Thứ Ba, 05/01/2016 09:02

Gói 30.000 tỷ tắc, dân thiệt

Người mua nhà xã hội chưa kịp mừng lãi suất gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng giảm xuống còn 4,5% năm 2016, Ngân hàng Nhà nước lại cho dừng. Người dân và chủ đầu tư chịu thiệt khi vẫn còn nửa năm nữa mới hết hạn giải ngân gói tín dụng này.

Nhà ở xã hội tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Ngưng trệ vì quy định chơi vơi?

Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ bắt đầu triển khai từ tháng 6/2013 và có thời hạn giải ngân đến hết ngày 1/6/2016. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời, gói hỗ trợ gặp không ít trục trặc, vì những quy định gây khó cho người vay như: Lãi suất, thời gian vay... Sau 1 năm triển khai, số mua nhà được vay ít, khiến nhiều người ví gói 30.000 tỷ đồng như “leo cột mỡ”. Và rào cản lớn nhất đối với người mua nhà ở xã hội (NƠXH) chính là việc quy định tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng.

Trước phản ánh của người dân và nhiều lần Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “nới” thêm điều kiện vay gói tín dụng để đẩy nhanh tốc độ giải ngân như: Kéo dài thời gian vay lên 15 năm và lãi vay còn 5%/năm đầu tiên. Và đặc biệt, ngân hàng đã chấp nhận quyền thế chấp tài sản hình thành trong tương lai làm giao dịch đảm bảo vay vốn với ngân hàng.

Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, sau hơn 2 năm giải ngân, mới đây NHNN ban hành Thông tư 26 quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai khiến người mua nhà gặp khó.

Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng chia sẻ: Trước ngày thông tư có hiệu lực 10/12/2015, ngân hàng nhận thế chấp bằng quyền tài sản hình thành trong tương lai cho người mua nhà vay gói 30.000 tỷ đồng. Quy định mới bắt người mua nhà phải đăng ký giao dịch đảm bảo nhà ở hình thành trong tương lai tại trung tâm giao dịch đảm bảo ở quận, huyện nơi có dự án. Trong khi dưới địa bàn chưa có hướng dẫn nên không xác nhận cho dân khiến gói hỗ trợ ưu đãi tạm thời bị ngừng cho vay.

“Chúng tôi ngừng cho vay với khách hàng thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai cho đến khi NHNN có quy định mới thay thế Thông tư 26”, vị phó giám đốc này nói và cho biết thêm, hiện, nếu khách hàng muốn vay gói 30.000 tỷ đồng phải thế chấp bằng tài sản khác.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, hiện ngân hàng cam kết cho vay đạt 80%. Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, với quy định mới của NHNN gây khó cho người mua nhà và tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng có khả năng không về đích đúng hạn. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với NHNN để tháo gỡ vướng mắc cho người vay gói này. Bởi vì người thu nhập thấp lấy đâu ra tài sản thế chấp khác ngoài chính tài sản bằng căn hộ hình thành trong tương lai.

Người mua NƠXH tại dự án Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) được ngân hàng “lách” cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Lộc.

Chủ đầu tư, ngân hàng đua nhau “lách”

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Đông-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, Thông tư 26 ban hành để phù hợp với Luật Nhà ở mới và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Ở đây, NHNN vẫn cho phép thế chấp bằng nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng vướng ở khâu hướng dẫn công chứng thế chấp.

“Chúng tôi đang xem về vướng mắc pháp lý. Việc hướng dẫn công chứng thế chấp liên quan đến Bộ Tư pháp. Bộ này phải ban hành thủ tục văn bản thế chấp theo luật. Hiện, hạn mức cho vay gói 30.000 tỷ cũng không còn nhiều. Ngân hàng sẽ phối hợp chứ không thể làm khác được”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, NHNN cũng kiến nghị, trình tự thủ tục đăng ký thế chấp để Bộ Tư pháp có hướng dẫn. Luật Nhà ở mới có hiệu lực và Nghị định 99 mới ra và các bộ ngành liên quan trong đó có NHNN ra thông tư cho phù hợp. Các bộ liên quan đang trong quá trình soạn thảo ban hành nên chưa thống nhất.

Nhiều chủ đầu tư và ngân hàng thương mại tự tìm cách “lách” để người dân vay mua nhà. Tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở Hà Nội, nhiều khách hàng vui mừng khi chính ngân hàng “lách” ký hợp đồng tín dụng trước ngày Thông tư 26 có hiệu lực (10/12/2015).

Bản thân chủ đầu tư tại nhiều dự án: NƠXH Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), Quốc Oai (Hoài Đức, Hà Nội)... cũng hỗ trợ khách hàng khi xác nhận chủ đầu tư chưa thế chấp dự án vay ưu đãi để người mua đủ điều kiện vay. Một lãnh đạo Cty Handico 5, chủ đầu tư dự án NƠXH Đại Kim chia sẻ: “Nếu khách hàng không vay được sẽ không có tiền đóng tiếp gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Đồng thời, chủ đầu tư thu lại nhà của đối tượng không đóng tiếp sẽ phải tổ chức bốc thăm bán lại cho đối tượng khác đủ điều kiện gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ dự án”.

Ông Đồng Ngọc Ba (Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm Pháp luật - Bộ Tư pháp) cho biết, theo phản ánh của báo chí về Thông tư 26 của Ngân hàng Nhà nước, cục sẽ kiểm tra về tính pháp lý. Nếu tính pháp lý có vênh, cục sẽ tham mưu để sửa đổi. Ngoài ra, thông tư đi vào thực tế có hợp lý không cần phải bàn và xem xét lại./.

tiền phong

Các tin tức khác

>   Sẽ kiểm soát chặt tín dụng BĐS, tín dụng dài hạn (18/01/2016)

>   Lãi suất liên ngân hàng hầu hết các kỳ hạn tăng lên trên 5% (18/01/2016)

>   Vàng SJC tăng nhẹ, tỷ giá trung tâm giảm 4 đồng (18/01/2016)

>   Bài học đắt giá về thế chấp hàng hóa tồn kho (29/02/2016)

>   Còn gần 1/3 dư nợ cho vay với lãi suất trên 10% (18/01/2016)

>   BIDV đột ngột dừng cho vay mua nhà, có bất thường? (18/01/2016)

>   Ngân hàng SCB ra mắt thẻ tín dụng quốc tế Visa (17/01/2016)

>   ​“Khoảng trống” ở các ngân hàng bán lẻ (17/01/2016)

>   Doanh nghiệp sợ lãi suất tăng (17/01/2016)

>   Trái phiếu chính phủ khuấy động lãi suất (16/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật