu để phát tán ra môi trường sẽ rất nguy hiểm nên gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho 3 đơn vị chuyên xử lý chất thải nguy hại tại tỉnh Thái Nguyên và Hải Dương thu gom, vận chuyển bụi từ các nhà máy thép ở Bà Rịa – Vũng Tàu ra Thái Nguyên và Hải Dương để xử lý. Quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý này được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm soát, quản lý về mặt môi trường.
Cần nhắc lại rằng vào năm 2014, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu từng đưa ra chủ trương không thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao) cùng 7 lĩnh vực khác gồm chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm, thuộc da; sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá bởi đây là những lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nước ở thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Văn Nam
tbktsg
|