Doanh nghiệp sợ lãi suất tăng
Thị trường đang xuất hiện nhiều thông tin dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới
Lý giải về những lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi vừa qua, ông Ngô Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng (NH) TMCP Bản Việt, cho biết lãi suất chỉ tăng ở vài kỳ hạn nhằm cân đối lại dòng vốn khi tín dụng trung dài hạn tăng khá nhanh. Một số lãnh đạo NH thương mại khác cũng cho rằng lãi suất cho vay khó tăng mạnh bởi lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến cầu tín dụng và sức khỏe nền kinh tế hiện chưa đủ mạnh để chấp nhận mức lãi suất cao.
Khó cạnh tranh vì lãi suất
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM, cho biết trong bối cảnh năm 2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia có hiệu lực, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm được ký kết, đang tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN trong nước. Trong khi câu chuyện lãi suất cho vay vẫn là mối quan tâm hàng đầu khi nguồn vốn vay chủ yếu của DN đến từ hệ thống NH thương mại. “Gần đây, dù DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn từ cơ chế vay tín chấp nhưng rất cần áp dụng mức lãi suất phù hợp, bởi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tỉ suất lợi nhuận trên đồng vốn của DN không còn bao nhiêu, nếu lãi suất cao DN sẽ không chịu nổi” - ông Hưng nói.
Câu chuyện vốn và lãi suất vẫn là bài toán làm đau đầu doanh nghiệp trong năm 2016 Ảnh: Tấn Thạnh
|
Rất nhiều DN chia sẻ dù lãi suất đã giảm rất nhiều so với khoảng 3-4 năm trước nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, nhất là khi ngành NH vẫn là “bà đỡ” chủ yếu về vốn hoạt động cho DN Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP HCM, nhìn nhận nếu không có những cải cách mạnh mẽ về thể chế, lãi suất ổn định hoặc giảm thêm, DN nội sẽ rất khó trụ vững trước hội nhập. “Với DN ngành cao su nhựa, bài toán về vốn và thị trường vẫn rất khó khăn, trụ được trên sân nhà đã khó chứ đừng nói vươn ra nước ngoài. Do đó, mong mỏi ngành NH có thể giảm thêm lãi suất cho vay hơn nữa để hỗ trợ DN” - ông Quốc Anh cho biết.
Tại những chương trình kết nối NH và DN gần đây, vấn đề được quan tâm hàng đầu cũng là lãi suất - nhất là lãi suất trung dài hạn cần ổn định để DN yên tâm đầu tư. Đơn cử, với dự án đổi mới máy móc thiết bị, đầu tư nhà xưởng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất cần từ 3-5 năm nhưng lãi suất vay trung dài hạn hiện chỉ ổn định trong năm đầu và thả nổi những năm tiếp theo. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định thì không sao nhưng khi thị trường biến động và lãi suất tăng cao sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của DN. Từ cuối năm 2015 đến nay, xu hướng tăng lãi suất huy động lan rộng khiến không ít DN thấp thỏm lo lãi suất cho vay sẽ “đu” theo.
Rất khó giảm lãi suất
Một yếu tố là rào cản giảm lãi suất khác là tỉ giá, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, trước khi NH Nhà nước áp dụng chính sách điều hành tỉ giá mới, thị trường tiền tệ thế giới có biến động mạnh tác động không nhỏ tới tỉ giá USD/VNĐ nhưng NH Nhà nước không tăng tỉ giá, cũng không điều chỉnh lãi suất là nỗ lực rất lớn. Bởi khi NH Nhà nước đưa ngoại tệ ra can thiệp thị trường phải hút tiền đồng về - thị trường thiếu hụt tiền đồng buộc NH thương mại phải tăng lãi suất huy động, từ đó cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Lúc này, NH Nhà nước một mặt là can thiệp tỉ giá thông qua việc bán ngoại tệ ra thị trường đồng thời sử dụng các công cụ khác như thị trường mở để hỗ trợ NH thương mại về thanh khoản và yêu cầu không được tăng lãi suất cho vay. Do đó, cửa giảm thêm lãi suất trung dài hạn trong năm nay sẽ rất khó.
Theo ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Đông Á, mặt bằng lạm phát của 2015 chưa tới 1%, thấp nhất trong 14 năm qua, bước sang năm 2016 giá dầu sẽ khó giảm thêm, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, tỉ giá đồng nhân dân tệ giảm… khiến lãi suất của Việt Nam khó hạ thêm. “Điều quan trọng lúc này là cần điều hòa vốn của nền kinh tế vào những lĩnh vực sản xuất chủ yếu. Dòng vốn đang chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên rất tốt nên cần duy trì thường xuyên, hạn chế vốn cho những lĩnh vực đầu cơ, lướt sóng hoặc tiềm ẩn rủi ro như bất động sản” - ông Tuấn nói.
Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết năm 2016, tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát từ 18%-20%, dù mức này so với điều kiện nền kinh tế hiện nay là khá cao. Đây chỉ là mức tối đa, từng NH cần xác định mức tăng tín dụng hợp lý và đẩy mạnh tín dụng phải đi đôi với chất lượng, kiểm soát chặt việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Năm 2015, tín dụng tăng mạnh do tập trung cho vay một số DN lớn có dự án dài hơi, cho vay dự án bất động sản nên rủi ro không ít và cần kiểm soát trong năm nay. NH Nhà nước sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản, nhất là cho vay trung dài hạn trong điều kiện vốn huy động chủ yếu ngắn hạn” - phó thống đốc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM:
So sánh lãi suất trong khu vực là khập khiễng
Lãi suất huy động và cho vay cần phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô của từng nước, không thể áp lãi suất từ Singapore, Malaysia vào điều kiện Việt Nam. Bởi nếu lãi suất tiền gửi quá thấp người dân sẽ không gửi tiền, NH thương mại không có nguồn tiền để cho vay sẽ ảnh hưởng đến DN nhiều hơn. Mục tiêu trong năm nay của ngành NH là giảm lãi suất trung dài hạn từ 0,3%-0,5%/năm.
DN hiện phải bảo đảm năng lực cạnh tranh bằng cách vay thêm vốn trung dài hạn để đổi mới máy móc thiết bị và NH sẵn sàng cho vay. Minh chứng là tỉ lệ cho vay trung dài hạn tính đến cuối năm 2015 đã tăng lên 55,5%,. Còn việc một số NH đẩy lãi suất tiền gửi lên cao những ngày qua cũng nhằm cân đối lại nguồn vốn, huy động thêm nhiều nguồn vốn hơn.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:
Lãi suất có thể tăng với những DN rủi ro cao
Trong làn sóng tăng lãi suất huy động gần đây, sẽ có 2 nhóm khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng. Với nhóm khách hàng có chất lượng tốt, NH sẽ không dám tăng lãi suất cho vay do phải cạnh tranh để giữ thị phần. Đối với nhóm khách hàng có độ rủi ro cao hơn, các NH có thể điều chỉnh lãi suất để bù đắp rủi ro.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, Bộ Tài chính đưa ra các kỳ hạn huy động trái phiếu Chính phủ khác nhau đã hấp dẫn NH thương mại nhưng tôi không cho rằng đây là kênh hấp dẫn như năm 2014. Việc dồn vốn vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài sẽ có nhiều rủi ro, như khi lãi suất tăng trong thời gian tới sẽ làm giảm giá trị của danh mục trái phiếu. Bản thân nguồn vốn huy động của NH là ngắn hạn nên trong trường hợp cần vốn, NH bán ra trái phiếu cùng lúc sẽ có thanh khoản yếu nên bản thân mỗi NH phải cân nhắc và tính toán cho phù hợp.
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Thái Sơn:
DN phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay
Ở các nước, câu chuyện hàng đầu DN quan tâm không hẳn vốn NH mà là kế hoạch thị trường, kế hoạch nhân sự và họ có thể thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán, vốn NH chỉ là dòng vốn sau cùng. Ngược lại, DN Việt Nam lại quá phụ thuộc vào vốn NH và vài năm trước, có giai đoạn rất nhiều DN trong nước “sống hay chết” phụ thuộc rất lớn vào NH thương mại. Hiện lãi suất của Việt Nam đã giảm nhiều nhưng vẫn cao hơn phần lớn các nước trong khu vực nên DN càng khó cạnh tranh. Sau bao nhiêu năm trời hội nhập, DN Việt Nam lại có xu hướng “li ti hóa” dần và phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, vào vốn vay…
L.Anh ghi
|
Thái Hương
Người lao động
|