Tỷ giá trung tâm linh hoạt theo cung cầu thị trường
Cung cầu ngoại tệ về cơ bản sẽ dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ - TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định
Mức độ linh hoạt cao hơn
Sau hơn hai tuần NHNN áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam diễn biến tăng/giảm linh hoạt hàng ngày. Thị trường đã phản ứng tương đối tích cực với cách thức điều hành tỷ giá mới.
Ngày 21/1, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giao dịch ở mức 22.415 VND/USD, thấp hơn khoảng 105 đồng so với mức phổ biến là 22.520 VND trong giai đoạn cuối năm. Tỷ giá niêm yết của các NHTM quanh mức 22.385 - 22.455 VND/USD, giảm khoảng 65-85 đồng so với cuối năm trước. Các giao dịch ngoại tệ trên thị trường diễn ra thông suốt, thanh khoản của thị trường tốt.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng cho rằng, diễn biến trên cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua.
Điều này càng có ý nghĩa hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới liên tục có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi (như đồng CNY giảm giá mạnh tác động giảm giá một số đồng tiền châu Á, chứng khoán Trung Quốc suy giảm, chỉ số USD tăng cao...), cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới của NHNN không chỉ hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ mà còn giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài, hỗ trợ tốt hơn khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Mục tiêu xuyên suốt trong điều hành tỷ giá của NHNN là không ngừng nâng cao vị thế của VND
|
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong quá trình nghiên cứu để đưa ra áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, NHNN đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học và đã nhận được sự đồng thuận rất cao. Sau khi NHNN thực hiện cách thức điều hành tỷ giá mới, bước đầu cho thấy những kết quả tích cực, nhất là trong việc chống sốc từ bên ngoài.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, về cơ bản, cơ chế tỷ giá mới hiện nay có mức độ linh hoạt cao hơn. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam xuất khẩu được tốt hơn, đầu tư nước ngoài vào nhiều hơn. Nói cách khác, thu nhập ngoại tệ lớn hơn nhiều so với trước đây… sẽ góp phần ổn định tỷ giá hối đoái trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thì nền kinh tế Việt Nam bao gồm cả thị trường tài chính sẽ hội nhập sâu hơn với thị trường thế giới. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, các biến động của thị trường tài chính thế giới, các chính sách của các NHTW trên thế giới đều sẽ tác động lên thị trường tài chính Việt Nam. Do đó, tôi kỳ vọng chính sách tỷ giá sẽ uyển chuyển và linh hoạt hơn trong thời gian sắp tới để giải tỏa được áp lực của thị trường bên ngoài.
Còn ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho rằng, một trong những ưu điểm nổi trội của cơ chế điều hành tỷ giá mới được kỳ vọng là giúp hạn chế hoạt động đầu cơ làm giá ngoại tệ cũng như là găm giữ chờ giá lên.
Biến động tỷ giá không lớn
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê cũng như các cơ quan, tổ chức khác, các nguồn cung USD cho thị trường trong nước năm 2016 như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA, các khoản vay trung - dài hạn và kiều hối trong năm 2016 sẽ tiếp tục khả quan. Cán cân thanh toán quốc tế tổng thể của Việt Nam sẽ thặng dư.
Với các cơ sở dữ liệu cập nhật hơn, một số chuyên gia từ các Ngân hàng HSBC, ANZ đã điều chỉnh dự báo về biến động tỷ giá VND/USD trong năm 2016 giảm từ mức 5 - 7% trước đây xuống còn khoảng 2%.
Đề cập đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản sẽ dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ.
“Với cơ chế mới về quản lý ngoại hối và các biện pháp ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ đã được NHNN công bố có thể thấy biến động của tỷ giá hối đoái không lớn, khoảng 3%” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, do đồng CNY và các đồng tiền mới nổi đã mất giá mạnh và được kỳ vọng vẫn sẽ biến động trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu quan trọng trong năm 2016. Do đó khả năng tỷ giá VND sẽ không biến động mạnh như các đồng tiền trong khu vực.
“Tôi kỳ vọng đồng Việt Nam sẽ biến động không quá 4% trong năm 2016 trong điều kiện thị trường tài chính thế giới không có biến động mạnh so với thời điểm hiện nay”, ông Hải nói.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Bùi Quốc Dũng cho biết, tỷ giá trung tâm sẽ linh hoạt hơn, bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước cũng như diễn biến trên thị trường thế giới.
Cách thức điều hành mới khác với trước đây là không định hướng cụ thể mức biến động tỷ giá hàng năm. Tuy nhiên tỷ giá vẫn được NHNN quản lý phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo sự ổn định của thị trường ngoại hối, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu nâng cao vị thế của đồng Việt Nam trong dài hạn.
Bên cạnh đó, NHNN sử dụng công cụ kỳ hạn như một biện pháp kỹ thuật để định hướng vùng mục tiêu tỷ giá cho DN và thị trường nắm được.
Ngọc Quyết
tbnh
|