Thứ Hai, 18/01/2016 18:30

Tỷ giá 2016 sẽ biến động như thế nào?

Nhiều chuyên gia dự báo tỷ giá trong năm 2016 sẽ tăng khoảng 4-5%, theo thông tin từ buổi phỏng vấn trực tuyến của VnEconomy.

Tỷ giá tăng khoảng 4-5% trong 2016

Ông Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính dự đoán tỷ giá sẽ tăng không quá 5% (nếu không có những biến động bất thường từ bên ngoài). Năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, thị trường tài chính thế giới trong năm 2016 chắc chắn vẫn tiếp tục biến động hết sức phức tạp, do đó chính sách tỷ giá của Việt Nam cần được điều chỉnh linh hoạt. Tỷ lệ mất giá của Việt Nam đồng trong năm 2016 chắc chắn sẽ cao hơn mức điều chỉnh tỷ giá thông thường hàng năm từ 1-2% như trước đây. Do đồng Nhân dân tệ và các đồng tiền mới nổi đã mất giá mạnh và được kỳ vọng vẫn sẽ biến động trong thời gian sắp tới, tuy nhiên, mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu quan trọng trong năm 2016, do đó, ông Hải không kỳ vọng tỷ giá VNĐ sẽ biến động mạnh như các đồng tiền trong khu vực. Ông Hải dự báo tỷ giá USD/VNĐ năm nay tăng không quá 4% nếu thị trường tài chính không biến động mạnh so với tình hình hiện nay.

Cùng mức dự báo với ông Hải, ông Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MaritimeBank cho rằng cơ chế tỷ giá mới là linh hoạt, có tính thị trường vì phản ánh được mọi diễn biến thị trường cả quốc tế và trong nước, với bối cảnh hiện tại ông cho rằng tỷ giá USD/VNĐ sẽ tăng đâu đó khoảng 4% trong năm nay.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) cho biết mục tiêu bao trùm của việc điều hành tỷ giá trung tâm chính là ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị VNĐ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, năm 2016 không thể có chuyện phá giá VNĐ như những tin đồn. Nếu có biến động, mỗi quý năm 2016 không thể vượt quá 1%, và có thể có những quý tỷ giá bình quân vẫn giảm.

Còn ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN nhắc lại thông tin vào ngày 31/1/2015, NHNN đã tiến hành bán ngoại tệ phái sinh kỳ hạn 3 tháng cho các ngân hàng thương mại với mức chênh lệch 1% so với giá bán của NHNN ngày 31/12/2015. Qua đó, NHNN gửi thông điệp rằng vùng mục tiêu tỷ giá trong 3 tháng đầu năm sẽ biến động chỉ khoảng 1%. Công tác điều hành tỷ giá của NHNN sẽ tiếp tục thận trọng và linh hoạt, bám sát thị trường để đưa ra những quyết định phù hợp trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết những phân tích trên cho thấy hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng tỷ giá USD/VNĐ sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2016.

Về chính sách tỷ giá thả nổi hoàn toàn, theo ông Phạm Hồng Hải, cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn sẽ chỉ thực hiện được khi Việt Nam đạt được sự ổn kinh tế vĩ mô một cách bền vững, kiểm soát tốt được lạm phát và dự trữ ngoại hối ở mức an toàn để đảm bảo NHNN có thể can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Ông Hải cho rằng cần ít nhất 5 năm nữa trước khi có thể xem xét chính sách tỷ giá thả nổi hoàn toàn.

Cơ chế tỷ giá mới giúp hạn chế găm giữ ngoại tệ như thế nào?

Theo thông tin từ ông Lê Xuân Nghĩa, dự báo cán cân vãng lai của Việt Nam năm 2015 là dương (+), khoảng 1.7 tỷ USD. Cán cân tài chính cũng (+ ) 3.8 tỷ USD. Trong khi đó, cán cân thanh tán tổng thể dự kiến sẽ âm (-) 4.5 tỷ USD. Như vậy, lỗi và sai sót lên tới 9 tỷ USD, phần lớn con số này chứng tỏ một lượng rất lớn ngoại tệ bị găm giữ tại các doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại.

Đây là hiện tượng ít thấy của Việt Nam trong nhiều năm qua. Nó phản ánh tác động mạnh của tâm lý dưới ảnh hưởng của cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái cũ và tác động từ bên ngoài, đặc biệt là việc phá giá đồng nhân dân tệ. Điều này cho thấy cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái mới cần phải khắc phục được tình trạng nói trên.

Theo ông Nghĩa, cách thức khắc phục lớn nhất là chế độ tỷ giá, theo nguyên tắc thị trường và có sự điều tiết của Ngân hàng Trung ương trong những trường hợp cung cầu thị trường mất cân đối lớn. Còn trong điều kiện bình thường thì thị trường sẽ quyết định.

Nhận định về hiện tượng này, ông Nguyễn Đức Hưởng cho rằng việc thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm chắc chắn sẽ giảm găm giữ và đầu cơ ngoại tệ; ngăn chặn lợi ích nhóm, vì trước đây, việc công bố tỷ giá theo hướng “bí mật” và mệnh lệnh hành chính tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ găm giữ với việc dự đoán hoặc khai thác những bí mật Nhà nước… Nhưng khi thực hiện cơ chế mới, tỷ giá được công bố hàng ngày, không còn khoảng trống cho đầu cơ và công khai trên cơ sở tham chiếu thị trường tiền tệ quốc tế và cung-cầu trong nước, gần như bịt đường cho cơ hội đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

Còn theo ông Trịnh Quang Anh, tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày sẽ có thể lên xuống hoặc đứng yên. Với cơ chế điều hành tỷ giá này sẽ giảm thiểu được mức sai lệch về kỳ vọng tỷ giá cả chủ quan và khách quan. Điều này làm cho các tác nhân kinh tế buộc phải tính toán giữa lợi ích và chi phí của việc nắm giữ ngoại tệ thay vì nắm giữ VNĐ. Trong cơ chế này bằng việc minh bạch và nhất quán NHNN sẽ chủ động dẫn dắt kỳ vọng thị trường.

Dòng vốn ngoại không ra khỏi Việt Nam

Theo ông Phạm Hồng Hải, thực tế từ cuối năm 2015 đến nay, tổng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam tăng lên do các giao dịch mua bán sáp nhập diễn ra rất mạnh. Ví dụ thương vụ Masan bán cho đối tác chiến lược Singha Asia Holding Pte Ltd (Thái Lan) với giá 1.1 tỷ USD,… Việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam thực tế chỉ là việc cơ cấu danh mục để hiện thực hóa lợi nhuận và chờ các thương vụ đầu tư mới. Và thực tế, dòng tiền này không ra khỏi Việt Nam. Đây cũng là lý do tại sao tiền đồng đã tăng giá mạnh vào thời điểm đầu năm 2016.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng đúng là các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng (vốn đầu tư chứng khoán) có nguyên nhân do việc tăng lãi suất của Fed, đồng thời cũng do lo ngại Việt Nam phá giá tiền tệ theo cơ chế giật cục như mấy năm gần đây. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng cơ chế tỷ giá hối đoái mới giúp họ dự đoán được những biến động của tỷ giá hối đoái và không bị thiệt hại khi mua ngoại tệ chuyển về nước.

Còn việc Fed điều chỉnh lãi suất cũng là yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể dự báo được. Đầu tư tài chính không lo ngại về chiều hướng biến động mà đáng lo ngại nhất là các chiều hướng đó không theo những nguyên tắc thị trường để có thể dự đoán được.

Lộ trình áp phí gửi USD như thế nào?

Về thông tin nói NHNN sẽ áp phí gửi USD, gửi mà rút ra thì chỉ được rút bằng tiền đồng, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết chính sách này nằm trong lộ trình chống “đô la hóa” và làm tăng lợi thế của Việt nam đồng trên thị trường nội địa. Nó có thể sẽ được áp dụng khi NHNN công bố kết thúc chương trình chống “đô la hóa”, và ông dự đoán vào khoảng 2017.

Còn theo ông Phạm Hồng Hải, các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ sẽ được NHNN áp dụng. Lãi suất tiền gửi USD gần đây đã điều chỉnh về 0% cũng là một trong các biện pháp kỹ thuật này. Việc NHNN áp dụng phí gửi ngoại tệ và rút ra bằng tiền đồng sẽ được xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, sự an toàn của hệ thống ngân hàng để tránh việc người dân rút tiền gửi ngoại tệ ra khỏi hệ thống ngân hàng, và sự ổn định của thị trường ngoại hối. Ông Hải cho rằng, NHNN sẽ có một lộ trình dài hạn và từng bước trước khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật này./.

 

Các tin tức khác

>   Gói 30.000 tỷ tắc, dân thiệt (05/01/2016)

>   Sẽ kiểm soát chặt tín dụng BĐS, tín dụng dài hạn (18/01/2016)

>   Lãi suất liên ngân hàng hầu hết các kỳ hạn tăng lên trên 5% (18/01/2016)

>   Vàng SJC tăng nhẹ, tỷ giá trung tâm giảm 4 đồng (18/01/2016)

>   Bài học đắt giá về thế chấp hàng hóa tồn kho (29/02/2016)

>   Còn gần 1/3 dư nợ cho vay với lãi suất trên 10% (18/01/2016)

>   BIDV đột ngột dừng cho vay mua nhà, có bất thường? (18/01/2016)

>   Ngân hàng SCB ra mắt thẻ tín dụng quốc tế Visa (17/01/2016)

>   ​“Khoảng trống” ở các ngân hàng bán lẻ (17/01/2016)

>   Doanh nghiệp sợ lãi suất tăng (17/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật