Vị thế kinh tế Việt Nam ngày càng hấp dẫn doanh nghiệp Ấn Độ
Ngày 25/1, tại Phòng Thương mại và Công nghiệp (MCCI) ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, đã diễn ra cuộc Hội thảo về “Hợp tác kinh doanh với Việt Nam” với sự tham gia của lãnh đạo MCCI và đại diện các doanh nghiệp của bang.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành là khách mời chính của hội thảo và có bài phát biểu quan trọng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nguyên Chủ tịch MCCI Arun Kumar Saraf khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống lâu đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước vun đắp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Kolkata 3 lần vào các năm 1911, 1946 và 1958.
Ông Saraf nhận định Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước thiếu hụt lương thực nghiêm trọng trở thành nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới như gạo, càphê, hạt tiêu...
Quan hệ thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam liên tục phát triển trong vài năm qua và hai bên nhất trí hướng tới mục tiêu thương mại đến năm 2020 đạt mức 15 tỷ USD.
Ông Saraf cho rằng vẫn còn có nhiều tiềm năng để hai nước khai thác xét trên lĩnh vực kinh tế và thương mại như trong lĩnh vực điện, sản xuất giá trị cao, sản xuất linh kiện điện, thép, công nghệ cao, xây dựng cảng biển, phát triển khách sạn, cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển đô thị.
Ông đề nghị hai nước thảo luận về một hiệp định thương mại ưu đãi để giảm những rào cản thuế quan và phi thuế quan cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành bày tỏ cảm ơn MCCI đã tổ chức cuộc hội thảo. Đại sứ cho biết thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã và đang tăng trưởng ổn định từ mức 880 triệu USD năm 2006 lên mức 5,6 triệu USD trong năm 2014.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Độ trong những năm gần đây là điện thoại di động và phụ kiện, máy móc, máy tính, sản phẩm điện tử, hạt tiêu, càphê, cao su tự nhiên, sản phẩm từ gỗ và len, dệt may...
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ gồm dược phẩm, bông, sợi, vải, sắt thép, máy móc, thiết bị, công cụ, hóa chất và các sản phẩm hóa chất…
Đại sứ khẳng định Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế năng động đang phát triển nhanh ở châu Á, đang tích cực tìm kiếm cơ hội để tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, đồng thời khẳng định có tiềm năng to lớn để hai bên cùng khai thác.
Việt Nam là thành viên của 13 khu vực thương mại tự do.
Ngoài việc là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Việt Nam mới đây đã ký các FTA song phương với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu.
Việt Nam hiện đang đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Điều này có nghĩa, hợp tác với Việt Nam, các doanh nghiệp Ấn Độ không chỉ được hoạt động kinh doanh ở Việt Nam mà còn có thể tiếp cận được các thị trường lớn nhất trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU hay Nga.
Đơn cử, với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là hàng may mặc sẽ được miễn thuế khi vào thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Tại cuộc Hội thảo, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã trả lời câu hỏi của các đại diện doanh nghiệp Ấn Độ ở Kolkata xoay quanh các lĩnh vực dược phẩm, dịch vụ, than, lọc dầu...
Chiều cùng ngày, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã đến thăm và làm việc với khu công nghiệp dệt may lớn ở Kolkata./.
Vietnam+
|